Quy chế này ban hành kèm Thông tư số 06 /2024/TT-BGDĐT ngày 10/4/2024; có hiệu lực thi hành kể từ 27/5/2024 và thay thế Thông tư số 38/2012/TT-BGDĐT ngày 2/11/2012 ban hành Quy chế thi nghiên cứu khoa học, kĩ thuật cấp quốc gia học sinh THCS, THPT và Thông tư số 32/2017/TT-BGDĐT ngày 19/12/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi nghiên cứu khoa học, kĩ thuật cấp quốc gia học sinh THCS, THPT ban hành kèm theo Thông tư số 38/2012/TT-BGDĐT.
Theo Quy chế, nội dung thi là kết quả thực hiện dự án nghiên cứu khoa học, kĩ thuật của học sinh thuộc 22 lĩnh vực: Khoa học động vật; Khoa học xã hội và hành vi; Hóa Sinh; Y sinh và khoa học sức khỏe; Kĩ thuật y sinh; Sinh học tế bào và phân tử; Hóa học; Sinh học trên máy tính và Sinh - Tin; Khoa học trái đất và môi trường; Hệ thống nhúng; Năng lượng: Hóa học; Năng lượng: Vật lí; Kĩ thuật cơ khí; Kĩ thuật môi trường; Khoa học vật liệu; Toán học; Vi sinh; Vật lí và thiên văn; Khoa học thực vật; Rô-bốt và máy thông minh; Phần mềm hệ thống; Y học chuyển dịch.
Dự án dự thi có thể do 1 học sinh thực hiện (dự án cá nhân) hoặc do 2 học sinh thuộc cùng một cơ sở giáo dục thực hiện (dự án tập thể).
Báo cáo kết quả thực hiện dự án dự thi bao gồm các nội dung cơ bản: Câu hỏi nghiên cứu (đối với dự án khoa học) hoặc vấn đề nghiên cứu (đối với dự án kĩ thuật); thiết kế và phương pháp nghiên cứu; thực hiện thu thập, phân tích và giải thích dữ liệu (đối với dự án khoa học) hoặc chế tạo và kiểm tra (đối với dự án kĩ thuật).
Đối với các đơn vị dự thi là Sở GD&ĐT, mỗi đơn vị dự thi được đăng kí tối đa 3 dự án dự thi. Riêng Sở GD&ĐT Hà Nội và Sở GD&ĐT Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi đơn vị được đăng kí tối đa 6 dự án dự thi.
Đơn vị dự thi là trường trực thuộc Bộ, đại học, trường đại học, viện, học viện, mỗi đơn vị được đăng kí tối đa 2 dự án dự thi.
Đơn vị đăng cai tổ chức Cuộc thi được đăng kí tối đa 6 dự án dự thi. Riêng đơn vị đăng cai tổ chức Cuộc thi là Sở GD&ĐT Hà Nội hoặc Sở GD&ĐT Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi đơn vị được đăng kí tối đa 12 dự án dự thi.
Các giải của Cuộc thi được xếp theo lĩnh vực hoặc nhóm lĩnh vực dựa trên điểm đánh giá các dự án dự thi, không phân biệt dự án cá nhân hay dự án tập thể, gồm có giải Nhất, giải Nhì, giải Ba và giải Tư.
Tổng số giải của Cuộc thi không vượt quá 60% tổng số dự án dự thi. Trong đó, số giải Nhất không vượt quá 10% tổng số giải; số giải Nhì, giải Ba, giải Tư, mỗi loại giải không vượt quá 30% tổng số giải.
Căn cứ kết quả chấm thi chọn dự án dự thi quốc tế, đơn vị thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc thi lập danh sách dự án dự thi được lựa chọn cử đi dự thi quốc tế, trình Trưởng ban Chỉ đạo Cuộc thi phê duyệt.
Thí sinh đoạt giải của Cuộc thi được hưởng các quyền lợi trong học tập và các quyền lợi khác theo quy định.
Xem chi tiết Quy chế TẠI ĐÂY