Bạn đồng hành mới của bố

GD&TĐ - Mẹ tôi đã mất cách đây hai năm vì căn bệnh ung thư. Tôi vẫn nhớ hình ảnh khi bà còn sống: hiền dịu và sang trọng. Đặc biệt, mẹ tôi là một phụ nữ tốt bụng và rất yêu nghệ thuật.

Bạn đồng hành mới của bố

Mẹ và bố có một cuộc hôn nhân trọn vẹn, họ đã ở bên nhau 54 năm.

Khi mẹ mất, tôi là đứa ở gần nhất nên 2 vợ chồng tôi có mặt sớm nhất. Trong lúc đau buồn, bố và tôi luôn hỗ trợ nhau. Bố đã trông chừng các con giúp tôi, trong khi tôi nấu cho bố những bữa ăn giàu dinh dưỡng. Vì không thể ngừng nhớ đến mẹ nên bố tôi đã quyết định bán nhà và chuyển đến một căn hộ tiện nghi hơn. Ông quyết định muốn sống ở đó toàn thời gian. Tôi hoàn toàn ủng hộ quyết định này.

Tôi ngưỡng mộ sự kiên cường và sức mạnh của bố. Ông luôn rất biết ơn về cuộc hôn nhân tuyệt vời mà ông đã có với mẹ tôi. Ông nhận thức được sự thật rằng ông vẫn đang sống, và nên tiếp tục làm điều đó hết sức có thể. Ông kiên quyết không để mình sống phụ thuộc vào các con.

Dù tôi muốn bố là của riêng mình, nhưng tôi cũng biết trước rằng ở một thời điểm nào đó, khi nỗi buồn nguôi ngoai, ông có thể sẽ hẹn hò hoặc tái hôn. Ông là người hào phóng, thông minh và giàu lòng yêu thương. Ông thể hiện cảm xúc của mình một cách dễ dàng và tự do. Trong suốt thời thơ ấu của tôi, ông thường hỏi: “Hôm nay bố đã nói với con rằng bố yêu con chưa nhỉ?”. Điều đó thật tuyệt đối với tôi.

Tôi đã không ngạc nhiên khi ông gặp một người phụ nữ vào năm ngoái. Bà ấy cũng góa bụa và chỉ kém bố tôi vài tuổi. Tôi hài lòng vì bố có một người bạn đồng hành và tiếp tục có một cuộc sống năng động, đầy đủ. Họ thậm chí còn nói về việc kết hôn.

Điều này lại không dễ chấp nhận đối với tôi. Vài tháng trước khi gặp người phụ nữ ấy, tôi đã đi chơi cùng một số người bạn. Họ thắc mắc liệu tôi đã từng biết mặt người phụ nữ ấy chưa. Họ rất ngạc nhiên khi tôi nói rằng tôi chưa gặp và không muốn gặp. Họ hỏi tôi: “Tại sao cậu không muốn biết mặt bà ấy?”.

Tôi nói trong nước mắt: “Nếu mình nhìn thấy bà ấy, mình sẽ phải đối diện với 3 sự thật: bà ấy thực sự đang tồn tại trong cuộc sống của mình; mẹ mình đã chết và bố mình đã có bạn gái. Vì vậy, mình đâu nhất thiết phải nhìn mặt bà ấy. Các cậu đừng lo lắng, mình vẫn ổn”.

Vài ngày sau, bố gửi cho tôi và các anh chị em của tôi một bức ảnh của người phụ nữ ấy. Em gái đã gọi cho tôi sau khi nhận được hình ảnh: “Chị đã nhìn thấy chưa?”. Tôi bùi ngùi trả lời: “Ừ, chị thấy rồi”.

Chúng tôi đều thừa nhận bà ấy trông có vẻ tốt lành và sang trọng. Tôi đặc biệt chú ý đến mái tóc có nhiều sợi bạc được cắt kiểu cách và một chiếc khăn xinh xắn được choàng điệu đà trên vai. Dẫu sao, bà ấy trông không giống như một bản sao của mẹ tôi. Điều đó khiến tôi cảm thấy nhẹ lòng.

Kể từ đó, tôi đã nghe nhiều câu chuyện từ những người mất cha hoặc mẹ và có những trải nghiệm tương tự với mình. Một người bạn nói với tôi: “Cậu sẽ cảm thấy tốt hơn nếu để mọi chuyện diễn ra một cách tự nhiên”. Hầu hết mọi người đều nói với tôi rằng họ vui mừng như thế nào khi cha mẹ còn sống của họ có người để chia sẻ.

Chúng tôi rất vui khi được gặp bà ấy tại căn hộ của bố. Bà ấy có nhiều sở thích giống bố tôi nhưng cách cư xử có vẻ dè dặt hơn mẹ tôi. Tôi thấy bà ấy có vẻ là một người phụ nữ tốt bụng, thông minh và là một người mẹ, người bà giàu lòng yêu thương.

Bố nói mẹ tôi là tình yêu của cuộc đời ông, nhưng người bạn ông chọn ở tuổi 70 có thể rất khác với người mà ông đã yêu ở tuổi 20. Từ khi gặp gỡ bà ấy, bố tôi biết đi spa, điều mà ông chưa từng làm trước đây. Tôi hiểu, bố không cố gắng tìm cho chúng tôi một người mẹ khác, ông ấy chỉ đơn giản là đã tìm thấy một người bạn đồng hành cho mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thí sinh dự thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức năm 2024. Ảnh: VNU-HCM

Trường ĐH KHXH&NV TPHCM tuyển mới 3 ngành

GD&TĐ - Kinh doanh thương mại Hàn Quốc, Quốc tế học và Nghệ thuật học lần đầu được Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TPHCM tuyển sinh.