Bài toán thiếu hụt nhân tài khoa học tại Hàn Quốc

GD&TĐ - Hàn Quốc đẩy mạnh thu hút nhân tài khoa học qua chính sách nhập cư mới. Tuy nhiên, cải cách này chưa đạt được hiệu quả tích cực.

Sinh viên Hàn Quốc phản hồi tích cực về các tiết học của giảng viên nước ngoài.
Sinh viên Hàn Quốc phản hồi tích cực về các tiết học của giảng viên nước ngoài.

Bộ Khoa học và CNTT Hàn Quốc (MIST) mới đây đã công bố chiến lược phát triển nguồn nhân tài khoa học và công nghệ. Chính sách mới sẽ tạo điều kiện cho vợ hoặc chồng của các nhà khoa học quốc tế được làm việc tại Hàn Quốc và nới lỏng mức thu nhập cho những người mang theo con.

Bộ cũng cam kết cung cấp nhiều dịch vụ hỗ trợ cho những nhà nghiên cứu có ý định định cư lâu dài tại quốc gia này. Cụ thể, những chuyên gia cao cấp trong các lĩnh vực bao gồm trí tuệ nhân tạo (AI), robot, công nghệ lượng tử và hàng không vũ trụ sẽ nhận được “thị thực hạng nhất” khi đăng ký định cư.

Bên cạnh đó, các quy định xét duyệt về trình độ chuyên gia cũng có sự thay đổi lớn.

Trước kia, Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) và Viện Khoa học và Công nghệ Daegu Gyeongbuk (DGIST) là hai đơn vị duy nhất có thẩm quyền mời sinh viên nước ngoài tới nghiên cứu. Hiện tại, 200 trường đại học hàng đầu Hàn Quốc, theo xếp hạng của Times Higher Education, đều có thể mời du học sinh tham gia nghiên cứu trong nước.

Các nhà nghiên cứu quốc tế tốt nghiệp từ trường đại học tốp đầu thế giới hoặc xuất bản các nghiên cứu khoa học nổi tiếng cũng có thể nhận được thị thực cư trú thay vì phải có bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ như trước kia.

Chính sách mới của Hàn Quốc ra đời trong bối cảnh dân số già hóa gây ảnh hưởng tới chất lượng tuyển sinh của các lĩnh vực khoa học kỹ thuật. Mặc dù, các động thái trên nhận được nhiều lời khen, các chuyên gia cũng cho rằng cần có thêm nhiều thay đổi trong tương lai để “xứ sở kim chi” cạnh tranh với các nước láng giềng.

Tại Trung Quốc, các nhà khoa học nước ngoài được nới lỏng quy định về nhập cư, nhận chế độ đãi ngộ tốt và cơ hội khởi nghiệp tại chính đất nước tỷ dân này. Nếu muốn trở nên nổi bật, Hàn Quốc phải có các biện pháp khác như nâng cao mức lương cơ bản và lương thưởng cho chuyên gia.

Nguyên nhân khác cản trợ nhân tài đến Hàn Quốc là do yêu cầu khắt khe về ngôn ngữ.

PGS Martin Steinegger, giảng viên Tin - Sinh học tại Đại học Quốc gia Seoul, cho biết: “Với yêu cầu thông thạo tiếng Hàn, nhiều viện nghiên cứu đang thiếu hụt trầm trọng các vị trí giảng viên. Khó ai có thể giao tiếp hoàn toàn bằng tiếng Hàn với sinh viên”.

Không chỉ chú trọng tới nhóm nhân tài ngoại quốc, Chính phủ Hàn Quốc công bố các chính sách mới nhằm hỗ trợ các nhà khoa học và nhà nghiên cứu nữ trong nước.

Tiến sĩ Jeehye Kweon, Quản lý cấp tao tại Quỹ Hàn Quốc dành cho Phụ nữ trong Khoa học, Kỹ thuật và Công nghệ, cho biết: “Nhiều nhà nghiên cứu nữ đã từ bỏ sự nghiệp khoa học vì quyền lợi nghề nghiệp không thỏa đáng. Chúng tôi mong chính sách mới có thể ngăn chặn tình trạng ‘rò rỉ’ nhân tài”.

Số lượng lãnh đạo nữ tại các tổ chức nghiên cứu công được cam kết sẽ tăng 10% so với hiện tại. Nhân viên nữ tại các viện nghiên cứu cũng có thể yêu cầu giảm giờ làm việc trong ba năm kể từ sau khi sinh con.

GS Rushan Ziatdinov, giảng viên Kỹ thuật công nghiệp tại Đại học Keimyung, nhấn mạnh: “Cuộc đua thu hút nhân tài khoa học giữa các quốc gia đang ngày càng gay gắt. Hàn Quốc cần xây dựng các chiến lược hiệu quả để giữ chân nhân tài và phát triển sự nghiệp lâu dài cho quốc gia”.

Theo THE

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ