Thế nhưng, hiện nay tình trạng người học chậm đóng học phí khá phổ biến, đẩy các trường trở thành những chủ nợ bất đắc dĩ. Theo tính toán sơ bộ của nhiều trường ĐH, con số SV nợ học phí không dưới 10%, có nơi đến 12%, số nợ hằng năm cũng lên hàng tỷ đồng. Tình trạng nợ học phí không đơn giản chỉ là kém “đẹp” về mặt sổ sách tài chính, mà còn liên quan đến việc cân đối thu chi của nhà trường, nhất là với các trường tự chủ tài chính, nguồn thu chủ yếu dựa vào học phí.
Để giải quyết bài toán sinh viên nợ học phí và cân đối tài chính, các trường ĐH đều có “chế tài” với SV chậm đóng. Mới đây nhất, sau rất nhiều lần đôn đốc, Trường ĐH Ngân hàng TPHCM dùng giải pháp hủy kết quả học tập học kỳ I năm học 2019 - 2020 với các sinh viên chậm đóng học phí. Trường ĐH KHXH&NV TPHCM cũng có biện pháp kể từ năm học 2019 - 2020, chỉ những SV hoàn tất việc đóng học phí mới có tên trong danh sách kiểm tra, dự thi và xét tốt nghiệp. Trước đó, năm 2018, Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM bị sinh viên nợ học phí với số tiền hơn 6 tỷ đồng, cũng đã buộc phải khuyến cáo nếu không hoàn thành nộp đúng hạn, sinh viên có thể bị cấm thi cuối học kỳ I.
Theo Quy chế công tác sinh viên đối với chương trình đào tạo đại học hệ chính quy do Bộ GD&ĐT ban hành (Thông tư 10, ngày 5/4/2016), đóng học phí là một trong những nghĩa vụ bắt buộc. Nhưng cũng theo quy chế này, lại không có quy định nào cho phép trường đình chỉ học tập, cấm thi với lý do nợ hay không đóng học phí. Vì thế, đối diện với một số hình thức chế tài liên quan đến quyền lợi học tập, sinh viên khá căng thẳng, có nơi còn rất bức xúc, cho rằng, nhà trường không chia sẻ với khó khăn của SV.
Có SV bức xúc chia sẻ: “Nhà trường nói không cấm thi mà chỉ không cho vào danh sách thi, như thế thì khác gì cấm thi!”. Thế nhưng, về phía nhà trường, câu chuyện phải ban hành những chế tài kiểu này đúng là ‘đặng chẳng đừng”, vì… chỉ có chế tài, sinh viên mới chịu chấp hành nghĩa vụ, trách nhiệm một cách nghiêm túc, mới giảm được tình trạng nợ học phí!
Thực tế, nguyên nhân để không ít SV chậm nộp học phí, bên cạnh vấn đề thuộc về ý thức (chây ỳ, không quan tâm các thông báo của nhà trường…), vẫn có không ít em gặp khó khăn thực sự về tài chính. Theo lộ trình tính giá dịch vụ giáo dục, đến năm 2020, sẽ tính đủ chi phí cần thiết vào học phí, học phí thời gian tới có thể gấp 3 so với hiện nay. Tính riêng phí sinh hoạt ở các đô thị lớn như Hà Nội, TPHCM, bình quân mỗi sinh viên không dưới 3 triệu đồng/tháng. Chi phí tính chung cho một sinh viên như thế sẽ quá cao với nhiều gia đình. Trong khi đó, tín dụng sinh viên hiện chỉ hỗ trợ 1,5 triệu đồng/tháng.
Đổi mới tín dụng SV theo hướng nâng mức vay cho người học, tiếp cận cả những gia đình có thu nhập trung bình, như UBND TPHCM đề xuất vào đầu năm học là giải pháp tầm vĩ mô, góp phần giải bài toán học phí cho sinh viên nghèo. Song song đó, bên cạnh việc SV phải nâng cao nhận thức, chấp hành nghĩa vụ người đi học thì ở mỗi trường ĐH cần quan tâm hơn đến việc lập quỹ cho SV khó khăn vay vốn không lãi suất để học tập hoặc tạo điều kiện cho SV cam kết đóng học phí bằng nhiều cách. Không nên để bài toán học phí dẫn đến quan hệ giữa nhà trường và SV xảy ra theo kiểu chủ nợ - con nợ, làm mất đi vẻ đẹp nhân văn của môi trường giáo dục.