Việc đọc trộm nhật ký, tin nhắn điện thoại, thư tín của trẻ được nhiều cha mẹ cho là điều cần phải làm khi có con ở độ tuổi “ẩm ương”. Nhưng nếu không đúng cách, thì hành động tưởng như tốt của phụ huynh lại mang đến nhiều hệ lụy.
Nhiều cảm xúc tiêu cực
Nhiều cha mẹ cho rằng: “Tôi làm bố, làm mẹ chúng, hoàn toàn có quyền quyết định, xem xét, theo dõi mọi hành động của con tôi”. Do đó, cha mẹ đã dùng những nick ảo kết bạn với con mình để nắm bắt tâm tư, tình cảm của con trên mạng. Có cha mẹ còn giả làm bạn rồi tỏ tình để xem liệu con mình có vướng vào yêu đương mà bỏ bê học hành…
Chị Lê Thu Hằng (Đống Đa, Hà Nội) cho hay, con thường xuyên nhắn tin và dùng điện thoại với tần suất dày đặc, hỏi thì con không muốn chia sẻ. Vì vậy, chị đã dùng nick ảo kết bạn với con.
Hàng ngày, con chia sẻ rất nhiều chuyện trong đó có cả những ấm ức về cha mẹ. Lâu dần, khi đã thân thiết trên mạng, con nói với người “bạn ảo” rằng mình đang đau khổ vì thất tình… Không kiềm chế được, chị Hằng đã “hạ màn” để xử lý ngay lập tức. Và cũng chính từ đó, con cảm thấy tổn thương, bị xâm phạm quyền riêng tư, bị kiểm soát và hơn hết là luôn “nghi ngờ cả thế giới”.
Theo chuyên gia, hầu hết các bậc cha mẹ không nhận ra mình đang kiểm soát con quá mức. Hành động của họ xuất phát từ sự lo lắng, mong muốn bảo vệ con khỏi bạn xấu, bắt nạt trên mạng vì nghĩ con mình còn bé bỏng. Nhưng khi bị cha mẹ xem trộm điện thoại, trẻ sẽ nhen nhóm cảm xúc bất mãn. Nhiều trường hợp trẻ dù không biểu hiện ra ngoài mặt, nhưng sau lưng đã bắt đầu tìm cách giấu giếm, nói dối bố mẹ để giữ sự riêng tư cho bản thân.
“Em nhắn tin với ai đều xóa hoặc ẩn tin nhắn đi vì em phát hiện mẹ đọc trộm tin nhắn lúc em đi tắm”, Đức Anh (15 tuổi, Hà Nội) tâm sự và kể thêm rằng, một bạn nữ cùng lớp em còn bị mẹ bắt mở tin nhắn ra để mẹ đọc công khai, với lý do “nếu không làm cái gì xấu thì việc gì phải giấu giấu giếm giếm như thế”.
Khôi Nguyên (Vĩnh Phúc) cho biết, cậu từng bị bố mẹ xem tin nhắn trên một số diễn đàn khi còn là học sinh lớp 8. Khi đó, cậu trò chuyện cùng một số bạn mới quen khi chơi game. Mặc dù biết hành động lén xem tin nhắn của bố mẹ bắt nguồn từ sự lo lắng, nhưng Nguyên vẫn giận đấng sinh thành vì đã tự ý đăng nhập, xem mọi thứ ở trên trang cá nhân của cậu. Không những thế, những tin nhắn riêng tư đó còn được bố mẹ kể cho bạn bè, thầy cô nghe, khiến Nguyên cảm thấy xấu hổ.
“Theo em, bố mẹ không nên quản lý quá chặt chẽ con cái mình trên không gian mạng. Hành động này làm mất đi quyền riêng tư và khiến em cảm thấy xa cách với người lớn hơn. Bố em thường xuyên yêu cầu em đưa điện thoại để kiểm tra tần suất sử dụng Internet như nào, trò chuyện với những ai, xem nội dung, thông tin gì mà em đã truy cập… Nhiều lúc em thấy tủi thân và ấm ức khi bố mẹ không tin tưởng mình”, một học sinh lớp 9 ở Hà Giang chia sẻ trên một diễn đàn.
Hãy là người đồng hành
Có thể nói, đa phần thanh thiếu niên đều không thích việc bị bố mẹ hay bất cứ ai sử dụng điện thoại, máy tính - nơi chứa những thông tin cá nhân của bản thân mà chưa có sự cho phép. Có những chuyện không muốn chia sẻ hoặc chưa sẵn sàng để chia sẻ, trẻ mong muốn giữ cho riêng mình. Chính vì thế, cha mẹ và con cái đều cần có sự thấu hiểu và cảm thông hơn.
Bảo vệ trẻ em trước mối nguy hại trên mạng cũng chính là bảo vệ mái ấm gia đình. Cái khó ở đây là khi dựng lên hàng rào bảo vệ thì đồng thời cũng phải cân nhắc đến quyền riêng tư của con, cũng như không để trẻ tụt hậu. Tuy nhiên, cấm đoán khắt khe hay để con thoải mái khi lướt mạng, đều không phải là giải pháp tốt.
“Muốn kết bạn, làm bạn được với con từ trong thế giới ảo cho đến ngoài đời thật, phụ huynh phải xác định ngay từ đầu, ở một mức độ nào đó cần tôn trọng quyền cá nhân, riêng tư của con. Có như thế, khi theo dõi các thông tin, các hoạt động tương tác của con trên mạng xã hội, với những biểu hiện tiêu cực thì phụ huynh nên can thiệp, uốn nắn và định hướng ngay.
Còn với những điều bình thường thì phụ huynh nắm thông tin thôi, nếu can thiệp quá sâu, thô bạo sẽ phản tác dụng giáo dục. Lúc đó trẻ có thể sẽ hoảng sợ, có biểu hiện đề phòng với cha mẹ bằng cách: Hủy kết bạn hoặc chuyển qua trao đổi trong các group (nhóm, hội) kín… thì cha mẹ càng khó gần gũi con mình hơn”, cô Lê Thanh Tuyền - Trường THCS IQ Hà Nội chia sẻ.
Ngoài ra, theo cô Tuyền, cha mẹ không thể dạy con sử dụng các thiết bị công nghệ một cách có chừng mực, điều tiết nếu hầu như mọi khoảng thời gian, cha mẹ đều “ôm” điện thoại để “trốn” vào những “góc riêng”, “thế giới riêng” của mình.
Thay vào đó, mỗi người hãy trao đổi nhiều hơn, trò chuyện nhiều hơn trong các sinh hoạt chung như dọn dẹp nhà cửa, bữa ăn gia đình… Việc sử dụng các thiết bị công nghệ chỉ nên diễn ra trong một khung giờ nhất định và nên có sự trao đổi, đồng cảm với nhau…
Cha mẹ không nên kiểm soát các con mà chỉ nên là người đồng hành trong việc sử dụng mạng xã hội. Hiện, các con giỏi hơn cha mẹ rất nhiều, nếu cha mẹ kiểm soát thì các con sẽ cảm thấy vô lý và phản ứng tiêu cực. Vì vậy, phụ huynh phải thay đổi cách nghĩ, sẵn sàng học hỏi để đồng hành cùng con.
Tuy nhiên, các con cũng cần chia sẻ thành thật để cha mẹ có biện pháp bảo vệ các con tốt hơn, tránh các rủi ro trên mạng như: Lộ thông tin cá nhân, bị bắt nạt, xâm hại tình dục, kết bạn xấu, chia sẻ thông tin không chính xác...
“Tôn trọng quyền riêng tư, không gian riêng của trẻ chính là tôn trọng nhân cách, sự phát triển lành mạnh của trẻ. Các nhà tâm lý học giáo dục đã cảnh báo, nhiều trẻ em bị tổn thương nặng nề khi bị xâm phạm thô bạo về quyền riêng tư. Do đó, cha, mẹ và người thân cần có các hành vi chuẩn mực, không xâm phạm quyền riêng tư của trẻ. Thay vào đó, cần có cách giáo dục và định hướng cho trẻ đúng đắn”, cô Tuyền đưa ra lời khuyên.