149 dự án đến từ 74 đơn vị dự thi
Cuộc thi do Bộ GD&ĐT phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC) tổ chức Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2023-2024 (Cuộc thi).
Đây là năm thứ 12 Cuộc thi được tổ chức nhằm khuyến khích học sinh trung học nghiên cứu khoa học, vận dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống; tạo cơ hội để học sinh trung học giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học; tăng cường trao đổi, giao lưu văn hóa, giáo dục giữa các địa phương và hội nhập quốc tế.
Cuộc thi gắn hoạt động nghiên cứu khoa học của học sinh với việc đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đổi mới phương pháp, hình thức đánh giá kết quả học tập của học sinh, góp phần phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Đồng thời cũng hình thành cho học sinh trung học tác phong khoa học, năng lực nghề nghiệp và tiềm năng khởi nghiệp góp phần thực hiện giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông.
Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2023-2024 có sự tham gia của 74 đơn vị dự thi, trong đó có 62/63 Sở GD&ĐT và 12 đơn vị thuộc các đại học, trường đại học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.
Năm nay, Cuộc thi Khoa học kỹ thuật có tổng số 149 dự án dự thi, thuộc 21 lĩnh vực bao gồm: Khoa học động vật, Khoa học xã hội và hành vi, Hóa sinh, Y sinh và khoa học sức khỏe, Kỹ thuật Y sinh, Sinh học tế bào và phân tử, Hóa học, Sinh học trên máy tính và Sinh tin, Khoa học Trái đất và Môi trường, Hệ thống nhúng, Năng lượng hóa học, Vật lí, Kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật môi trường, Khoa học vật liệu, Toán học, Vi sinh, Vật lí và Thiên văn, Khoa học thực vật, Rô bốt và máy tính, phần mềm hệ thống, Y học dịch chuyển.
Với yêu cầu đảm bảo tính trung thực, công bằng, khách quan, đánh giá đúng phẩm chất và năng lực học sinh theo mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông, Ban Tổ chức Cuộc thi đã lựa chọn các thành viên Ban Giám khảo là những người có uy tín từ 19 cơ sở giáo dục đại học trong cả nước. Thành viên Ban Giám khảo đảm bảo các yêu cầu: Không là người tham gia hướng dẫn, tư vấn khoa học các dự án tham gia Cuộc thi; không tham gia đánh giá dự án dự thi Cuộc thi ở cấp địa phương và không tham gia Ban Giám khảo trong 2 năm gần đây.
Theo quy định trong Thông tư số 32/2017/TT-BGD&ĐT ngày 19/12/2017 của Bộ GD&ĐT, tổng số giải của Cuộc thi không vượt quá 50% số lượng dự án tham gia dự thi.
Điểm của các dự án dự thi là căn cứ xếp giải Nhất, Nhì, Ba, Tư. Các dự án đạt giải Nhất, Nhì, Ba sẽ nhận Bằng khen của Bộ GD&ĐT; các dự án đạt giải Nhất, Nhì sẽ được tặng “Huy hiệu Tuổi trẻ sáng tạo” của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ chí Minh; các dự án đạt giải Tư sẽ được tặng Giấy khen của Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (VIFOTEC).
Các giáo viên hướng dẫn học sinh đạt giải Nhất tại Cuộc thi được Công đoàn Giáo dục Việt Nam trao tặng Bằng khen.
Những dự án tốt nhất của Cuộc thi cũng sẽ được tuyển chọn tham gia Hội thi khoa học, kỹ thuật quốc tế (ISEF) tại Hoa Kỳ năm 2024.
Ông Mai Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang, Phó trưởng ban chỉ đạo Cuộc thi KHKT quốc gia năm học 2023 - 2024. Ảnh: Đăng Chung. |
Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học trong trường trung học
Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học được Bộ GD&ĐT tổ chức lần đầu vào năm 2013. Từ đó đến nay, Cuộc thi được tổ chức mỗi năm một lần vào học kỳ 2 của năm học. Từ năm 2013 đến năm 2019, Cuộc thi được tổ chức tại hai điểm ở hai miền Bắc, Nam với số lượng tham dự là 4 - 6 dự án/đơn vị dự thi và được tổ chức lần lượt ở các địa phương khác nhau.
Từ năm 2020, Cuộc thi giảm quy mô về số lượng dự án tham dự (2 dự án/đơn vị dự thi; riêng đối với thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và đơn vị đăng cai tổ chức Cuộc thi được tham dự 4 dự án) và được tổ chức tại một địa phương trên cả nước (riêng năm 2022 Cuộc thi được tổ chức trực tuyến do dịch COVID-19).
Các dự án tham dự Cuộc thi được tuyển chọn từ các cuộc thi cấp tỉnh, cấp trường (đối với các trường trung học trực thuộc đại học, trường đại học). Theo báo cáo của các đơn vị tham gia Cuộc thi, hằng năm có từ 200-300 dự án tham gia vòng sơ tuyển để lựa chọn tham gia vòng chung kết cuộc thi cấp tỉnh, trên cơ sở đó lựa chọn dự án tham gia Cuộc thi cấp quốc gia với số lượng dự án theo quy định từng năm của Bộ GD&ĐT.
Cũng hằng năm, từ kết quả Cuộc thi, Bộ GD&ĐT lựa chọn những dự án đạt giải cao nhất và có đủ điều kiện (theo quy định tại Thông tư số 38/2012/TT-BGD&ĐT ngày 02/11/2012 của Bộ GD&ĐT) để tham gia Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế dành cho học sinh trung học do Hoa Kỳ tổ chức.
Hội thi Khoa học kỹ thuật quốc tế dành cho học sinh trung học, có tên tiếng Anh là International Science and Engineering Fair (ISEF), là Hội thi hằng năm, được tổ chức từ năm 1952. Đến nay, ISEF là Hội thi khoa học và kỹ thuật quốc tế lớn nhất dành cho học sinh trung học (từ lớp 8 đến lớp 12). Mỗi năm có khoảng 1800 học sinh trung học từ khoảng 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tham gia giới thiệu kết quả nghiên cứu ở 21 lĩnh vực của Hội thi.
Để tham gia ISEF, các thí sinh phải tham gia và được lựa chọn từ các cuộc thi khoa học kỹ thuật ở các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ. Các Hội thi tại quốc gia hoặc vùng lãnh thổ này phải tuân thủ một số quy định cơ bản của ISEF và được gọi là các Hội thi ISEF thành viên (Affiliation Fair). ISEF kết nối và tạo điều kiện để những nhà khoa học trẻ tranh tài ở đấu trường quốc tế; tạo điều kiện cho học sinh gửi những đề tài nghiên cứu của mình đến các nhà khoa học có trình độ và uy tín cao để được đánh giá, nhận xét.
Năm 2012, Việt Nam chính thức đăng ký là thành viên của Hội thi ISEF và bắt đầu tham gia Hội thi ISEF từ năm 2013. Năm 2020, Việt Nam không tham gia dự Hội thi ISEF do tình hình dịch COVID-19. Năm 2021, 2022 Việt Nam lại tiếp tục tham gia dự thi, nhưng với hình thức trực tuyến.
Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2023 có tên là “Regeneron ISEF 2023” được tổ chức tại Dallas, Hoa Kỳ. Tại Hội thi năm 2023, Việt Nam có 7 dự án tham dự và nằm trong số 33 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đạt giải của Hội thi (1 giải Ba và 1 giải đặc biệt của nhà tài trợ). Thành tích dự thi Hội thi ISEF của Việt Nam rất đáng tự hào, năm nào đội tuyển dự thi của Việt Nam cũng có dự án đạt giải.
Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giáo dục phổ thông. Cuộc thi là sân chơi bổ ích để các học sinh trung học có cơ hội được tham gia nghiên cứu, thể hiện năng lực, tư duy, sáng tạo, những ý tưởng táo bạo của tuổi trẻ về khoa học, kỹ thuật nhằm áp dụng vào thực tiễn, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần vào sự phát triển của đất nước.
Cuộc thi đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục trung học, tạo động lực mạnh mẽ để các em học tập, nghiên cứu, nuôi dưỡng và phát triển năng lực sáng tạo để biến ước mơ thành hiện thực.
Bên cạnh đó, Cuộc thi cũng đã thúc đẩy việc đổi mới phương pháp dạy học trong các trường phổ thông, góp phần giáo dục toàn diện, định hướng cho học sinh biết vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề thực tiễn. Đặc biệt, phong trào sáng tạo khoa học kỹ thuật đã mở ra cơ hội cho học sinh tiếp cận với thế giới khoa học, góp phần ươm mầm tài năng khoa học.
Qua báo cáo của các địa phương về số lượng dự án, số lượng học sinh cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông tham gia ở cuộc thi cấp địa phương tăng dần trong 12 năm qua cho thấy phong trào nghiên cứu khoa học của học sinh trung học ở cấp địa phương ngày càng phát triển từ số dự án đến số học sinh tham gia Cuộc thi.
Đây là kết quả phản ánh đúng sự phát triển của hoạt động nghiên cứu khoa học trong các trường trung học, gắn liền với việc đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục định hướng phát triển năng lực học sinh mà Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo thực hiện để chuẩn bị cho việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Là địa phương đăng cai, tỉnh Bắc Giang đã tích cực chuẩn bị tốt nhất để Cuộc thi diễn ra thành công, tạo dấu ấn cho đoàn khi về dự thi tại địa phương. Tỉnh Bắc Giang đã thành lập Ban Tổ chức đăng cai Cuộc thi gồm 37 thành viên, trong đó Trưởng Ban Chỉ đạo là Giám đốc Sở GD&ĐT, các Phó Trưởng Ban là lãnh đạo, cán bộ, chuyên viên các sở, ngành có liên quan. Ban Tổ chức đã thành lập 4 tiểu ban; các tiểu ban đã xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên để thực hiện.
Tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang, Quảng trường 3/2 - nơi diễn ra các hoạt động chính của Cuộc thi, Ban Tổ chức đã bố trí đầy đủ các khu vực, không gian trưng bày cho các đoàn dự thi. Mỗi dự án dự thi sẽ được bố trí 1 vị trí để trưng bày Poster với kích thước được quy định theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Sở GD&ĐT Bắc Giang tổ chức 10 gian trưng bày sản phẩm giáo dục STEM và giới thiệu bằng hình ảnh về các thành tựu giáo dục, đặc trưng của huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.