Tổng biên tập Stéphane Charbonnier là một trong 12 nạn nhân thiệt mạng sau vụ tấn công khủng bố tại trụ sở tạp chí ở Paris hôm 7/1. Sau cái chết của bạn trai, bà Bourgrab trả lời phỏng vấn trên truyền hình về mối quan hệ với ông Stéphane Charbonnier, người mà bà xem như "một chiến binh".
Tổng biên tập Stéphane Charbonnier bị giết trong vụ tấn công khủng bố tòa soạn hôm 7/1. |
"Anh ấy là người không quan tâm tới bất cứ thứ gì khác ngoài công việc, là người chưa từng có kỳ nghỉ. Tôi hy vọng Charlie (tạp chí Charlie Hebdo) sẽ không biến mất bởi vì nếu điều đó xảy ra, chúng ta sẽ giết Stéphane lần thứ hai" - News Yahoo dẫn lời bà Bourgrab nói.
Trong nhiều cuộc phỏng vấn đầy xúc động với báo chí, bà Bougrab chia sẻ "luôn chuẩn bị tinh thần rằng Charb, bút danh của ông Charbonnier, sẽ chết, giống như Theo Van Gogh (họa sĩ người Hà Lan bị giết năm 2004)".
"Tôi từng cầu xin Charb rời khỏi nước Pháp, nhưng anh ấy không đồng ý. Bạn trai tôi đã chết vì anh ấy vẽ cho một tờ báo" - Bà Bougrab cho hay.
Bà Bougrab sống cùng ông Charb và cô con gái nuôi tên May suốt 3 năm qua. "Charb không bao giờ có con vì anh biết mình sẽ chết. Anh ấy không sống chung với nỗi sợ hãi" - Bạn gái tổng biên tập của Charlie Hebdo cho hay.
Bà Bougrab là một luật sư, là cựu Bộ trưởng Đời sống Thanh niên và Cộng đồng Pháp. Bà từng là thành viên của Hội đồng Quốc gia Pháp dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy, và là con gái của những người nhập cư Algeria.
Chia sẻ với kênh tin tức BMFTV của Pháp, bà kể lại thời điểm lúc biết tin bạn trai bị giết: "Tôi đang họp và biết thông tin có một vụ xả súng. Sau đó, tôi gửi một, rồi hai, ba, tin nhắn cho Charb. Cuối cùng tôi gọi cho anh ấy, nhưng Charb không trả lời. Charb chẳng bao giờ hành động như vậy cả".
Lúc có mặt tại hiện trường, bà Bougrab trông thấy rất nhiều hàng rào cảnh sát. "Chúng tôi không được vào trong, và sau đó tôi biết Charb đã chết. - Luật sư 41 tuổi kể - Charb chết trong tư thế đang đứng".
Bà Bougrab ngưỡng mộ bạn trai bởi bà yêu Charb, yêu vì lòng dũng cảm. Trong lần phỏng vấn năm 2012 sau khi tòa soạn bị đe dọa và tấn công nhiều lần, Tổng biên tập Charbonnier từng nói: "Tôi không sợ sự trả thù. Tôi không có con cái, không có vợ, chẳng có ôtô lẫn thẻ tín dụng. Điều này nghe có vẻ hơi khoa trương nhưng tôi thà chết đứng còn hơn sống quỳ".
Trên kênh TF1 của Pháp, Bougrab đau xót nói: "Tôi ở đây, không phải với tư cách cựu Bộ trưởng, mà với tư cách một phụ nữ mất đi người đàn ông yêu thương của mình, người bị những kẻ dã man giết hại".
Khi được hỏi liệu có cảm thấy thoải mái khi thế giới chọn khẩu hiệu Je Suis Charlie (Tôi là Charlie) làm biểu tượng cho sự chiến thắng, niềm hy vọng hay không, bà Bougrab đáp: "Hoàn toàn không bởi Charb đã chết. Đó hoàn toàn không phải chiến thắng mà là thất bại. Đó là thảm kịch cho đất nước chúng ta. Tôi không vui vẻ gì với ý tưởng mọi người xuống đường biểu tình".
Bà Bougrab là một trong số nhiều người đang cố gắng đối diện với nỗi mất mát đột ngột. Vợ họa sĩ Georges Wolinski, làm việc tại tạp chí Charlie Hebdo, miêu tả nỗi bàng hoàng khi biết tin chồng mình chết qua báo chí.
"Chẳng ai chính thức thông báo cho tôi cả khiến tôi bị sốc. Nói về chồng sau vụ xả súng kinh hoàng quả không dễ. Tôi nghĩ Wolinski chết cùng đồng đội, những người anh em của ông ấy, vì những gì chồng tôi luôn chiến đấu" - RTL dẫn lời bà Maryse Wolinski.
Ba ngày sau khi nước Pháp xảy ra những vụ xả súng và bắt cóc con tin đẫm máu, Tổng thống Pháp Francois Hollande kêu gọi đoàn kết dân tộc.
"Không gì có thể chia cách chúng ta, không gì sẽ tách rời chúng ta. Sự tự do sẽ luôn mạnh mẽ hơn hành động dã man" - Người đứng đầu nước Pháp tuyên bố.
Hai anh em nghi phạm người Pháp Said và Cherif Kouachi được cho là đứng đằng sau vụ xả súng đẫm máu hôm 7/1 tại trụ sở tạp chí Charlie Hebdo, vụ tấn công khủng bố tồi tệ nhất ở Pháp trong vòng ít nhất 40 năm qua.
Hành động này của các tay súng cực đoan được tin là sự trả thù vì tạp chí đã cho xuất bản liên tiếp nhiều hình vẽ châm biếm nhà tiên tri Mohammed.
Said và Cherif Kouachi bị Pháp và cơ quan chống khủng bố Mỹ theo dõi suốt nhiều năm. Cả hai cũng có tên trong danh sách tuyệt mật của Mỹ. Chúng bị tiêu diệt trong cuộc đấu súng đẫm máu với đặc nhiệm Pháp khi cố thủ trong một xưởng in.