Nhu cầu gửi trẻ là có thực
Mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho trẻ mầm non, tuy nhiên, do tốc độ đô thị hóa nhanh, nên số trẻ mầm non đến trường ngày càng gia tăng. Đặc biệt tại các địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất, việc tăng dân số cơ học gây nên những biến động cho việc sắp xếp trường, lớp đối với trẻ ở bậc học này.
Số liệu thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong hơn 2 triệu công nhân lao động tại các khu công nghiệp - chế xuất (KCN - CX) trên cả nước, nữ chiếm 60 - 70%, trong đó hơn 60% lao động nữ có con trong độ tuổi nhà trẻ. Hiện nay hầu hết công nhân nữ làm việc tại các KCN đang trong độ tuổi sinh đẻ và nuôi con nhỏ nên nhu cầu gửi trẻ rất cao.
Chị Trần Lan Anh, quê Thanh Hóa đang làm việc tại KCN Quang Minh (Hà Nội) tâm sự: Vì cả hai vợ chồng đều là công nhân, nên thu nhập hàng tháng cũng eo hẹp. Bản thân chị, vì trước khi sinh hai tháng theo chỉ định của bác sĩ chị phải nghỉ làm để dưỡng thai. Chính vì vậy sau khi sinh xong con được gần 5 tháng chị đã phải đi làm. Mặc dù biết phải cho con đi gửi trẻ sớm như vậy là thiệt thòi, nhưng chị cũng chưa có giải pháp nào khác. Hai vợ chồng chị đành tìm một nhóm trẻ gia đình để gửi con. Cũng theo chị Lan Anh, những gia đình trẻ trong KCN có hoàn cảnh như chị không phải là hiếm.
Khi hỏi về vấn đề này chị Nguyễn Thị Mai, công nhân KCN Phú Nghĩa, Chương Mỹ (Hà Nội) cũng trải lòng: Đời sống của công nhân vốn đã không khấm khá, lúc sinh con lại càng chật vật. Cho nên khi sinh con chị phải đón bà ngoại ở quê ra trông. Các trường mầm non công lập hiện nay chưa có cơ sở vật chất đầy đủ để đáp ứng nhu cầu trông giữ trẻ còn quá nhỏ dưới một năm. Ngược lại ở những cơ sở tư thục thì số tiền gửi trẻ cũng lên tới hai ba triệu đồng. Những gia đình như chị không thể có khả năng với mức học phí như thế.
Cần tăng cường đầu tư CSVC, đội ngũ
Tìm hiểu trên thực tế, hiện nay, các trường mầm non chủ yếu nhận trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên, vì việc nhận trẻ còn quá nhỏ gặp nhiều khó khăn. Không phải cơ sở nào cũng đủ điều kiện đảm bảo vật chất, đội ngũ giáo viên để nhận chăm sóc đối tượng này.
Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Phó phòng GD&ĐT thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh cho biết: Trên thực tế, trẻ từ 3 tháng tuổi là còn quá nhỏ. Vì vậy đa phần các gia đình để con ở nhà cho ông bà trông là chính. Hơn nữa tại các nhà trường, cơ sở vật chất phòng học cũng như đội ngũ GV chưa thể đáp ứng được vấn đề thu hút được đối tượng trẻ nhỏ như thế để chăm sóc. Tuy nhiên trong tương lai, nếu Nhà nước tăng cường các chính sách hỗ trợ về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên đủ điều kiện để thu hút đối tượng trẻ nhỏ từ 3 tháng tuổi được học tại các cơ sở công lập thì quá tốt. Điều này sẽ tạo điều kiện hỗ trợ cho các gia đình công nhân có con nhỏ tại các KCN - CX.
Trao đổi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em cũng chia sẻ: Về mặt chính sách đề ra thì rất ưu việt, có thể quy định được. Nhưng trên thực tế, trẻ từ 3 tháng sẽ được gửi tại các cơ sở giáo dục cũng rất khó khả thi. Vì tâm lý các gia đình với trẻ nhỏ như thế thường muốn chăm sóc tại gia đình.
Bên cạnh đó nếu xét trên luật lao động, bình thường phụ nữ đều được nghỉ thai sản 6 tháng. Chỉ ít người có nguyện vọng đi làm sớm hơn nên sẽ có những yếu tố không đồng bộ của pháp luật. Với lứa tuổi quá nhỏ thì điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng đòi hỏi rất cao, từ cơ sở vật chất đến đội ngũ chăm sóc. Về cơ sở vật chất để đáp ứng việc chăm sóc đối tượng này cần có phòng để vắt sữa, hay phòng để bảo quản sữa mẹ dành cho con trong thời gian mẹ phải làm việc.
Việc chăm sóc đối với các trẻ nhỏ cũng đòi hỏi yêu cầu về tỷ lệ người chăm sóc cao hơn và về kỹ năng chăm sóc cũng tỉ mỉ, cẩn thận hơn. Phòng để trang bị cho việc chăm sóc các cháu nhỏ cũng phải có những đặc thù riêng.