Nợ nần, thiếu tiền mua sắm. Đó là câu trả lời chung của hầu hết các bà mẹ tại huyện Kỳ Sơn từng sang Trung Quốc bán bào thai mà chúng tôi trò chuyện.
Trong căn nhà sàn không có vật dụng gì đáng giá, chị Lữ Thị Liên (34 tuổi, sang Trung Quốc bán bào thai năm 2017), ở bản Đỉnh Sơn 1, xã Hữu Kiệm cho biết, nhờ số tiền 50 triệu đồng bán con mà chị sửa được nhà và trả hết nợ.
Một góc của bản nghèo Khơ Mú lọt thỏm, heo hút giữa đại ngàn. |
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Lượng, Chủ tịch UBND xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn không phải tất cả các trường hợp phụ nữ bán bào thai đều do gia cảnh quá nghèo khó. Từ thực tế xã Hữu Kiệm có tới 21 trong tổng số 26 trường hợp trên địa bàn huyện Kỳ Sơn sang Trung Quốc bán bào thai, ông Lượng khẳng định: Dù một nửa số hộ của xã hiện nay thuộc diện hộ nghèo, nhưng chưa có hộ nào nghèo đến mức đói ăn, đứt bữa. Từ nhiều năm nay, các chính sách hỗ trợ gạo (nhất là dịp giáp hạt, lễ tết), hỗ trợ con giống vật nuôi... luôn được ngành chức năng tỉnh, huyện quan tâm.
Tình trạng bán bào thai, theo ông Lượng, cốt yếu vẫn là do nhận thức của người dân. Và hầu hết số tiền mà các bà mẹ có được sau khi bán bào thai đều dùng cho việc trả nợ, mua sắm các vật dụng trong gia đình như ti vi, xe máy...
Lữ Thị Phanh bên chiếc ti vi có được từ tiền bán con. |
“Lo lắng của chính quyền là mặc dù ký cam kết, nhưng cũng không loại trừ khả năng người ta chỉ cam kết đúng theo yêu cầu của địa phương. Chúng tôi nghĩ rằng đó cũng chỉ là cái bước đầu thôi. Về lâu dài, chúng tôi kiến nghị các cấp các ngành xem xét ban hành chế tài để đấu tranh triệt để, giữ yên bản làng”- ông Nguyễn Hữu Lượng cho biết.
Con gái chị Moong Thị Lâm sẽ không còn được gặp mặt mẹ. |
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu cũng cho biết, sau khi rà soát, nắm tình hình về thực trạng bán bào thai ở huyện miền núi Kỳ Sơn, Công an địa phương đã báo cáo lãnh đạo tỉnh.
Theo đó, tỉnh Nghệ An yêu cầu ban ngành liên quan, huyện Kỳ Sơn tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, để nhân dân hiểu hành vi sinh và bán con ở Trung Quốc là vi phạm pháp luật. Cùng với đó, dồn sức cho xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.
Công an tỉnh Nghệ An cũng đã có văn bản báo cáo Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao xin ý kiến hướng dẫn xử lý thực trạng này.
“Miền núi vùng sâu vùng xa nhận thức về pháp luật của đồng bào còn hạn chế. Trong khi đó điều kiện kinh tế cũng có những khó khăn nhất định. Chúng ta phải giải quyết đồng thời cả 2, cái gốc nhất là tập trung phát triển kinh tế xã hội, nâng cao nhận thức pháp luật cho bà con. Vấn đề thứ hai là tháo gỡ về mặt pháp luật để có cơ sở có thể hợp tác với Trung Quốc để họ điều tra, ngăn chặn loại tội phạm này”- Đại tá Nguyễn Hữu Cầu nêu rõ.
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An. (Ảnh: KT) |
Rõ ràng, với hình thức, thủ đoạn tinh vi mới của những đối tượng liên quan đến con đường dẫn dắt những người phụ nữ Khơ Mú chân chất ở miền Tây xứ Nghệ đi bán bào thai cho thấy, những bất cập từ hệ thống chính sách pháp luật, chưa theo kịp với thực tế cuộc sống.
Từ thực tế đó, bà Vũ Thị Huyền, Chủ tịch Hội phụ nữ huyện Kỳ Sơn cho biết, giải pháp chủ yếu hiện nay để ngăn ngừa thực trạng các trường hợp đi bán bào thai ở Kỳ Sơn vẫn là tuyên truyền, vận động. Trong đó, tập trung việc rà soát tất cả các trường hợp đang mang thai trên địa bàn, đặc biệt là ở hai xã Chiêu Lưu, Hữu Kiệm để tuyên truyền, cùng ăn cùng ở để “nắm bắt”. Những trường hợp khả nghi, huyện hội sẽ cắt cử hội viên theo dõi hàng ngày.
“Huyện hội bám sát cơ sở. Các xã “nóng bỏng” này chúng tôi phải phân công hội viên liên tục xuống cơ sở, cùng ăn cùng ở để nắm bắt tình hình, tổ chức các hoạt động bên lề, vừa tuyên truyền vừa nghe ngóng tình hình. Đồng thời phối hợp với các đoàn thể tới các gia đình khả nghi có hành vi để tuyên truyền, vận động”- bà Vũ Thị Huyền, Chủ tịch Hội phụ nữ huyện Kỳ Sơn cho biết.