Anh thả vợ ở cổng cơ quan vợ, thêm hai ngã tư nữa là tới cơ quan mình. Ở cơ quan, anh là người đến sớm nhất, luôn luôn thế. Động tác đầu tiên là bật máy điều hòa, rồi mở máy tính lên, đọc báo.
Đó là khoảng thời gian duy nhất thảnh thơi trong ngày, anh kể. Còn lại là những cuộc họp, không phải liên miên nhưng đủ nát thì giờ. Xen giữa những cuộc họp là những cuộc gặp. Lúc nào tan họp về, ở cái ghế dài ngay trước cửa phòng cũng đã có người ngồi đợi, mừng rỡ theo ngay vào phòng, trình bày... Rồi ăn trưa chớp nhoáng, rồi hội ý đầu giờ, rồi có khi theo đoàn xuống cơ sở... Một ngày căn bản trôi qua, chương trình truyền hình lúc 7h là tối quan trọng, sau đó còn đọc tài liệu.
Nhìn lại mớ sách mang tặng anh, thấy thực không cuốn nào có chỗ dùng trong thời khóa biểu ấy. Anh khen, “Sách đẹp quá nhỉ!”. Biết là những cuốn sách này sẽ luôn luôn dừng lại ở mức “đẹp” với những công chức như anh.
*
Hỏi ai đó còn nhớ “Sông Đông êm đềm” viết gì không, câu trả lời thường là: “Đọc lâu quá rồi, quên mất rồi”. Với “Thủy Hử”, với cả “Truyện cổ Grim” cũng thế. Những danh tác ngày ấy được hưởng một đặc ân: chiếm lĩnh những cái đầu non nớt và thênh thang của tuổi thiếu niên. Hình như những gì quan trọng nhất ta đều đọc khi còn bé, còn trẻ. Đọc, theo đúng nghĩa của nó, là liền một mạch, quên cả ăn, trốn cả ngủ; đọc mà quên mình là ai, chỉ nghĩ mình là nhân vật, hoặc một kẻ lẽo đẽo theo chân nhân vật.
Bây giờ, có thể vì đã có quá nhiều trí khôn, mỗi quyển sách được/bị ta kéo lê thành nhiều tuần, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm, và thường là không được kết thúc. Vừa đọc vừa ngẫm nghĩ, ừ thì hành động ấy cũng hay đấy. Nhưng nghĩ một chuyện lại lan sang nhiều chuyện khác thành quên đọc tiếp. Mạch đọc đứt rời... Thế giới trong đầu người đọc giờ chật quá, đôi khi hay ho bằng hoặc hơn cả cuốn sách đang đọc, người đọc không còn là người đọc đơn thuần. Mỗi ngày lên mạng, vào blog, người đọc cũng là một người viết, cạnh tranh ngầm với những tác giả của sách vở...
Vừa đọc vừa nghĩ, vừa bình phẩm, trong một tình trạng thiếu thời gian để làm những việc nghĩ ngợi, bình phẩm được thanh thản. Thời gian thì vẫn thế thôi, 24 tiếng trong đời một kẻ thiếu niên hay anh người lớn. Nhưng trẻ con rõ ràng là dư dả hơn nhiều. Hồi đó đọc một bài báo, nói người lớn phải học tập con nít ở cái tính đã làm gì thì quyết làm bằng được, thí dụ như muốn moi một quả chanh ở gầm giường ra, đứa bé có thể chăm chú làm cả tiếng đồng hồ cho kỳ được, người lớn gặp thế sẽ nản và đi chợ mua vài quả khác, kệ quả gậm giường héo khô.
Hay khi cần đọc sách, trẻ con có thể chui trong chăn bật đèn pin đọc xuyên đêm, cho kỳ hết một tập chưởng. Nhưng ngẫm lại, học chúng nó mà làm gì, những bọn vô trách nhiệm, vô lo ấy muốn làm cái gì muốn đến cùng mà chẳng được - chúng có nhiều thời gian (mắt lại còn tốt), trong khi một ngày của anh người lớn bị những quan tâm tới xã hội, tới người thân, tới bản thân cắt vụn.
Đọc sách vì thế ít đi là đương nhiên, ở người lớn, nhất là khi thấy thời này, đến trẻ con nhà mình nó cũng không đọc để mình phải động lòng chạy đua với nó!
*
Cuối cùng phải làm sao, với người lớn, lại là công chức, cán bộ? Chẳng lẽ cuộc đời bận bịu của anh là buộc phải ngậm ngùi chia tay với sách?
Nếu thời gian đã bị cắt vụn như đã nói, việc đọc sách, học hành, tập tành... có lẽ cũng nên nương theo tính cắt vụn ấy. Nếu có thể dành mười lăm phút mỗi ngày để đi bộ quanh công viên gần nhà, coi như bài tập cho gân cốt, thì cũng có thể quy định 30 trang sách mỗi ngày, coi như bài tập cho óc. Cũng chẳng cần đọc một mạch 30 trang, cứ coi như pha một ấm trà, uống rỉ rả trong ngày, lúc này lúc khác, miễn sao lúc khóa cánh cửa văn phòng lại, đi trên đường về là có cái để ngẫm nghĩ trong đầu.
30 trang mỗi ngày. 10 ngày là đã xong một cuốn sách. Một tháng 3 cuốn. Ai hỏi dạo này anh đọc sách gì cũng có thế tự tin kể tên ra...
*
Trong số bạn bè, có những người tốt lắm, hiền lắm, nhưng gặp nhau chẳng có gì để nói, câu chuyện vô vị trôi qua làm mình thầm nghĩ, biết thế này cứ điện thoại cho xong, khỏi phải mất thì giờ thẫn thờ ngồi quán.
Lại có những người gặp về là váng vất, nhiều thứ phải nghĩ quá sau một cuộc chuyện trò, có khi khó chịu vì họ bắt mình phải nhìn nhận lại mình. Mỗi ngày ta đều ước có được một cuộc nói chuyện như thế, mà nếu không được như thế thì chí ít cũng có gì đó để giật mình, không chỉ để thấy cuộc đời ngoài kia là vui, mà còn để thấy đời mình không đến nỗi nhạt.
Thì sách trên giá đấy, nếu đã chọn mua những quyển mà ai cũng nói là hay, thì có khác gì mấy chục, mấy trăm vị khách thú vị ngồi sẵn đó, chỉ đợi “hầu chuyện” ta. Chỉ cần cầm xuống một quyển, mở ra, là được nghe những điều hay ho. Khoa học có, triết học có, văn học hay tôn giáo, làm bánh hay dạy con... Mỗi vị một đề tài. Và như ai đó từng nói, các vị khách ấy có ưu điểm là mình có nửa chừng ngừng lại không nghe nữa cũng không giận, cũng chẳng cần chào hỏi xã giao, rào đón những câu thăm hỏi...
30 trang sách hay một ngày, như có thầy đến tận nơi dạy mỗi ngày có hơn nửa tiếng. Và đọc sách chứ không phải đọc những bài viết. Cái người viết hẳn một cuốn sách về một đề tài sẽ phải nghĩ sâu hơn kẻ chỉ viết một bài ngăn ngắn trên ngàn chữ. Làm bạn với cái kẻ phải nghĩ sâu ấy. Có 30 trang một ngày thôi nhưng sau 20 ngày đã ít nhiều thấu đáo một vấn đề, nhân viên một hôm có nảy ý lòe mình cũng khó...
*
Dụ dỗ bạn như thế, nghe cứ như thể mỗi tháng bản thân cũng đã đọc được hoàn toàn hai, ba cuốn sách. Nhưng nhìn lại khắp nơi trong nhà toàn những thứ đọc lam nham, chưa kết thúc: quyển còn vài chục trang, quyển mới đi một nửa. May quá, khi ra đến cổng rồi mà cả hai vợ chồng anh bạn vẫn chưa nghĩ ra câu hỏi: “Trong năm qua chị đọc trọn vẹn được mấy quyển rồi?”.
Chà, mấy quyển à... Nhưng mà ít nhất tôi cũng có quyết tâm...
12-2014