Bản Diềm tìm đường xuất ngoại

GD&TĐ - Những năm gần đây, nghề mây tre đan được khôi phục lại ở bản Diềm, huyện Con Cuông, Nghệ An đã đem lại sinh kế ổn định cho bà con.

Hợp tác xã mây tre đan bản Diềm (xã Châu Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An) tạo sinh kế cho bà con dân tộc.
Hợp tác xã mây tre đan bản Diềm (xã Châu Khê, huyện Con Cuông, Nghệ An) tạo sinh kế cho bà con dân tộc.

Những sản phẩm thủ công, thân thiện, an toàn với môi trường cũng dần tạo thương hiệu và từng bước được đưa ra thị trường nước ngoài. 

Khôi phục nghề truyền thống

Đan lát vốn là nghề truyền thống của bà con người Thái, Đan Lai ở bản Diềm, xã Châu Khê, huyện Con Cuông (Nghệ An). Xuất phát từ phục vụ nhu cầu cuộc sống, bà con nơi đây thường đan các vật dụng trong sinh hoạt và lao động như: Bàn ghế, mâm, gùi đi rẫy, rổ rá, ép đựng xôi, thức ăn...

Sau này, hình thành nghề đan lát thành sản phẩm hàng hóa để trao đổi hoặc bán kiếm thu nhập. Tuy nhiên, do chủ yếu buôn bán trong vùng, trong khi phần lớn người dân đều có thể tự cung tự cấp, nên có giai đoạn sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, tồn đọng. Nghề mây tre đan cũng mai một.

Bà Lang Thị Hoa (59 tuổi) – Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) mây tre đan bản Diềm nhớ lại, thời gian đó, nhiều diện tích rừng tre tự nhiên cũng bị thu hẹp. Nguồn nguyên liệu khan hiếm, bà con bỏ nghề nhiều.

Nhưng bà Hoa thì tiếc nghề: “Cả đời gắn bó với cây tre, giang, lùng... rồi, bỏ thì không biết làm chi, mà làm thì phải thay đổi. Tôi quyết định đi nhiều nơi khác tìm hiểu thêm cách làm của họ, nguyên vật liệu mới, các mẫu sản phẩm đa dạng hơn. Rồi trở về tiếp tục giữ nghề đan”.

Bản thân bà Hoa mong muốn khôi phục nghề đan lát truyền thống của bản Diềm, làm sinh kế cho chị em phụ nữ. Bởi nếu chỉ một vài hộ, thì sản phẩm đan lát vẫn chỉ mang tính tự túc tự cấp, nhỏ lẻ trong địa phương.

Đến năm 2016, HTX mây tre đan bản Diềm được thành lập với 17 thành viên. “Thực tế, nguyên liệu cho nghề đan lát rất sẵn, từ cây luồng, cây giang, sợi mây... là lâm sản phụ được phép khai thác.

Sản phẩm làm ra an toàn khi sử dụng, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, khó khăn nhất là do hoàn toàn thủ công từ khâu tìm kiếm, khai thác, chế biến nguyên vật liệu và sản xuất, nên cần tay nghề, sự chịu khó, chăm chỉ của người thợ.

Giá thành mỗi sản phẩm tùy kích thước, chủng loại mà được bán từ 30 nghìn đến cả triệu đồng. Với nhiều mẫu mã phong phú, mở rộng thị trường tiêu thụ, qua thời gian, sản phẩm mỹ nghệ làng nghề bản Diềm dần khẳng định được thương hiệu của mình.

Từng bước có mặt tại các hội chợ, triển lãm trong tỉnh và các thành phố lớn như: Hà Nội, TPHCM. Gần đây, ngoài thị trường trong nước, sản phẩm từ làng nghề thủ công bản Diềm còn xuất ngoại, vươn ra thị trường nước ngoài.

Các đơn hàng xuất khẩu có giá trị cao gấp 3 - 4 lần so với bán trong nước. Ví dụ mâm cơm có giá 3 triệu đồng nhưng nếu xuất khẩu có thể bán lên được 6 - 7 triệu đồng. 

Tạo nguồn lao động để mở rộng quy mô

Những sản phẩm nổi bật của HTX mây tre đan bản Diềm.

Những sản phẩm nổi bật của HTX mây tre đan bản Diềm.
Khó khăn lớn nhất hiện nay không nằm ở đầu ra mà là lao động đáp ứng đơn hàng. Phần lớn bà con tham gia làng nghề là phụ nữ cao tuổi, ở nhà làm nông nghiệp và tranh thủ thời gian rảnh rỗi, lúc nông nhàn để đan lát. Nguồn lao động trẻ kế cận thiếu thốn là trở ngại đối với việc mở rộng quy mô HTX. Chúng tôi đang mở rộng đào tạo nghề nhằm thu hút lao động, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm có tính cạnh tranh, tăng thu nhập và tạo sinh kế ổn định cho bà con - Ông Vi Văn Quý.

Làng nghề mây tre đan bản Diềm có 52 hộ với 54 người tham gia lao động, sản xuất. Thời điểm này, HTX đang có hàng chục người làm việc liên tục. Đây cũng được xem là mùa cao điểm của nghề đan lát, vì đang ở lúc nông nhàn, bà con đã gieo cấy xong và chờ thu hoạch.

Bà Vy Thị Nội (73 tuổi) là một trong những thợ lành nghề và có thâm niên đan lát. Vừa nói chuyện, tay vừa thoăn thoắt với từng sợi mây, bà Nội kể mình theo mẹ học đan lát từ nhỏ. Lớn lên, không chỉ đan các sản phẩm bằng mây, tre, bà còn thạo nghề dệt thổ cẩm.

“Con gái Thái ngày xưa trước khi về nhà chồng phải tự tay thêu váy áo, gối, chăn và đan các vật dụng cho mình và tặng người thân. Vì vậy, tuổi như bà ai cũng thạo nghề cả. Bọn trẻ bây giờ học hành rồi đi làm ăn xa nên ít người theo nghề như các bà, các mẹ”, bà Nội tâm sự.

Tham gia HTX, bà Nội cũng đề xuất sáng kiến đưa hoa văn trên váy áo thổ cẩm của người Thái vào trong sản phẩm đan lát. Từ đó, vừa tăng tính thẩm mỹ, tạo nét đặc biệt của sản phẩm mây tre đan làng Diềm, vừa giới thiệu được nét bản sắc văn hóa người Thái.

Các thành viên HTX còn tận dụng nguyên liệu tự nhiên sẵn có trên rừng để chế ra các loại màu tự nhiên nhuộm lên sản phẩm mây tre đan. Tạo thành họa tiết nhiều màu sắc trên sản phẩm như đĩa đựng hoa quả, mâm cơm, khay đựng trà...

Sản phẩm thu hút khách hàng mà vẫn giữ được tính an toàn, thân thiện với môi trường. Tùy vào độ khó và phức tạp của sản phẩm, trung bình 2 - 3 ngày một người có thể hoàn thành 1 đồ dùng bằng mây tre có giá 200 - 300 nghìn đồng.

Bà Lang Thị Hoa cho biết thêm, các thành viên HTX còn lên tận các bản làng người Thái, Mông ở Tương Dương, Kỳ Sơn gặp các nghệ nhân, người già để học hỏi thêm kinh nghiệm, kỹ thuật đan lát.

Chính quyền địa phương cũng hỗ trợ bà con mở các lớp tập huấn kỹ thuật đan lát, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Giới thiệu HTX tham gia trưng bày, triển lãm sản phẩm ở các hội chợ, hội nghị nghề nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Hiện, mỗi tháng làng nghề đan lát bản Diềm sản xuất hàng nghìn sản phẩm, trong đó có khoảng 500 sản phẩm xuất khẩu. Năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên sản phẩm xuất khẩu giảm khoảng một nửa, chủ yếu tiêu thụ trong nước.

Mỗi tháng hợp tác xã thu về cho bà con từ 250 - 300 triệu đồng. Bình quân mỗi gia đình có 2 - 3 người tham gia đan lát có thu nhập 10 - 15 triệu đồng.

Ông Vi Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông, cho biết: Tuy quy mô của HTX mây tre đan bản Diềm còn nhỏ nhưng sản phẩm có sức tiêu thụ tốt, thu hút nhiều khách hàng tiềm năng.

Thông qua Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cũng đã tạo cơ hội cho HTX mây tre đan bản Diềm phát triển. Năm 2018, bắt đầu có đơn đặt hàng từ nước ngoài như Đức, Pháp, Nhật… bắt đầu đến với bà con bản Diềm. Qua đó tạo đầu ra ổn định, giúp bà con yên tâm gắn bó và làm nghề truyền thống.

Theo ông Quý, Con Cuông có lợi thế về nguồn nguyên liệu sẵn có để phát triển làng nghề mây tre đan. Thời gian tới chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở nhỏ và vừa vay vốn. Đồng hành cùng bà con mang sản phẩm xuất khẩu chính ngạch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhiều hòn đảo xa xỉ ở Tây Ban Nha thu hút người giàu có và nổi tiếng.

3 hòn đảo đỉnh cao xa hoa ở Tây Ban Nha

GD&TĐ -Nhiều hòn đảo tư nhân của Tây Ban Nha, một số thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt Nga, được những người giàu có và nổi tiếng lui tới.

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.