Bảo đảm mục đích kỳ thi
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 được tổ chức từ ngày 26 - 29/6.
Tán thành với điều chỉnh trên, ông Lê Quang Trí - Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang nhấn mạnh, Ban đề thi tốt nghiệp THPT là bộ phận quan trọng, góp phần tạo nên thành công của kỳ thi. Đề thi được đánh giá tốt thể hiện qua nhiều tiêu chí, trong đó có yếu tố bám sát thực tiễn dạy - học ở các địa phương.
“Việc Bộ GD&ĐT quyết định lãnh đạo sở GD&ĐT vào Ban đề thi cũng nhằm mục đích này. Chúng tôi tán thành, sẵn sàng chấp hành nghiêm túc”, ông Lê Quang Trí khẳng định, đồng thời đề xuất, không nên “chốt cứng” là giám đốc sở GD&ĐT mà chọn đại diện lãnh đạo sở GD&ĐT có kinh nghiệm vào Ban đề thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT. Việc này nên để ban giám đốc các sở GD&ĐT chọn lựa và tiến cử.
Đồng quan điểm, ông Đinh Văn Khâm - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Bình cho hay, việc xây dựng ngân hàng câu hỏi nhận được ủng hộ lớn từ các địa phương, nhà trường. “Chúng tôi tâm đắc với định hướng xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, đề thi từ cơ sở cung cấp cho ngân hàng đề. Việc này sẽ định hình rõ các cấp độ câu hỏi, nếu có chỉ đạo đồng bộ thì cả nước sẽ nhanh chóng có được ngân hàng câu hỏi từ các sở GD&ĐT và hỗ trợ lớn trong việc đánh giá định kỳ học sinh”, ông Khâm phát biểu.
Việc có lãnh đạo sở GD&ĐT vào Ban đề thi tốt nghiệp THPT là hợp tình, hợp lý, ông Tạ Việt Hùng - Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang khẳng định và nhận thấy, Bộ GD&ĐT luôn lắng nghe ý kiến phản hồi từ cơ sở. Với chủ trương này, đề thi sẽ sát thực tiễn dạy - học và trình độ của học sinh các vùng miền trên cả nước. “Chúng tôi sẵn sàng tiếp nhận nhiệm vụ này nếu được Bộ GD&ĐT tín nhiệm”, ông Tạ Việt Hùng khẳng định.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang, thông thường các địa phương chọn cử phó giám đốc phụ trách lĩnh vực khảo thí, giáo dục trung học vào Ban chỉ đạo thi; thậm chí đóng vai trò chủ chốt trong điều hành, chỉ đạo công tác thi, bao gồm cả công việc in sao đề thi. Vì thế, đây có thể là một trong những khó khăn của địa phương nếu lãnh đạo sở GD&ĐT của tỉnh, thành phố đó được Bộ GD&ĐT chọn vào Ban đề thi tốt nghiệp THPT cấp quốc gia.
Lý giải về điều chỉnh trên, TS Lê Mỹ Phong - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, bố trí lãnh đạo các sở GD&ĐT vào Ban đề thi tốt nghiệp THPT để đề thi được ra vừa sức học sinh, bảo đảm các mục đích của kỳ thi là: Xét tốt nghiệp THPT, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông và đủ độ tin cậy, phân hóa để các cơ sở đào tạo có thể sử dụng vào việc tuyển sinh.
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Ảnh: TG |
Lưu ý trước kỳ thi
Trao đổi thêm về một số nội dung liên quan đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, TS Lê Mỹ Phong cho hay, nếu năm nay, thí sinh dự thi nhưng chưa đỗ tốt nghiệp hoặc không đạt mức điểm để xét tuyển đại học thì có thể thi lại vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Đề thi sẽ phù hợp với chương trình thí sinh được học.
Liên quan đến cộng điểm ưu tiên, lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng cho biết, theo Quy chế sửa đổi, bổ sung Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2024 vừa ban hành, có hai loại điểm cộng là: Điểm cộng ưu tiên và điểm khuyến khích. Cộng điểm ưu tiên dành cho thí sinh là con em diện chính sách, con em dân tộc thiểu số nếu sống ở thành phố cũng được cộng điểm ưu tiên nhưng mức điểm sẽ khác với thí sinh thuộc đối tượng này sống ở vùng khó khăn. Còn điểm khuyến khích dành cho thí sinh có giải thưởng, chứng chỉ nằm trong quy định của Bộ GD&ĐT.
Nhấn mạnh, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cơ bản giữ ổn định như năm 2023, TS Lê Mỹ Phong lưu ý, để tự tin bước vào kỳ thi và thu nhận kết quả tốt, học sinh cần chủ động ôn tập, bám sát nội dung được dạy học ở trường và sách giáo khoa. Ngoài ra, các em có thể rèn luyện bằng cách làm đề dựa theo cấu trúc đề thi minh họa đã được Bộ GD&ĐT ban hành. Trong quá trình rèn luyện, thí sinh không chỉ ghi nhớ tốt kiến thức, mà còn rèn kỹ năng làm bài thi để có tâm lý vững vàng khi bước vào kỳ thi.
Ngoài ra, học sinh cần lưu ý việc chọn môn thi. Theo quy định, học sinh dự thi để xét tốt nghiệp THPT năm nay phải đăng ký thi 4 bài trong tổng số 5 bài thi của kỳ thi này. Trong đó, có bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 trong 2 bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. “Các em học ngoại ngữ là tiếng Anh nhưng vẫn có thể đăng ký thi ngoại ngữ khác như: Tiếng Pháp, Trung, Đức…”, TS Lê Mỹ Phong cho hay.
Với thí sinh tự do (đã tốt nghiệp nhưng dự thi để lấy kết quả xét tuyển đại học), có thể dự thi 1 - 2 môn thành phần của bài thi tổ hợp, cần nghe phổ biến kỹ quy định thời gian nào vào phòng thi, thời gian chờ để thi… Thí sinh chưa tốt nghiệp THPT phải làm trọn vẹn 1 trong 2 bài thi tổ hợp.
Cũng theo TS Lê Mỹ Phong, mỗi thí sinh được cấp 1 tài khoản phục vụ việc dự thi và xét tuyển. Các em cần bảo mật tài khoản này để đảm bảo không bị người khác truy cập, sửa chữa thông tin. Kỳ thi năm nay, Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các đơn vị dự thi hỗ trợ thí sinh một số việc như: Tra cứu thông tin về diện ưu tiên khu vực. Các em cần nhớ cập nhật đủ dữ liệu để đảm bảo quyền lợi.
Đặc biệt, thí sinh cần đọc kỹ quy chế và lưu ý phần trách nhiệm của mình khi dự thi: Cần biết và không được mang gì vào phòng thi, tránh bị xử lý kỷ luật, ảnh hưởng đến kết quả thi. “Kỳ thi năm 2023 có 41 thí sinh mang điện thoại vào phòng thi và bị đình chỉ. Đây là điều đáng tiếc vì có em chỉ vì quên, không nắm được quy chế mà phải dừng lại”, TS Lê Mỹ Phong thông tin.
Ngày 22/3, Bộ GD&ĐT chính thức công bố lịch thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Cụ thể, ngày 26/6, thí sinh làm thủ tục dự thi. Ngày 27, 28/6: Tổ chức coi thi. Ngày 29/6: Dự phòng. Thời gian công bố kết quả thi dự kiến vào 8 giờ ngày 17/7. Trong tháng 4 và 5, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức các hội nghị tập huấn kỹ thuật về công tác tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2024 cho các địa phương.