Bàn giải pháp phát triển toàn diện trẻ em

GD&TĐ - Sáng nay 6/3 tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đồng phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc UNICEF tổ chức Hội nghị về phát triển toàn diện trẻ em.

Bàn giải pháp phát triển toàn diện trẻ em

Dự hội nghị có bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, bà Đào Hồng Lan - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, lãnh đạo các bộ ban ngành liên quan và đại diện các tổ chức quốc tế. Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đại diện cho Bộ GD&ĐT tham dự hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã trình các tham luận liên quan đến sự cần thiết phải đẩy mạnh công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em trong giai đoạn mới. Phát triển trẻ thơ toàn diện đóng vai trò quan trọng và đặt nền tảng cho sự phát triển thể chất, trí tuệ và cảm xúc của trẻ em tạo nên những tiền đề cần thiết đảm bảo cho việc hòa nhập xã hội cũng như công bằng xã hội, giữ vai trò quyết định đối với sự phát triển bền vững của đất nước trong tương lai.

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến những chính sách bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Bên cạnh  Luật Trẻ em năm 2016, Việt Nam cũng đã xây dựng nhiều điều luật, chính sách và kế hoạch khác liên quan tới phát triển toàn diện trẻ em.

Tháng 9/2017, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án "Tăng cường chăm sóc phát triển trẻ em toàn diện gắn liền với đổi mới hệ thống y tế tại Việt Nam" do Quỹ Nhi đồng của Liên hợp quốc (UNICEF) tài trợ.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện dự án này đang gặp phải một số thách thức. Vẫn còn khoảng cách về cơ hội phát triển và tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế, giáo dục, bảo vệ chăm sóc trẻ em, nước sạch và các dịch vụ phúc lợi xã hội của trẻ em giữa các vùng kinh tế và dân tộc.

Tỉ lệ tử vong của bà mẹ ở miền núi vẫn cao gấp 4 lần so với vùng đồng bằng. Hơn 60% hộ gia đình dân tộc thiểu số không được sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Tỉ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi còn ở mức rất cao 24,9%, đặc biệt là vùng miền núi, vùng khó khăn. Tử vong sơ sinh giảm rất chậm, tỉ lệ là 12/1000 trẻ sinh ra sống. Tỉ suất tỉ vong sau 1 tháng tuổi đến 1 tuổi là 4/1000 trẻ sinh ra sống. Vẫn còn 5,7% trẻ có cân nặng sau sinh dưới 2500gram.

Tình trạng dinh dưỡng, sức khỏe và việc tiếp cận với các dịch vụ phát triển toàn diện trẻ em trong các hộ gia đình nghèo còn ở mức thấp. Tỉ lệ nhập học mầm non của trẻ còn thấp, đặc biệt trong các gia đình nghèo và trẻ em vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục vẫn có xu hướng tăng.

Các đại biểu đã thảo luận để bàn các giải pháp để thực hiện dự án nhằm mở rộng độ bao phủ và nâng cao chất lượng cho phát triển trẻ em toàn diện. Những vấn đề được quan tâm bao gồm các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chăm sóc dinh dưỡng, vệ sinh môi trường cho trẻ em đặc biệt là nhóm trẻ dễ bị tổn thương góp phần đảm bảo hòa nhập xã hội và công bằng xã hội vì chất lượng của giống nòi cũng như chất lượng của nguồn nhân lực xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong tương lai...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Khâu trọng yếu

GD&TĐ - Để Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 diễn ra an toàn, nghiêm túc yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất...