100% là người dân tộc thiểu số
Bản Giàng - bản làng nhỏ nhất của tỉnh Hà Tĩnh, nằm sâu trong núi, đường đi lại khó khăn. Bản có 54 nhân khẩu, 15 hộ dân thuộc đồng bào dân tộc Lào. Đời sống, kinh tế của người dân phụ thuộc vào nương rẫy cằn cỗi do vậy cái đói, nghèo bủa vây.
Chị Hồ Thị Hà, cán bộ y tế bản xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ: “Tôi sinh ra ở Bản Giàng, lúc đó cái đói, nghèo còn bao vây, vì vậy dân bản chưa ý thức được việc học. Đến khi, bộ đội biên phòng, thầy cô vận động đi học tôi đặt câu hỏi liệu đi học có no được bụng không?
Vào học tiểu học tôi và một số bạn cùng trang lứa được đưa ra Trường PTDTNT huyện Hương Khê học, được thầy cô chăm sóc, ăn no, quần áo mặc ấm lúc đó tôi mới ý thức được đi học có giá trị như thế nào.
Học xong trở về quê hương sinh sống làm việc, chị Hà muốn con mình được đi học đầy đủ như bao đứa trẻ khác, có ước mơ hoài bão. “Dù không vào được đại học, cao đẳng, tôi cũng cố gắng để con học xong THPT cho đỡ khổ, ra đời cũng không bị lạc lạc hậu”, chị Hà tâm sự.
Theo đó, chị Hà và chồng đã bàn nhau gửi con sang xã bên học, cuối tuần lại đón về bản.
Chị Hà kể: “Trước đây, Phòng Giáo dục huyện Hương Khê đã quyết thành lập một điểm trường ở bản, nhưng chúng tôi đề xuất cho các cháu được học ở trường chính để được tiếp xúc, trò chuyện với bạn bè. Nếu quanh quẩn ở bản mãi, các cháu sẽ bị hạn chế kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống do đó dẫu vất vả chúng tôi vẫn cam lòng”.
Gia đình sinh sống nhiều đời ở Bản Giàng, ông Hồ Sơn – Trưởng Bản Giàng, xã Hương Vĩnh, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ: “Từ nhỏ, tôi đã lớn lên ở đây với rừng núi, cuộc sống mưu sinh của dân bản đều bám vào rừng mà sống.
Nhưng “người khôn, của hiếm” nếu cứ lệ thuộc mãi vào rừng, không thay đổi tư tưởng thì nghèo đói vẫn cứ dai dẳng muôn đời. Do vậy, bộ đội Biên phòng vào đây dạy chữ, dạy cách làm ăn, người dân trong bản đã nhận thức được rằng phải thay đổi suy nghĩ cổ xưa lâu nay.
Thế rồi, chúng tôi bắt đầu chú trọng vào việc cho con cháu đến trường học chữ. Trường học cách khá xa, đường đi lại khó khăn để thuận lợi cho việc đi học của các cháu nhiều gia đình đã gửi con đến nhà người thân gần trường cho đi học, cuối tuần đón về”.
Nhà cửa ở Bản Giàng khang trang và kiên cố hơn xưa, đời sống đỡ khó khăn hơn. |
Quả ngọt đã đến
Bản Giàng hiện có 9 học sinh theo học tiểu học, 2 trẻ học mầm non đều ở trọ xa nhà để học, những ngày trong tuần, dường như chỉ có thanh niên và người già trong bản sinh sống với nhau.
Ông Sơn kể: “Ở bản muốn nghe tiếng học sinh cười đùa đa phần chỉ có cuối tuần hoặc nghỉ hè. Ngày thường, các cháu rời rừng, xa bản đi học con chữ. Các cháu sống xa nhà tự lập lúc còn rất nhỏ sẽ vất vả, thiệt thòi chúng tôi luôn động viên cố gắng, chăm chỉ học hành để được đi đây đó, tiếp xúc với xã hội. Lên THCS, các cháu sẽ có cơ hội học ở trường nội trú sẽ đỡ khổ hơn.
Bên cạnh đó, chúng tôi yên tâm gửi các cháu đi học xa là nhờ vào sự đồng hành, động viên, quan tâm của bộ đội biên phòng, ngành giáo dục và chính quyền địa phương. Theo đó, nhiều học sinh của Bản Giảng yên tâm bám con chữ và trưởng thành, từ một bản chạy ăn từng bữa, đến có người đậu cao đẳng, đại học và trở về quê hương cống hiến.
Ông Sơn cho biết: “Đến nay, Bản Giàng đã 3 người là bộ đội chuyên nghiệp, 2 người là giáo viên, 1 cán bộ y tế. Chúng tôi tự hào vô cùng. Mỗi khi mà giáo dục các con cháu trong bản, chúng tôi đều đưa những tấm gương của các anh chị đi trước giờ thành đạt ra để giảng dạy.
"Giờ đây, Bản Giàng đã thay da đổi thịt, tôi gửi lời cảm ơn đến những cán bộ chỉ huy và chiến sĩ bộ đội biên phòng đồn Bản Giàng, những người không quản vất vả đánh thay đổi nhận thức, suy nghĩ của người dân, góp phần to lớn trong việc đưa các em vượt rừng tìm chữ, góp phần ổn định cuộc sống của bản làng và mở ra tương lai tốt đẹp hơn cho bà con.
Cảm ơn các thầy cô, họ là người thắp và truyền lửa cho con em ở Bản Giàng, thay đổi nhận thức tư duy của người dân ở bản để có được trái ngọt như hôm nay”, ông Sơn nhắn nhủ.