Giúp con phòng chống lừa đảo trực tuyến: 'Hiểm họa' từ không gian mạng

GD&TĐ - Cha mẹ đóng vai trò then chốt trong việc hướng dẫn con nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến.

Cùng với việc giám sát, cha mẹ nên cung cấp cho trẻ những kiến thức cơ bản về không gian mạng. Ảnh: ITN.
Cùng với việc giám sát, cha mẹ nên cung cấp cho trẻ những kiến thức cơ bản về không gian mạng. Ảnh: ITN.

Trong thời đại công nghệ 4.0, giới trẻ được tiếp cận với Internet từ sớm và rất thành thạo trong việc sử dụng các thiết bị công nghệ. Tuy nhiên, dù mang lại nhiều lợi ích như mở ra tài nguyên học tập phong phú, dễ dàng kết nối, trao đổi với bạn bè, Internet cũng ẩn chứa nhiều mối lo ngại mà cha mẹ cần nhận biết để phòng tránh cho con.

Con số đáng báo động

Với sự phát triển của mạng xã hội, trò chơi trực tuyến và những hình thức giải trí thu hút như hiện nay, nhiều người do chưa có nhận thức vững vàng, trở thành nhóm có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi những thông tin độc hại trên Internet. Vì vậy, an toàn trên không gian mạng không chỉ đơn thuần là một vấn đề về công nghệ, mà còn là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng nền tảng cho sự phát triển toàn diện của thế hệ.

Lừa đảo trẻ em qua mạng xã hội là một vấn đề cực kỳ nghiêm trọng và đáng lo ngại. Đây là hình thức xâm hại trực tuyến mà những kẻ xấu sử dụng mạng xã hội để tiếp cận, lừa đảo và gây hại cho trẻ em.

Chúng có thể tạo ra các tài khoản giả mạo hoặc trực tiếp sử dụng những tài khoản có thật để làm quen, từng bước lấy lòng tin và thông tin cá nhân của trẻ. Việc tiếp xúc với những tài khoản giả mạo trên mạng xã hội có thể khiến trẻ bị thao túng tâm lý, kích động tinh thần, gây ảnh hưởng đến nhận thức và hành vi của trẻ trong cuộc sống thường ngày.

Theo số liệu của Cục Trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong năm 2022, Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em đã ghi nhận 419 cuộc gọi báo cáo về hoạt động xâm hại trẻ trên môi trường mạng. Có thể thấy, đây là những con số đáng báo động về vấn đề bảo vệ người dân trước những thông tin mạng độc hại hiện nay.

Năm 2023, Công an tỉnh Tây Ninh đã nhận được thông tin phản ánh của em Trịnh Thanh T. học sinh lớp 7 (ngụ thành phố Tây Ninh) về việc mình bị các đối tượng lừa tiền khi tham gia đăng ký nhận thưởng trên mạng xã hội Facebook.

Cụ thể, ngày 7/10/2023, em T. thấy một tài khoản tên “Anh” nhắn với nội dung “Xin chúc mừng bạn, bạn đã trúng iPhone 14 Pro Max 256GB tại minigame bạn vui lòng cho mình xin thông tin để nhận quà”. T. tin tưởng nên cho họ tên, địa chỉ, số điện thoại với mong muốn được nhận quà.

Khi có được thông tin cá nhân theo yêu cầu, đối tượng gửi hình mẫu của chiếc iPhone rồi bảo T. chọn màu theo sở thích, rồi yêu cầu T. phải nộp 200 nghìn đồng bằng thẻ cào điện thoại để công ty làm thủ tục xuất hóa đơn thì mới được nhận máy miễn phí.

Tin lời, T. đã dùng tiền ăn sáng của mình để mua thẻ cào điện thoại nộp cho đối tượng. Sau đó, đối tượng yêu cầu nộp thêm tiền cọc 500 nghìn đồng và khi họ giao điện thoại sẽ trả lại tiền này cho T., còn nếu không đóng thì sẽ không nhận được máy. Lúc này T. nói không có tiền thì bị đối tượng thúc ép kêu đi vay mượn bạn bè, người thân để chuyển tiền.

Bên cạnh đó, loại hình lừa đảo trực tuyến đáng lo ngại khác là tin tặc lợi dụng trẻ em say mê các trò chơi điện tử nổi tiếng như Fortnite và Roblox để thực hiện hành vi lừa đảo.

Cụ thể, các đối tượng phát tán, dẫn dụ trẻ em nhấp vào liên kết hoặc lừa các em tải tệp đính kèm có nội dung “truy cập vào các giao diện quý hiếm, tiền ảo hoặc vật phẩm độc quyền cho trò chơi yêu thích”. Nhiều trẻ tải tệp đính kèm mà không biết đó là những địa chỉ liên kết và phần mềm độc hại.

Với phương thức này, đối tượng sử dụng các trang web lừa đảo để đánh cắp thông tin cá nhân hoặc sử dụng các phần mềm độc hại tấn công thiết bị điện tử và dữ liệu người dùng… Điều này đặt ra bài toán đối với cha mẹ và người giám hộ trong việc luôn phải giám sát chặt chẽ hoạt động trên Internet của trẻ em.

giup-con-phong-chong-lua-dao-truc-tuyen-1.jpg
Trẻ có nguy cơ tiếp xúc với những tài khoản giả mạo trên mạng xã hội. Ảnh: INT.

“Đối phó” với kẻ xấu

Theo các chuyên gia tại Trường học Công nghệ MindX, mật khẩu đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các tài khoản trực tuyến của trẻ như tài khoản học tập, mạng xã hội… Do đó, phụ huynh cần khuyến khích trẻ sử dụng mật khẩu mạnh, bao gồm cả chữ hoa, chữ thường, số và ký tự đặc biệt. Mật khẩu nên dài ít nhất 12 ký tự và tránh sử dụng thông tin cá nhân như tên, ngày sinh hoặc tên người thân. Để đảm bảo tính bảo mật, mọi người nên thay đổi mật khẩu định kỳ và không nên sử dụng cùng một mật khẩu cho nhiều tài khoản.

Các thiết bị kỹ thuật số của trẻ cần phải được cập nhật phần mềm liên tục. Các bản cập nhật thường bao gồm các bản vá lỗi và cải thiện tính bảo mật. Phụ huynh nên thiết lập các thông báo cập nhật tự động trên các thiết bị của trẻ để đảm bảo rằng chúng luôn được cập nhật với phiên bản mới nhất. Việc cập nhật phần mềm định kỳ sẽ giúp ngăn chặn các lỗ hổng bảo mật tiềm tàng và bảo vệ thông tin cá nhân của trẻ.

Ngoài ra, phụ huynh cũng cần dạy trẻ cẩn thận khi mở link lạ, email và tin nhắn. Người dân cần được hướng dẫn về cách nhận biết các email, tin nhắn hoặc liên kết có thể không an toàn. Bên cạnh đó, cha mẹ nên giải thích cho trẻ sự nguy hiểm của việc mở các liên kết từ nguồn không rõ ràng hoặc không có xác nhận từ người quen.

Phụ huynh có thể sử dụng tiện ích kiểm tra email và chặn các tệp đính kèm không an toàn. Đồng thời, nắm vững cách báo cáo những email hoặc tin nhắn đáng ngờ để đảm bảo an toàn cho trẻ.

Bên cạnh đó, phụ huynh nên rõ ràng với trẻ về việc không nên chia sẻ thông tin cá nhân như tên, địa chỉ, số điện thoại, trường học, hay bất kỳ thông tin nhạy cảm nào trên mạng xã hội hoặc các diễn đàn trực tuyến. Trẻ cần được hướng dẫn về tầm quan trọng của việc bảo vệ thông tin cá nhân và cách ứng phó khi có yêu cầu chia sẻ thông tin từ người lạ.

Cùng với việc giám sát, cha mẹ nên cung cấp cho trẻ những kiến thức cơ bản về không gian mạng. Con cần nhận biết được các mối nguy hiểm tiềm tàng như lừa đảo trực tuyến, virus và cách phòng tránh chúng. Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể khuyến khích trẻ tham gia vào các khóa học hoặc chương trình giáo dục về an toàn mạng để nâng cao sự nhận thức của trẻ khi sử dụng Internet.

giup-con-phong-chong-lua-dao-truc-tuyen5.jpg
Để phòng, chống bị xâm hại trên môi trường mạng, trẻ cần chấp hành những nguyên tắc sử dụng Internet. Ảnh: ITN.

Theo Vụ Gia đình - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bên cạnh nguy cơ bị lừa đảo trực tuyến, trẻ còn có thể tiếp cận thông tin/chia sẻ/tin giả, sai lệch; Xem các chương trình, ấn phẩm không phù hợp với lứa tuổi, độc hại. Thậm chí, trẻ có thể tham gia những thử thách độc hại ảnh hưởng đến tâm lý, tính mạng của trẻ như “cá voi xanh” “momo”, hoặc bị bắt nạt, xâm hại tình dục trên mạng. Đây là hình thức phổ biến, để lại hậu quả nghiêm trọng về tinh thần cho trẻ và gia đình.

Cụ thể, những hành vi phổ biến của xâm hại tình dục trên môi trường mạng có thể là: Bị gửi cho xem hoặc bắt xem những hình ảnh, nội dung về tình dục qua mạng; Nhắn tin, nói chuyện trên mạng về những nội dung tình dục; Có hành vi tình dục, trình diễn khiêu dâm hoặc bắt trẻ em trình diễn khiêu dâm qua webcam hoặc điện thoại thông minh; Bắt trẻ gửi ảnh, tin nhắn hoặc quay phim trẻ em có hành vi hoặc tư thế tình dục qua Internet; Từ những hành động, tương tác trực tuyến dẫn tới việc gặp gỡ, dụ dỗ/ ép buộc trẻ quan hệ tình dục ngoài đời thực.

Thủ đoạn của đối tượng xâm hại, rất đa dạng, tinh vi, phổ biến nhất là: Sử dụng những tài khoản mạo danh như một bé gái có cùng lứa tuổi với trẻ/ một nam sinh có vẻ ngoài ưa nhìn, ngoan ngoãn/ một người lớn thành đạt, đáng tin cậy… để tiếp cận, làm quen, trò chuyện thân mật với trẻ; Dụ dỗ trẻ gửi những hình ảnh riêng tư/ cùng xem những hình ảnh, video có nội dung tình dục. Ép buộc, dọa nạt trẻ phải làm theo mọi ý muốn, nếu không sẽ phát tán những hình ảnh của trẻ, ảnh chụp các cuộc trò chuyện có nội dung nhạy cảm đến gia đình, thầy cô, bạn bè… Từ mối quan hệ đã tạo được trên mạng, các đối tượng lợi dụng sự non nớt, thiếu hiểu biết của trẻ để dụ dỗ gặp gỡ, yêu đương và quan hệ tình dục ngoài đời thực.

Trong khi đó, bắt nạt trên mạng là hành vi cố tình xúc phạm, đe dọa, làm hại, quấy rối, tấn công hay loại trừ một người khác, bằng việc sử dụng phương tiện truyền thông kỹ thuật số.

Trẻ bị bắt nạt qua mạng thường cũng bị bắt nạt “ngoài thực tế”. Hành vi phổ biến là trẻ bị ghi lại và phát tán trên mạng hình ảnh riêng tư, clip bị bạo hành… mọi người xem và bình luận, phê phán, chê cười, đánh giá nhân cách trẻ và gia đình. Hình ảnh cá nhân của trẻ bị mọi người nhận xét, bình phẩm với thái độ giễu cợt; bị chế thành các hình ảnh trong các câu chuyện khác nhau trên xã hội để làm trò vui. Từ bình luận ác ý trên mạng dẫn đến hành động cô lập, xa lánh, chửi rủa thậm chí đánh đập ngoài đời thật.

Để phòng, chống bị xâm hại trên môi trường mạng, Vụ Gia đình khuyến cáo, trẻ cần chia sẻ, thống nhất với phụ huynh và nghiêm chỉnh chấp hành những nguyên tắc sử dụng Internet, các thiết bị điện tử.

Cài đặt quyền riêng tư, hạn chế người xem với các tài khoản mạng xã hội của mình. Không cho người khác biết mật khẩu tài khoản mạng xã hội của mình (trừ cha mẹ). Không đăng tải bất kỳ thông tin riêng tư, hình ảnh tự chụp hở hang hoặc những bài viết không phù hợp lên mạng xã hội.

Trẻ đồng thời cần biết rằng, mình không có trách nhiệm cung cấp thông tin, hình ảnh hoặc cho người khác nhìn mình qua webcam. Không đi chơi với bạn quen trên mạng mà không có sự đồng ý của cha mẹ. Hãy bỏ qua, chặn và báo cáo những tài khoản có những bình luận, gửi tin nhắn bắt nạt, bôi nhọ mình hoặc đề cập đến những vấn đề nhạy cảm. Hỏi ý kiến phụ huynh trước khi tải, cài đặt một phần mềm về máy tính, điện thoại.

Trong trường hợp gặp những vấn đề làm bản thân thấy khó chịu, lo sợ khi sử dụng mạng, trẻ hãy nhờ sự trợ giúp, tư vấn từ: Cha mẹ hoặc bất kỳ ai tin tưởng và có khả năng giải quyết vấn đề, hoặc gọi điện tới Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em 111.

Thống kê của Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cho thấy, trong năm 2023, hệ thống cảnh báo an toàn thông tin đã tiếp nhận gần 17.400 phản ánh về các trường hợp lừa đảo trực tuyến hướng đến người dùng Internet Việt Nam. Cũng trong khoảng thời gian này, theo số liệu của Bộ Công an, cơ quan công an đã khởi tố 1.500 vụ án vì tội lừa đảo trên không gian mạng, tổng số tiền người dân đã bị lừa đảo là 8.000 - 10.000 tỷ đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà thơ Mai Văn Phấn đọc thơ tại Thư viện Stockholm, Thụy Điển. Ảnh: NVCC

Khi thơ đương đại vẫy gọi, quyến rũ

GD&TĐ - Sáng tác thơ trong bối cảnh hiện nay, khi các nguyên tắc cổ điển ngày càng được nới lỏng để phù hợp với sự thay đổi trong tư duy và thị hiếu thẩm mỹ