Bài toán kinh phí

GD&TĐ - Sau khi triển khai thí điểm thành công học bạ số cấp tiểu học, theo lộ trình tới đây ngành Giáo dục sẽ hướng tới các cấp học phổ thông khác...

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Mới đây, Bộ GD&ĐT có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tăng cường chỉ đạo thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục và triển khai thực hiện thí điểm học bạ số, trong đó đặc biệt lưu ý việc bố trí nguồn kinh phí để thực hiện hiệu quả.

Thay thế học bạ giấy truyền thống bằng học bạ số để sẵn sàng kết nối với hệ thống quản lý thông tin của Bộ GD&ÐT là xu hướng tất yếu trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia. Từ năm học 2023 - 2024, nhiều tỉnh thành đã triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học, mang đến khá nhiều điều thuận lợi cho cả giáo viên, học sinh và phụ huynh.

Thế nhưng bên cạnh tỉnh thành nhanh chóng vào cuộc và bước đầu phát huy hiệu quả, vẫn có địa phương chưa triển khai kịp thời các nhiệm vụ theo thẩm quyền trách nhiệm. Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, tính đến hết ngày 5/7/2024, mới có 20 sở GD&ĐT đăng ký và được duyệt chứng thư số dùng để gửi báo cáo học bạ số về Kho học bạ số Bộ GD&ĐT; 18 sở GD&ĐT thực hiện gửi báo cáo học bạ số về Kho học bạ số Bộ GD&ĐT.

Một trong những khó khăn lớn khi triển khai thí điểm học bạ số trong thời gian qua là vấn đề kinh phí. Học bạ số cần có nền tảng kỹ thuật đồng bộ nhưng một số địa phương hạ tầng kết nối còn nhiều thiếu thốn. Theo TS Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT), quá trình giám sát và kiểm tra thực tiễn triển khai học bạ số cho thấy thiết bị điện thoại của giáo viên đa phần là thế hệ cũ, không phù hợp để cài đặt ứng dụng ký số.

Tại một số nơi, chất lượng máy tính, hạ tầng công nghệ thông tin vừa yếu, vừa thiếu. Đến thời điểm này, kinh phí để tổ chức thí điểm chưa được cấp; một số nơi có thể vận dụng các nguồn thì thời gian ngắn không kịp làm thủ tục đấu thầu. Đặc biệt là việc đầu tư cổng học bạ số tại sở GD&ĐT phụ thuộc hoàn toàn vào cung cấp miễn phí của doanh nghiệp.

Là địa phương có điều kiện kinh tế hàng đầu cả nước, để thí điểm triển khai học bạ số đối với 132 nghìn học sinh khối lớp 1 năm học 2023 - 2024, việc chuẩn bị và triển khai của TPHCM rất tốt, nhưng đến nay bài toán chi phí đầu tư vẫn chưa có đáp án cụ thể. Theo đại diện sở GD&ĐT, những chi phí liên quan đến học bạ số tùy vào giải pháp để bảo trì, bảo lưu và lưu trữ. Nếu ngân sách không đáp ứng đủ, ngành sẽ tính đến các giải pháp khác (có thể là huy động thêm nguồn tài trợ, đóng góp của tổ chức, doanh nghiệp…).

Tại Đắk Lắk, lãnh đạo Sở GD&ĐT cũng cho biết việc thực hiện học bạ điện tử gặp khó khăn, vướng mắc cũng vì vấn đề tài chính, ngành phải xin được chủ trương về kinh phí để đồng bộ hóa việc thực hiện. Những đơn vị không có kinh phí phải cố gắng xã hội hóa.

Bất cứ một lĩnh vực nào khi đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số cũng cần kinh phí để triển khai. Với một ngành có quy mô lớn, công việc tác động đến số đông học sinh, giáo viên như ngành Giáo dục, triển khai học bạ số lại càng cần nguồn lực lớn hơn. Do đó, bên cạnh nỗ lực quyết tâm của toàn ngành, rất cần sự chung sức của địa phương và cộng đồng.

Sau khi triển khai thí điểm thành công học bạ số cấp tiểu học, theo lộ trình tới đây ngành Giáo dục sẽ hướng tới các cấp học phổ thông khác, kinh phí cho duy trì, vận hành hệ thống học bạ số khi triển khai diện rộng sẽ không phải nhỏ. Vì thế, các địa phương cần đi trước một bước để có tính toán phù hợp, đặc biệt trước mắt cần sớm bố trí kinh phí cho việc thí điểm học bạ số cấp tiểu học, tạo thuận lợi cho công tác chuyển đổi số của ngành Giáo dục nói riêng, chủ trương chuyển đổi số quốc gia nói chung.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.