Bài toán việc làm trước ngưỡng cửa hội nhập

GD&TĐ - Chất lượng lao động Việt Nam được đánh giá là còn thấp với tỷ lệ qua đào tạo nghề mới chỉ đạt 33,5%, cơ cấu lao động đang chuyển dịch theo hướng tích cực.

Phần lớn lao động nông thôn nằm trong khu vực lao động phi chính thức, năng suất
lao động và thu nhập không ổn định
Phần lớn lao động nông thôn nằm trong khu vực lao động phi chính thức, năng suất lao động và thu nhập không ổn định

Nhưng tỷ lệ lao động trong các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp vẫn chiếm tới trên 47,5%; lao động có hợp đồng, lao động làm công ăn lương chiếm 34,6%; Lao động phi chính thức ước tính 56,1%. Tỷ lệ lao động phi chính thức này là khá cao, cho thấy những thách thức lớn trong thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu lao động.

Hạ tầng chưa đồng bộ

Ở nước ta hiện nay, phần lớn lao động nằm trong khu vực kinh tế nông nghiệp, tự sản xuất, tự tạo thu nhập bằng các sản phẩm nông nghiệp. Chính vì vậy họ được coi là không hưởng lương, không có chủ lao động trả lương.

Thực trạng này được cho là một “lực cản” không nhỏ trong quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất, hướng tới xây dựng thị trường lao động bền vững cũng như nâng cao năng suất lao động, đáp ứng hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, để có thể tham gia vào thị trường lao động bền vững thì thực tế cho thấy đây không phải là chuyện dễ dàng. Theo khảo sát tại một số địa phương, người dân nông thôn còn ít được tiếp cận với các nguồn thông tin về lao động, việc làm, trong khi một số khu công nghiệp lại giới hạn tuổi lao động ở mức 27 tuổi trở về.

Cũng từ thực tế cho thấy một nghịch lý là thông báo tuyển dụng khắp nơi với những điều kiện tưởng như vô cùng đơn giản, nhưng để kiếm được một việc làm lại không hề dễ dàng, trong khi đang có một bộ phận người dân thất nghiệp thì không ít các khu công nghiệp, nhà máy lại lâm vào tình trạng thiếu nhân lực.

Người lao động nông thôn ngại di chuyển đến làm việc tại các nhà máy, khu công nghiệp do các điều kiện hạ tầng cơ sở hạn chế các điều kiện về văn hóa, giáo dục, nhà ở, đời sống cho con cái đa phần chưa đáp ứng được nhu cầu của người làm công, vì vậy có thể tiền lương cao hơn nhưng rất nhiều lao động nông thôn dù đã xin được việc nhưng vẫn bỏ việc giữa chừng.

Đảm bảo an sinh, phát triển dạy nghề

Ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Theo tinh thần nghị quyết của Đảng và quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là phải chuyển dịch cơ cấu lao động từ khu vực phi chính thức vào khu vực chính thức là khu vực thị trường lao động bền vững.

Tỷ lệ lao động làm công ăn lương hiện mới chỉ đạt khoảng 1/3 trên tổng số lao động đang là mức thấp và cần có sự thay đổi tích cực hơn. Cùng với việc xây dựng các khu CN, khu chế xuất thì phải kèm theo hàng loạt các vấn đề về an sinh xã hội để giải quyết một cách tổng thể các vấn đề xã hội phát sinh của quá trình dịch chuyển lao động, đó chính là giải quyết mục tiêu giải quyết việc làm bền vững cho người lao động.

Cũng theo ông Bùi Sĩ Lợi, từ năm nay, Chính phủ chỉ tập trung cho hai chương trình mục tiêu quốc gia là chương trình giảm nghèo bền vững và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đây là hai chương trình nhằm giải quyết việc làm cho lao động nông nghiệp nông thôn và tạo cơ hội dịch chuyển lao động từ khu vực phi chính thức, khu vực nông nghiệp vào khu vực chính thức tạo việc làm ổn định và bền vững hơn

Theo nhiều chuyên gia, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp và tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo nghề của nước ta còn khá cao là những nguyên nhân khiến cho năng suất lao động thấp.

Về vấn đề này, Ông Tào Bằng Huy,  Phó Cục trưởng Cục Việc làm của Bộ LĐ,TB&XH, cho rằng, ngoài sự điều tiết tự nhiên của thị trường lao động thì nhất thiết phải có sự định hướng tập trung chuyển dịch cơ cấu lao động nâng cao năng suất lao động, chú trọng phát triển chiến lược dạy nghề trong các ngành nghề kỹ thuật công nghệ  mũi nhọn, nâng cao trình độ và kỹ năng tay nghề cho người lao động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ