Chúng ta đều biết cảm giác căng thẳng đáng sợ và đáng ghét như thế nào. Khi tâm trí rơi vào cuộc đua với căng thẳng, chúng ta cảm thấy choáng ngợp, lo lắng, cáu kỉnh, và đôi khi chán nản. Ngay cả những vấn đề nhỏ xíu cũng không được giải quyết tới nơi tới chốn vì tâm trí khi đó chẳng màng bất kỳ việc gì.
Dưới đây là 7 chiến lược hữu ích có thể giúp bạn từng bước kiểm soát và vượt qua cơn căng thẳng quá độ của mình:
1. Xác định xem điều khiến bạn bị căng thẳng CÓ THỂ hay KHÔNG THỂ thay đổi
Nếu xác định được điều này, bạn có thể tiến hành xử lý sự căng thẳng hiệu quả hơn. Có phải bạn đang sợ hãi điều gì không? Hay có vấn đề nào mà bạn không thể vượt qua? Bạn có đang bị quá tải công việc? Hay cảm thấy khó chịu và không thể thay đổi một tình huống không mong muốn?
2. Đừng bào chữa. HÃY HÀNH ĐỘNG!
Đừng phàn nàn nếu bạn chưa thực hiện hành động nào để thay đổi thực trạng gặp phải. Đừng bào chữa hoặc từ chối những việc có thể giúp đỡ bạn. Đừng để lối suy nghĩ cố gắng cũng chẳng ích gì khiến bạn càng bết ắc hơn.
Hãy lập một kế hoạch hành động với những việc chi tiết cần làm. Nhưng đừng để chúng chồng đống lên nhau, hãy gạch đầu dòng và đánh dấu mỗi khi hoàn thành một nhiệm vụ. Đặt lời nhắc hoặc chuông báo để nhắc nhở những việc cần làm. Hãy ưu tiên những điều thực tế.
Đừng quên đánh giá lại. Nếu mọi thứ thay đổi và bạn không thể theo dõi kế hoạch của mình hoặc không còn áp dụng được nữa, hãy quay lại và thực hiện một kế hoạch hành động mới.
3. Nếu bạn không thể thay đổi điều gì đó thì hãy thay đổi tư duy của chính mình
Đôi khi những gì bạn cảm thấy căng thẳng là ngoài tầm kiểm soát của bạn. Nếu đúng như vậy, vẫn có một thứ bạn có thể thay đổi, đó chính là nhận thức của bạn.
4. Biết nguyên nhân thực sự của căng thẳng
Đó không thực sự là những gì đang xảy ra trong cuộc sống của bạn, mà nó nằm ở trong tâm trí của bạn. Chúng ta thường đổ lỗi cho người khác và những việc bất đắc dĩ là nguyên nhân gây ra căng thẳng, nhưng sự thật không phải vậy. Cách mà bạn cảm nhận mọi thứ mới chính là nguồn cơn của sự việc.
Nếu bạn hiểu được vấn đề nằm ở nội tại thì bạn sẽ dễ dàng xử lý hơn khi có một tình huống căng thẳng nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn.
5. Đừng kìm nén suy nghĩ và cảm xúc của mình
Khi bạn chống lại những điều hiển nhiên thì ắt bạn sẽ phải chịu đựng tác động ngược lại. Nếu bạn chỉ trích bản thân, chống lại suy nghĩ và cảm xúc của bạn, hoặc lo lắng về cảm giác căng thẳng, bạn sẽ chỉ cảm thấy tồi tệ hơn.
Căng thẳng thực sự có thể là động lực thúc đẩy sự thay đổi tích cực. Hãy cố gắng chấp nhận thực tế là bạn cảm thấy căng thẳng, và sử dụng nó để trở thành lợi thế thay vì chống lại cảm xúc của chính mình.
6. Tự hỏi bản thân sợ hãi điều gì?
Nếu bạn muốn biết nguồn gốc thực sự của sự căng thẳng bạn đang phải chịu, hãy tìm những điều khiến bạn sợ nhất. Căng thẳng thực chất là nỗi sợ được ngụy trang. Chúng ta có nhiều nỗi sợ, nhưng lớn nhất là sợ mất mát. Đó có thể là mất an toàn, mất tình yêu, mất sự tôn trọng hoặc tình trạng, mất tự do…
Sau khi đã xác định được những điều khiến mình sợ hãi, hãy kiểm tra tính thực tế của nỗi sợ đó. Phần nhiều những nỗi sợ đó không hề thực tế, nó chỉ diễn ra trong tâm trí của chúng ta mà thôi.
7. Đừng ép mình phải suy nghĩ tích cực
Có thể bạn đã nghe những lời khuyên suy nghĩ tích cực rất nhiều lần, nhưng nó có thực sự hiệu quả, nhất là khi bạn đang vùng vẫy trong tuyệt vọng? Cảm giác căng thẳng cho thấy một điều cần thay đổi trong cuộc sống hoặc tâm trí. Vì thế nếu bạn bỏ qua nguồn cơn sự việc mà ép bản thân phải suy nghĩ thật tích cực, bạn có thể bỏ lỡ những cơ hội để trưởng thành và thay đổi.
Diễn giả nổi tiếng Tony Robbins từng nói: “Mười năm nữa, bạn sẽ cười vào bất cứ điều gì khiến hôm nay bạn bị căng thẳng. Vậy tại sao không cười từ bây giờ?”.
Như vậy, khi bạn cảm thấy căng thẳng, trước tiên hãy xác định xem mọi thứ ở trong hay ngoài tầm kiểm soát của bạn. Nếu bạn có thể làm gì đó, hãy lên kế hoạch và hành động! Khi những căng thẳng nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn, hãy nhớ rằng nguyên nhân thực sự của stress là những gì đang xảy ra trong tâm trí bạn để đáp ứng với cuộc sống. Đừng cưỡng lại những suy nghĩ và cảm xúc của bạn.
Cố gắng chấp nhận cảm giác của bạn và sử dụng stress như động lực để thay đổi. Khám phá nỗi sợ hãi của bạn vì chúng có thể là nguyên nhân khiến bạn căng thẳng và đừng ép bản thân phải suy nghĩ tích cực khi chưa biết nguyên nhân stress là gì.