Bám làng dạy chữ, rèn người

GD&TĐ - Vào những dịp như ngày Nhà giáo 20/11, các thầy cô ở vùng sâu, vùng xa Đăk Glei (Kon Tum) tự động viên nhau là chính. Quà cáp để tri ân thầy cô là điều hiếm hoi, có chăng chỉ là quả bí, quả bầu, bó rau rừng hay là những bông hoa dại. Thế nhưng, những “kỹ sư tâm hồn” ấy vẫn luôn dành cho học sinh của mình những tình cảm thân yêu nhất... 

Cô Y Phương vận động cha mẹ HS thôn Tân Túc quan tâm việc học cho các con
Cô Y Phương vận động cha mẹ HS thôn Tân Túc quan tâm việc học cho các con

Bám trường, bám lớp, bám dân

Cho đến tận bây giờ, cô giáo Y Phương, giáo viên điểm trường thôn Tân Túc, Trường tiểu học Mường Hoong, vẫn không thể quên được những ngày đầu tiên lên dạy học ở nơi này.

Phương cho biết, quê cô ở xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi. Tốt nghiệp Khoa tiểu học, Trường CĐ Sư phạm Kon Tum, năm 2000, cô xung phong lên dạy học 1 năm tại xã Đăk Choong. Năm học sau, cô tình nguyện vào dạy học ở xã Mường Hoong từ đó đến nay.

“Năm đầu tiên đến Mường Hoong dạy học, tôi được lãnh đạo nhà trường phân công lên dạy học tại điểm trường thôn Xa Úa, cách trường chính 3 tiếng đồng hồ đi bộ. Khi đó, chỉ có mình tôi là nữ nên rất sợ ma, tối không dám ngủ một mình tại trường. Trường khi đó chỉ là tranh tre nứa lá, gió rét căm căm. Những đêm đông lạnh giá, những trang giáo án hiện lên dưới ánh đèn tù mù, tôi tưởng chừng sẽ không thể làm nổi trách nhiệm của mình. Thế mà mọi khó khăn rồi cũng đã vượt qua, tôi bám lớp ở đó suốt 5 năm” - cô Phương chia sẻ.

Cuộc sống khó khăn, người dân phải lo cho đủ ăn đã vất vả nên không thể lo việc học của con cái. Thay vì đi học, các em phải ở nhà giúp đỡ bố mẹ trông em, làm rẫy.

Cô Phương kể, để đưa được học sinh đến trường, cô đã phải băng rừng lội suối vận động từng gia đình, thực hiện “ba cùng”, cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc để tạo mối quan hệ mật thiết với các già làng, trưởng thôn.

Không quản đường xa vất vả, với phương tiện chính là đôi chân, cô xuống từng thôn vận động cha mẹ cho học sinh ra lớp, cố gắng đi học đầy đủ, chuyên cần. “Đến tận nơi, chứng kiến tận mắt cuộc sống của bà con, những thiệt thòi mà các cháu nhỏ nơi đây phải gánh chịu, tôi thấy mình cũng có một phần trách nhiệm...” - cô Phương xúc động nói.

Giống như cô Phương, thầy Nguyễn Thanh Ngân, Trường Tiểu học xã Ngọc Linh đã gần 10 năm gắn bó với học sinh vùng này với nhiều kỷ niệm không thể nào quên.

Tốt nghiệp sư phạm, rời quê hương Hà Tĩnh, thầy tình nguyện lên dạy học ở xã vùng cao heo hút này. “Khi đó, tỉnh Kon Tum vừa mới hứng chịu cơn bão số 9 (năm 2009) lịch sử, đường sá đi lại khó khăn vô cùng. Nhìn phòng học làm bằng tranh tre nứa lá ọp ẹp, học sinh hầu hết đều nghèo, áo quần rách rưới, người xanh xao. Nhìn những khuôn mặt ngây ngô chưa biết nói tiếng Việt, tôi nghĩ không biết làm sao dạy cho các em biết đọc, biết viết được!” - thầy Ngân xúc động kể.

Nhưng bù đắp lại, người dân nơi đây rất thân thiện đón chào một thầy giáo trẻ đến từ miền xuôi mang cái chữ cho dân làng. Nhờ vậy, thầy có thêm nghị lực để vượt qua thử thách, bám trụ để “gieo chữ, trồng người”. Mỗi năm, thầy chỉ được về thăm gia đình một lần vào dịp Tết Nguyên đán hay dịp nghỉ hè. Nhưng rồi cũng có năm vì bận lo cho học trò, vì đau ốm, thầy lại phải bỏ lỡ cơ hội hiếm hoi này.

Thầy Ngân chia sẻ: “Lúc đó, tôi mới thấm thía những vất vả của một giáo viên vùng cao, những thiệt thòi mà trẻ em nơi đây phải chịu và tôi lại càng thấy thương và có trách nhiệm với các em hơn!”.

Dành tất cả tình thương cho học trò nghèo

Để đưa con chữ đến với những học trò vùng khó, nhiều giáo viên đã hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình, phải xa gia đình, người thân để làm tròn thiên chức “vừa dạy chữ, vừa dạy người”.

Ngoài giờ lên lớp, các thầy cô giáo giúp đỡ học sinh của mình mọi thứ. Học sinh thiếu cuốn sách, cây bút, cái cặp, đôi dép, bộ quần áo, thậm chí cả thức ăn, các thầy cô đều cố gắng tìm mọi cách để lo cho các em. Mỗi lần ra huyện, đến nhà bạn bè, các thầy cô đều quyên góp sách vở, quần áo cũ mang về cho học sinh.

Đến thăm lớp 1 (điểm trường thôn Tân Túc) của cô Y Phương dạy học, có 22 học sinh, nhìn thấy tóc của các em nam được cắt ngắn gọn gàng nhưng có vẻ thiếu chuyên nghiệp, tôi cứ tưởng là do cha mẹ các em cắt. Hỏi ra mới biết cô Phương làm việc này.

Cô Phương kể, không chỉ cắt tóc mà vào chiều thứ sáu hằng tuần, cô còn tắm rửa cho từng em học sinh. Dầu gội, sữa tắm cô mang từ nhà lên. Cô còn dùng tiền riêng của mình để sắm mỗi em trong lớp một bộ quần áo mới mặc trên lớp. Không những thế, thỉnh thoảng cô còn mua cho học sinh bút, vở và cả cá khô.

Thầy giáo A Hao Trường tiểu học xã Mường Hoong

Thầy giáo A Hao Trường tiểu học xã Mường Hoong

Chở tôi bằng xe máy lên điểm trường Tân Túc nằm ở triền núi cao, thầy Nguyễn Văn Bê – Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Mường Hoong, tâm sự: “Vì thương học trò ở xa đi học trong điều kiện cách trở, rồi đâm ra chán nản, bỏ học, mình phải vào tận làng để dạy chữ cho các em. Học sinh miền núi bị thiệt thòi so với miền xuôi nhiều lắm.

Ngoài việc phải băng rừng, lội suối đến trường thì các điều kiện thiết yếu phục vụ cho việc học tập như sách vở, bút mực… cũng thiếu thốn rất nhiều. Đến được trường thì quần áo, sách vở các em ướt sũng hết cả, ngồi co lại với nhau, thấy tội nghiệp lắm. Ngay cả trường học cũng hết sức chật chội, bị xuống cấp, có nơi phải mượn tạm nhà công vụ của giáo viên, nhà sinh hoạt cộng đồng để dạy học. Mình là giáo viên, bổn phận của mình là dạy học, cũng mong muốn không để các em phải thất học nên chịu khó một chút thôi chứ biết sao giờ”.

Thầy Bê năm nay 41 tuổi, quê ở Quảng Trị, dạy học ở Mường Hoong đã 20 năm. Trước khi làm công tác quản lý, thầy đã có 12 năm trực tiếp đứng lớp ở các điểm trường trong xã. Thầy cho biết, năm học 2017-2018, Trường tiểu học Mường Hoong có 24 lớp, 402 học sinh. Ngoài điểm trường chính ở trung tâm xã, còn 8 điểm trường nằm ở rải rác các thôn (xã có16 thôn), nơi xa nhất cách trung tâm phải đi bộ gần 4 tiếng. Vất vả là thế nhưng các thầy cô ở đây vẫn cố gắng động viên nhau vượt qua khó khăn, bám làng dạy chữ cho học sinh.

Thầy Phan Quốc Lập - Phó hiệu trưởng Trường tiểu học xã Ngọc Linh vẫn còn nhớ như in những lần cõng học trò qua suối để về trường học chữ. Thầy kể: “Thời điểm đó, vào mùa mưa nên học sinh nghỉ học rất nhiều, buộc mình phải đi vận động các em đến lớp. Để đưa học sinh qua suối, mình phải cõng từng em một. Do nước suối dâng cao nên có lúc cả thầy và trò đều bị trượt chân và trôi theo nước. Tuy nhiên, do có kinh nghiệm về bơi lội nên mình đã nhanh chóng đưa được học sinh qua suối an toàn”.

Những lần sau đó cũng vậy, thầy Lập lại đi từng nhà dân để vận động con em đến trường. Sau khi đã tập trung các em ra bờ suối, thầy lại cõng từng em qua. Được vài năm thì thầy chuyển về làm quản lý ở điểm trường trung tâm. Thấm thoát cũng đã hơn chục năm trôi qua, thầy Lập vẫn chưa quên được cảm giác sợ hãi trong những lần đó.

Thầy Lập cho biết, Trường tiểu học Ngọc Linh có 24 lớp, 318 học sinh; 30 cán bộ giáo viên, trong đó có 26 giáo viên trực tiếp đứng lớp. Ngoài điểm trường chính tại trung tâm xã, còn có 11 điểm trường tại các thôn (xã có 17 thôn); trong đó chỉ có 2 điểm trường đi được xe máy, còn lại phải đi bộ. Các thầy cô giáo dạy tại các điểm trường xa, phải ăn ngủ tại đó, cuối tuần mới về trường trung tâm một lần.

Hơn 26 năm miệt mài bám làng dạy chữ, thầy A Hao (45 tuổi, hiện là Hiệu trưởng Trường tiểu học Mường Hoong) vẫn còn nhiều trăn trở: “Là người ở địa phương nên mình rất hiểu những khó khăn của học trò. Các em bị thiệt thòi quá nhiều, mọi thứ phục vụ việc học đều rất thiếu thốn. Chính vì không muốn để học sinh bị mù chữ, cái đói cái nghèo vẫn cứ bám riết nên mình chịu khó hy sinh một chút, chấp nhận khó khăn để bám làng dạy chữ, rèn người cho các em!”.

Chia tay các em học sinh và giáo viên Trường tiểu học xã Mường Hoong và Ngọc Linh, tôi cứ tâm niệm mãi lời nói của cô Y Phương: “Nếu không có lòng yêu thương học trò, sự tận tâm với nghề, thì có lẽ chẳng ai đủ nhiệt thành để bám trụ chốn thâm sơn cùng cốc này”.

“Nhiều thầy, cô phải bỏ công đi vận động, thuyết phục phụ huynh cho con trở lại trường. Niềm vui đối với các thầy, cô và cũng là món quà quý giá nhất của những người đứng trên bục giảng là mong sao các em không bỏ trường, bỏ lớp” - Thầy giáo Nguyễn Văn Bê 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.