Cùng dự buổi làm việc có ông Trần Văn Thuật – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN), ông Vũ Minh Đức – Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam (CĐGDVN).
Tại buổi làm việc, ông Vũ Minh Đức đã báo cáo tình hình hoạt động công đoàn từ đầu nhiệm kỳ XV, phương hướng hoạt động trong thời gian tới cũng như trình bày về dự thảo Kế hoạch “Nâng cao năng lực đạo đức nhà giáo, người lao động đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Phát biểu tại đây, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã đánh giá cao hoạt động của CĐGDVN những năm qua; Hàng năm, CĐGDVN đã tích cực tham mưu cho Bộ và chủ động triển khai các hoạt động công đoàn. Trong kết luận hội nghị, Bộ trưởng đã đồng ý với nhiều đề xuất kiến nghị của CĐGDVN trong định hướng hoạt động thời gian tới đây.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu kết luận tại buổi làm việc. Ảnh: Bá Hải |
Bộ trưởng đồng ý với đề xuất Bộ GD&ĐT sẽ chỉ đạo Sở GD&ĐT các tỉnh về hoạt động công đoàn. Tuy nhiên Bộ trưởng cũng lưu ý: nhiệm vụ nâng cao năng lực, đạo đức nhà giáo là của chính quyền, công đoàn chỉ là tổ chức phối hợp để hiệu quả hoạt động; Bộ sẽ chỉ đạo các Sở GD&ĐT, các trường CĐ, ĐH để thống nhất thực hiện công tác này.
Đồng ý với dự thảo Kế hoạch triển khai “Nâng cao năng lực đạo đức nhà giáo, người lao động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: 5 năm qua toàn ngành đẩy mạnh công cuộc đổi mới theo tinh thần Nghị quyết số 29 của BCH T.Ư Đảng Khóa XI;Trong đó nâng cao năng lực, đạo đức nhà giáo là nhiệm vụ quan trọng.
Về lâu dài phải coi đạo đức nhà giáo vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy thành công công cuộc đổi mới, do vậy tới đây phải phát động trong toàn ngành cuộc vận động nâng cao năng lực, đạo đức nhà giáo, người lao động.
Ông Vũ Minh Đức báo cáo tại buổi làm việc. Ảnh: Bá Hải |
Bộ trưởng yêu cầu Kế hoạch nâng cao năng lực, đạo đức nhà giáo phải được tiếp cận toàn diện thực tiễn, nâng cao hiệu quả hoạt động ở từng chuyên đề. Để Kế hoạch này được cụ thể hóa, có tính khả thi, Bộ trưởng gợi mở 3 nhiệm vụ:
Từ nay đến năm 2020 phải tạo được sự chuyển biến căn bản trong nhận thức về đạo đức của đội ngũ nhà giáo. Muốn vậy phải nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhà giáo trong việc tiếp cận thông tin, quy định của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, của Bộ GD&ĐT về đạo đức nhà giáo.
Nhiệm vụ tiếp theo là: Chính quyền tổ chức tập huấn, công đoàn phối hợp với các hình thức phù hợp, linh hoạt để chia sẻ kinh nghiệm cho đội ngũ nhà giáo, các cấp quản lý giáo dục về năng lực, đạo đức nhà giáo nhằm từng bước tích lũy nền tảng, nâng cao phẩm chất trong đội ngũ nhà giáo; Lấy thường xuyên nhắc nhở, động viên tạo động lực hơn là áp lực công việc để nhà giáo chú trọng thực hành quy định về đạo đức nghề nghiệp, tránh được những biểu hiện lệch lạc trong phẩm chất, lối sống, đạo đức trong đội ngũ nhà giáo.
Thứ ba, Công đoàn phải là tổ chức phát hiện, kịp thời biểu dương, tôn vinh những cá nhân điển hình, tiên tiến; Chọn được những thầy giáo, cô giáo tiêu biểu, những tập thể sư phạm điển hình để vinh danh làm lan tỏa nhân rộng trong ngành.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ với các vị đại biểu, BCH CĐGDVN tại buổi làm việc. Ảnh Bá Hải |
Để tiếng nói của công đoàn có sức nặng, ảnh hưởng trước hết với nhà giáo, cùng với chính quyền nhằm uốn nắn các cá nhân thực hành quy định đạo đức nhà giáo, trong các hoạt động công đoàn, Bộ trưởng đặc biệt lưu ý công đoàn các cấp phải bảo vệ tốt danh dự, uy tín, nhân phẩm nhà giáo; Kịp thời đấu tranh, lên án nếu có cá nhân nhà giáo nào vi phạm những quy định về đạo đức nghề nghiệp…