'Báo động đỏ' tình trạng giáo viên Hàn Quốc bỏ việc

GD&TĐ - Hơn 32 nghìn giáo viên Hàn Quốc nghỉ việc trước tuổi nghỉ hưu trong 5 năm qua, tạo ra những tranh cãi về tình trạng giáo dục nước này.

Số lượng học sinh lớn nhưng đãi ngộ thấp khiến giáo viên Hàn Quốc bất lực.
Số lượng học sinh lớn nhưng đãi ngộ thấp khiến giáo viên Hàn Quốc bất lực.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục Hàn Quốc, từ năm 2019 đến 2023, số lượng giáo viên xin nghỉ việc tăng chóng mặt. Ước tính, mỗi năm có khoảng 500 giáo viên nộp đơn xin nghỉ, kéo tổng số người rời ngành trước tuổi nghỉ hưu lên 32 nghìn người.

Xu hướng trên vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, trong đó riêng năm 2024, hơn 3 nghìn giáo viên nghỉ việc. Vì ngành Giáo dục Hàn Quốc cho phép giáo viên rời ngành không kể số năm công tác nên việc ngày càng nhiều giáo viên nghỉ làm nổi bật sự bất mãn với nghề.

Bên cạnh đó, nhiều giáo viên về hưu sớm theo chương trình nghỉ danh dự, cho phép giáo viên có hơn 20 năm công tác được về hưu sớm. Ước tính từ năm 2021 đến năm 2023, số lượng giáo viên nghỉ sớm tăng từ hơn 5 nghìn lên gần 6,5 nghìn người. Ngay cả những người chỉ có 10 năm kinh nghiệm cũng rời bỏ nghề.

Theo các chuyên gia giáo dục, nguyên nhân chính của tình trạng trên là do giáo viên gặp khó khăn trong việc quản lý học sinh và chế độ đãi ngộ không thỏa đáng.

Khảo sát vào tháng 8 của Liên đoàn Giáo viên Hàn Quốc (KFTA) chỉ ra 86% giáo viên trong độ tuổi 20 và 30 đã cân nhắc việc rời bỏ nghề giáo vì không hài lòng với mức lương.

Cô Lee, giáo viên tiểu học 31 tuổi ở Seoul, chia sẻ: “Thật khó để tiết kiệm khoản dự phòng cho bản thân bằng tiền lương hàng tháng. Vì vậy, tôi đang học để lấy chứng chỉ tài chính thay vì tiếp tục công việc này”.

Giáo viên phải đảm nhận công việc ở cường độ cao, giải quyết khiếu nại của phụ huynh và học sinh, bạo lực học đường,... nhưng họ không nhận được mức lương như mong muốn. Thu nhập sau thuế trung bình của giáo viên mới vào nghề là 2,31 triệu won, thấp hơn mức chi phí sinh hoạt hàng tháng cho một hộ gia đình là 2,46 triệu won.

Mặc dù Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra đạo luật đặc biệt yêu cầu chính quyền địa phương trả lương đầy đủ cho giáo viên, nhưng theo ghi nhận điều này không được thực hiện nghiêm túc và minh bạch. Ngoài ra một trong những yếu tố chính khiến giáo viên bỏ việc là do áp lực cha mẹ học sinh thiếu tôn trọng đối với nghề giáo.

Vào tháng 7 năm ngoái, một giáo viên tiểu học Seoul tự tử do căng thẳng với phụ huynh đã tạo ra làn sóng biểu tình của giáo viên trên toàn quốc. Sự việc làm dấy lên mối lo ngại về quyền lợi của giáo viên.

Phần lớn chuyên gia cho rằng cải thiện chế độ đãi ngộ và chính sách bảo vệ quyền giáo viên là cách tốt nhất để ngăn họ bỏ việc.

Ông Jung Sung-kook, thành viên Ủy ban Giáo dục Quốc hội, kêu gọi: “Chính phủ phải hành động ngay lập tức để giải quyết những thách thức trong quản lý học sinh, quyền giảng dạy bị suy yếu và mức lương thấp để hỗ trợ những nhà giáo dục tài năng”.

GS Park Nam-gi, giảng viên Đại học Sư phạm Quốc gia Gwangju cho biết: “So với các ngành nghề khác, lương giáo viên tăng không đáng kể. Chính phủ cần áp dụng mức lương mới cho nghề giáo và tăng cường đạo luật bảo vệ giáo viên”.

Theo The Korea Times

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ