Anh hùng Lê Mã Lương và những lá thư tình

Anh hùng Lê Mã Lương và những lá thư tình

(GD&TĐ) - Tháng 5-1971, Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã phát động phong trào thanh niên cả nước học tập gương chiến đấu của hai anh hùng trẻ tuổi là Lê Thị Hồng Gấm và Lê Mã Lương. Câu nói nổi tiếng “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù” của Lê Mã Lương ở thời điểm cả nước sục sôi khí thế chống Mỹ, cứu nước đã được thế hệ trẻ cả nước nhiệt tình hưởng ứng, nhưng mối tình đậm chất thơ của anh hùng Lê Mã Lương và cô giáo Hà Nội Lê Thị Bích Đào thì có lẽ còn ít người biết tới.

Tròn bốn thập kỷ kể từ ngày anh Lương, chị Đào quen và yêu nhau, chúng tôi đã tới gặp vợ chồng Thiếu tướng Lê Mã Lương tại nhà riêng (ngõ 580, đường Trường Chinh, Hà Nội) và được xem lại những lá thư thời chiến của hai người - những bức thư tình đã được chị Đào lưu giữ cẩn thận trong suốt 40 năm qua... 

“Tháng 12-1971, tôi gặp và quen anh, khi đó Trường tôi sơ tán ở một vùng quê ngoại thành Hà Nội, anh Lương được ra Bắc học tại Học viện Chính trị. Là Bí thư chi đoàn kiêm Tổng phụ trách Đội nên tôi được nhà trường cử sang Học viện Chính trị mời anh về nói chuyện với giáo viên và học sinh”, chị Đào bồi hồi nhớ lại. Trong các lá thư ghi đậm dấu ấn của những ngày đầu gặp, quen rồi yêu nhau, họ đã gửi gắm vào trang thư những tình cảm chân thành, da diết:

Em thương nhớ!

Buổi đầu gặp em, hình ảnh em chỉ như phảng phất trong tâm trí anh, nhưng những ngày sau đó dần dà những cảm giác dịu ngọt, trìu mến đã len vào tâm khảm anh. Cho đến bây giờ, thực tình anh khó trả lời được rằng nó đến với anh từ khi nào...

Những lúc ngồi bên em, anh đã có lần tự hỏi: “Cô gái ấy có thể nào lại là một người bạn lớn của mình ?”. Anh đã nghiệm thấy rằng: Đối với anh, em thân quý hơn anh tưởng, em đem đến cho anh một tình thương sâu đậm, khởi động trong anh một tình yêu nồng cháy, thiết tha. Anh có cảm giác hình như em đã có một phần nào hy sinh vì anh, vì một lẽ sống thiêng liêng, cao thượng. Em không nói song anh hiểu trong em đang có một cuộc đấu tranh không phân giới tuyến, không đổ máu, song cũng thực vô cùng quyết liệt, phức tạp. Vì những lẽ đó mà anh đã suy nghĩ rất nhiều, liệu em có chịu đựng nổi thử thách của thời gian ? Giả sử em là một người bạn lớn của anh, em sẽ nghĩ gì trong hoàn cảnh, điều kiện chúng ta ít có dịp gặp nhau, ít có dịp sánh vai nhau cùng dạo mát dưới những đêm trời đầy sao, trên những con đường qua công viên ? Em sẽ nghĩ gì khi thấy những đôi bên nhau cùng dạo bước dưới những hàng cây đổ dài dưới ánh trăng sáng, còn mình thì lẻ loi, cô quạnh ?...

Đào ạ! Anh mong em chóng đứng trong đội ngũ của Đảng, đem tuổi thanh xuân của mình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, anh muốn em không những là người bạn lớn mà còn là người đồng chí của anh nữa...”.

Những ngày cuối khóa học, chàng lính trẻ Lê Mã Lương vẫn tranh thủ thời gian học tập bận rộn để viết thư cho người yêu. Trong lá thư viết ngày 17-6-1972, anh tâm sự:

“Em yêu ơi, chúng ta sắp xa nhau rồi. Với một tư thế sẵn sàng, anh đã chuẩn bị để đi vào cuộc chiến mà cả vạn, cả triệu con người đang ngày đêm giáp mặt kẻ thù. Cuộc đọ thép giữa hai thế lực, những con người yêu chân lý, trọng lẽ phải, say lý tưởng đang giáng cho đối phương những đòn sấm sét. Trong cuộc tranh đấu Vệ quốc vĩ đại ấy, anh sẽ ngã xuống, có thể như vậy lắm, điều đó cũng chẳng có gì ngạc nhiên cả, bởi đó là quy luật chiến tranh. Nói như vậy không có nghĩa là “tiêu cực”, người cách mạng phải luôn luôn đi trước như vậy để chủ động”.

Vợ chồng anh hùng Lê Mã Lương
Vợ chồng anh hùng Lê Mã Lương

Do yêu cầu nhiệm vụ, tháng 7-1972, Lê Mã Lương trở lại chiến trường Trị Thiên - Huế. Chị Đào kể lại: “Hôm tiễn anh, vì đông người quá nên tôi không dám vào gặp anh, chỉ đứng chờ trên con mương nhỏ giữa cánh đồng. Anh ngồi trong cabin vẫy tay, còn tôi dán mắt nhìn theo lưu luyến, không giấu nổi những giọt nước mắt chia ly”. Anh hùng Lê Mã Lương cũng không quên hình ảnh thân quen ấy, hình ảnh đã theo anh dọc dài khắp các chiến trường và vẫn được nhắc đến trong những lá thư anh gửi người yêu:

“Em thương yêu!

Thấm thoắt đã gần 1 năm kể từ khi chúng ta xa nhau, anh lên đường ra trận. Quãng thời gian đó là một cái mốc đánh dấu sự thử thách bước đầu trong tình yêu giữa hai chúng ta... Nghĩ lại buổi lên đường kể cũng buồn cười em nhỉ? Tiễn người thương ra trận bằng một bữa mít, rồi xoay lưng lại khi người thương đi qua. Cứ mỗi lần nhớ em, anh lại không quên được cô gái ngồi giữa cánh đồng, xoay lưng lại những người ra tiền tuyến”(Thư ngày 10-4-1973)

Trong những ngày xa nhau, một người bạn của Lê Mã Lương từ mặt trận trở về có chuyển bức thư của anh cho cô giáo Đào. Lá thư báo tin anh vẫn khỏe mạnh và đang cùng đơn vị chốt giữ cảng Cửa Việt. Trong thư gửi người yêu ngày 2-3-1973, chị Đào viết:

“Nghe tin chiến thắng của quân ta ở Cửa Việt, em vui sướng vô hạn. Em không ngờ là có anh trong trận đánh ấy. Em gửi lời chúc mừng đến anh và toàn đơn vị. Anh ạ, quân thù còn ngoan cố và có nhiều thủ đoạn, nhưng ta sẽ nhất định giành được thắng lợi, còn kẻ gieo gió ắt sẽ gặt bão phải không anh?

Anh duy nhất của em !

Mùa hè sắp về rồi, hoa xoan đã nẩy lộc, ve sầu bắt đầu lên tiếng. Em nhớ lại mùa hoa xoan năm ngoái, rồi ngày tiễn anh ra trận, em đã thầm gọi tên anh để nhân lên nỗi nhớ. Anh có nhớ em không ?...”.

Đầu tháng 4-1973, cô giáo trẻ Lê Thị Bích Đào được cử đi bồi dưỡng chính trị để chuẩn bị vào Nam công tác. Trong lá thư viết vội trước ngày đi học chính trị, chị đã vui mừng báo tin cho người yêu:

 “Anh thương yêu ơi! Thế là chúng ta sắp gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn rồi nhỉ! Có thể trên đường ra Bắc anh sẽ gặp em vào Nam hoặc gặp nhau trong chiến trường đấy. Em xung phong đi B đợt này vì tự xét thấy mình đủ tiêu chuẩn đi được. Em muốn đây là dịp tốt để mình rèn luyện, muốn được đóng góp vào sự nghiệp chung của dân tộc. Biết rằng ra đi sẽ gặp nhiều gian khổ, hy sinh, song không lý do gì có thể ngăn cản được con tim khoẻ như cánh đại bàng phải không anh? Anh yêu dấu của em, có muốn cho em đi không? Bây giờ đến lượt anh chờ em chứ nhỉ, có chờ được từ 3 đến 5 năm không? Khi nào hoàn thành nhiệm vụ chúng ta sẽ sum họp anh nhé…” (Lá thư ngày 2-4-1973)

Tháng 8-1973, chị Đào lên đường vào công tác ở vùng giải phóng Quảng Trị. Cuộc hành quân từ Bắc vào Nam kéo dài tới 11 ngày vất vả khi đi xe, lúc đi bộ theo tuyến đường binh trạm. Vào đến Quảng Trị, chị đã cùng một người bạn gái xin phép đoàn trưởng tìm đến đơn vị của người yêu Lê Mã Lương. Trên đường đi, hai cô giáo trẻ đã gặp xe bộ đội và liên tiếp vẫy xe đi nhờ. Hỏi mãi rồi cũng tìm được Sư đoàn 304, Trung đoàn 24 của anh. “Hai chúng tôi đã lội qua mấy con suối, vượt qua hai quả đồi để đến được doanh trại Tiểu đoàn khi anh đang là Chính trị viên Tiểu đoàn 5”, chị Đào nhớ lại. Những ngày công tác ở huyện Cam Lộ (Quảng Trị), chị đã được sống trong sự đùm bọc, yêu thương của người dân vùng mới giải phóng. Một thời gian ngắn sau đó, chị lại hay tin người yêu Lê Mã Lương đã cùng đơn vị được lệnh hành quân vào chiến trường Quảng Nam. Trong lá thư ngày 25-11-1974, chị viết:

 “Em đã nhận được lá thư anh viết cho em trước lúc anh rời xa mảnh đất này, mảnh đất nơi anh đã sống và góp phần lập nên những chiến công hiển hách trong lịch sử dân tộc. Bây giờ em sẽ lại thay anh làm nhiệm vụ “trồng người”, gieo lên đây những mầm xanh của đất nước.

Anh thương yêu! Em muốn mình cũng phải chịu đựng tất cả những gian khổ mà anh đã trải qua. Mảnh đất thân thương này em sẽ gắn bó với nó như người nông dân với ruộng đồng, nó sẽ động viên, an ủi em công tác và sống những ngày xa anh… Anh không phải lo nhiều về em đâu, mình cần đặt sự nghiệp lên trên tình riêng. Đã yêu nhau, mình sẽ sống bên nhau. Anh yên tâm nhé, em sẽ chờ và chắc chắn là không bao giờ bội bạc…” 

Năm 1974, anh hùng Lê Mã Lương và người yêu đã trở ra Hà Nội tổ chức lễ cưới, rồi sau đó chị lại vào Quảng Trị công tác, anh tiếp tục vào Nam chiến đấu…

Giờ đây, những lá thư úa màu thời gian của cặp đôi “trai anh hùng, gái thuyền quyên” ấy vẫn đang được người gửi và người nhận lưu giữ cẩn thận. Chị Đào tâm sự: “Chúng tôi sẽ gìn giữ những lá thư ấy như những kỷ vật quý của gia đình, để thế hệ cháu con sau này hiểu được rằng ba mẹ, ông bà mình đã có một tình yêu trong sáng, một tình yêu đã từng được thử thách, tôi luyện trong lửa đạn chiến tranh”.

Bùi Vũ Minh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Ghi chép: Sự hy sinh thầm lặng

GD&TĐ - Từng cơn gió Thu mát lạnh, mỏng manh thổi nhẹ qua cánh cửa sổ, luồn vào lớp học im ắng, trầm lặng khác với vẻ nhộn nhịp sôi động của mọi ngày.

 Mbappe được HLV Ancelotti lên tiếng bênh vực.

HLV Ancelotti bênh vực Mbappe

GD&TĐ - HLV Carlo Ancelotti của Real Madrid đã lên tiếng bảo vệ Kylian Mbappe trước những tin đồn bất lợi.