Có những trang thơ in hằn hiện thực nhói đau mà vẫn vút cao thanh âm trong trẻo hướng con người ta đến “những vùng trời đẹp hơn, nhân tính hơn”. Đọc bài thơ “Chợ người đốt lửa hơ tay” của Nguyễn Thị Mai, tôi nhận thấy một điều thú vị, ẩn sau những câu thơ về phận người nghèo khó bấp bênh là lời thức tỉnh của trái tim đến muôn triệu trái tim.
Thơ Nguyễn Thị Mai mang phong cách giản dị nhưng tinh tế, giàu nữ tính và thấm đượm tình yêu thương. Với những hình ảnh đời thường nhưng sâu sắc, thơ bà dễ dàng chạm đến trái tim độc giả, tạo nên dấu ấn riêng trên thi đàn Việt Nam.
Đọc thơ của Nguyễn Thị Mai, nhất là những bài thơ lục bát, tôi rưng rưng với “Nhà không có bố”, nghèn nghẹn khi đọc “Qua hàng trầu nhớ mẹ”, mến phục cảm thương cho thân phận người phụ nữ trong “Chợ đêm Long Biên” “khiêng sương vác gió cũng sờn hai vai…”. Mỗi bài thơ của nữ thi sĩ tài hoa đều thấm đẫm tình đời, chan chứa tình người, ngân lên bởi cảm xúc chân thành, tha thiết.
Nhan đề giàu sức gợi
Nhan đề Chợ người đốt lửa hơ tay không chỉ tái hiện một khung cảnh đời thực mà còn chứa đựng ý nghĩa sâu sắc về thân phận con người trong cuộc mưu sinh. “Chợ người” gợi lên hình ảnh những lao động nghèo tụ tập nơi góc phố, bến chờ, mong mỏi được thuê mướn để kiếm sống. Đây không phải khu chợ buôn bán thông thường mà là nơi chính con người trở thành “hàng hóa”, chịu sự lựa chọn trong vô vọng.
Hình ảnh “đốt lửa hơ tay” vừa mang nghĩa thực, hành động sưởi ấm của người lao động nghèo giữa mùa Đông giá rét, vừa là biểu tượng cho chút hơi ấm mong manh mà họ cố bấu víu giữa cuộc sống lạnh lẽo, như tia hy vọng le lói giữa phố thị thờ ơ. Nhan đề bài thơ không chỉ khắc họa hiện thực khắc nghiệt mà còn gợi lên nỗi xót xa cho những phận đời bấp bênh. Chính vì thế, nhan đề Chợ người đốt lửa hơ tay không chỉ giàu giá trị nghệ thuật mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần thể hiện trọn vẹn nội dung và cảm xúc của thi phẩm.
Xót thương phận người cơ cực
Bài thơ Chợ người đốt lửa hơ tay của Nguyễn Thị Mai là một bức tranh hiện thực thấm đẫm xót xa về những phận người lao động nghèo nơi phố thị. Ngay từ những câu thơ đầu, tác giả đã khắc họa hình ảnh những người nông dân lam lũ, vì mất ruộng, mất kế sinh nhai mà phải rời quê lên phố, mong tìm được một công việc để bám víu vào cuộc sống. “Nhàn nông lên phố ngày đông Tết về”, câu thơ ngắn gọn nhưng đủ để gợi lên bao mất mát.
Người lao động nghèo khó không chỉ đối diện với cái rét buốt giá của mùa Đông mà còn phải gánh trên vai cả nỗi cô đơn, tủi hờn nơi đất khách. Cái rét của trời có thể nhóm lửa mà xua đi, nhưng cái rét của lòng người, của sự bơ vơ, thì làm sao sưởi ấm? “Lạnh buồn thèm ngọn lửa quê” - nỗi nhớ ấy không chỉ là hoài niệm về một mái nhà thân thương mà còn là khát khao được che chở, được an yên.
Nhưng giữa chốn đô thành xa lạ, họ chỉ có thể ngồi bên “đống sưởi”, mặt mũi ủ ê, lặng lẽ chờ đợi một điều gì đó… có lẽ là một lời gọi thuê, có lẽ là một tia hy vọng, hoặc có lẽ chẳng có gì cả ngoài sự mỏi mòn. Nỗi cơ cực của những phận người ấy càng trở nên xót xa hơn khi đặt giữa sự vô tâm của phố thị.
Thành phố nhộn nhịp nhưng lòng người lại lạnh lẽo. “Người xe cuộn chảy thờ ơ vô tình”, dòng người hối hả lướt qua, cuốn theo guồng quay riêng của cuộc sống, chẳng mấy ai bận lòng đến những dáng hình gầy guộc, co ro bên đường. Có những bàn tay chìa ra, mong chờ được ai đó vẫy gọi. Có những đôi chân sẵn sàng lao đi, bất kể công việc gì, miễn là có thể đổi lấy miếng cơm manh áo. Nhưng dù có sức vóc, dù có thể “gánh nặng, vác to”, họ vẫn chẳng thể “đổi nổi bữa no từng ngày”.
Câu thơ trầm buồn như một tiếng thở dài, nhói lên nỗi bất lực, xót xa. Hình ảnh “mười ngón ấm xòe vay bữa đời” đầy ám ảnh, họ không chỉ hơ tay trước ngọn lửa nhỏ mà còn như đang van nài một chút hơi ấm từ cuộc đời. Nhưng giữa phố thị phồn hoa, giữa những cơn mưa lạnh buốt của Thủ đô, họ chỉ còn biết bám víu vào “đống lá sưởi người xa quê”. Một chút hơi ấm mong manh, một chút tình người le lói giữa muôn trùng giá lạnh.
Câu thơ cuối khép lại, nhưng dư âm xót xa vẫn còn đọng lại mãi. Bài thơ không chỉ vẽ nên một cảnh đời cơ cực mà còn lay động lòng trắc ẩn, đánh thức trong lòng người đọc niềm thương cảm trước những phận đời lầm lũi, bấp bênh trong cuộc mưu sinh nơi phố thị hào nhoáng nhưng lạnh lùng.

Thức tỉnh trái tim
Với “Chợ người đốt lửa hơ tay” Nguyễn Thị Mai không chỉ khắc họa nỗi cơ cực của những phận người lao động nghèo mà còn mang giá trị thức tỉnh sâu sắc, lay động trái tim con người. Giữa phố thị phồn hoa, những kiếp đời cơ cực hiện lên với dáng hình co ro, lặng lẽ chờ đợi một công việc, một cơ hội để đổi lấy miếng cơm manh áo.
Nhưng đáng buồn thay, họ không chỉ đối mặt với cái rét cắt da mà còn phải chịu đựng sự lạnh lùng của xã hội. “Người xe cuộn chảy thờ ơ vô tình”, câu thơ chân thật mà nhói đau, phố xá vẫn sáng đèn, dòng người vẫn hối hả, nhưng chẳng mấy ai ngoái nhìn những mảnh đời khốn khó bên vỉa hè, những đôi mắt trũng sâu vì mệt mỏi. Có những câu thơ đọc lên mà nhoi nhói trong lòng:
Đành ngồi đốt lửa hơ tay
Cho mười ngón ấm xòe vay bữa đời
Câu thơ trên ám ảnh bởi chữ “đành” mang sắc thái ngậm ngùi, bất lực. Nó không chỉ đơn thuần là một hành động thông thường mà còn thể hiện sự chấp nhận trong nỗi buồn sâu kín. Người lao động nghèo không có lựa chọn nào khác ngoài việc ngồi lại, đốt lửa hơ tay, cố gắng giữ chút hơi ấm ít ỏi giữa cái lạnh cắt da.
Đây không phải là sự an nhiên mà là sự cam chịu trước số phận. Họ không chủ động chọn cảnh ngộ này, nhưng vì cuộc sống mưu sinh khắc nghiệt, họ buộc phải chấp nhận nó như một điều tất yếu. Từ “đành” vang lên như một tiếng thở dài, một sự dằn lòng đầy chua xót của những con người khốn khó. Câu thơ dưới vẽ nên một hình ảnh đầy ám ảnh: Đôi bàn tay xòe ra trước ngọn lửa nhỏ, như một hành động quen thuộc để sưởi ấm.
Nhưng hai chữ “xòe vay” khiến hình ảnh ấy trở nên sâu sắc hơn rất nhiều. “Xòe” là động tác mở rộng bàn tay, nhưng không chỉ để đón hơi ấm mà còn như một sự mong mỏi, chờ đợi. “Vay” - một động từ gợi lên cảm giác thiếu thốn, chấp nhận sự ban phát. Phải chăng đôi tay ấy không chỉ đang vay mượn chút hơi ấm từ ngọn lửa mà còn đang vay mượn một chút tình thương từ cuộc đời.
Cái “xòe vay” ấy không chỉ là một hành động mà còn là một lời nhắn nhủ đầy khẩn thiết, như một tín hiệu mong manh giữa phố thị vô tình. Câu thơ không chỉ diễn tả nỗi cơ cực mà còn thức tỉnh lòng trắc ẩn của mỗi chúng ta: liệu giữa dòng đời tất bật, ta có đủ bao dung để san sẻ một chút hơi ấm cho những mảnh đời bất hạnh?
Lời thơ lục bát nhẹ nhàng sâu lắng mà chạm đến trai tim, thức tỉnh lòng trắc ẩn của con người. Sự thức tỉnh ấy đọng lại trong câu thơ kết nhiều xót xa, trăn trở: “Thủ đô mưa lạnh buốt trời/ May còn đống lá sưởi người xa quê”. Một đô thị hiện đại, giàu có, lộng lẫy ánh đèn, nhưng đâu đó vẫn có những phận đời co ro trong giá rét, những con người phải “sưởi” bằng những đống lá nhặt nhạnh ven đường.
Họ không chỉ thiếu hơi ấm vật chất, mà còn thiếu hơi ấm từ lòng người. Câu thơ khiến ta giật mình tự hỏi: Liệu có phải xã hội ngày càng phát triển thì con người càng xa cách, càng ít quan tâm đến những số phận nghèo khổ xung quanh? Không ai có thể chọn nơi mình sinh ra, nhưng ai cũng mong được sống trong sự sẻ chia, đùm bọc.
Đừng để những con người xa quê chỉ còn biết sưởi bằng đống lá tạm bợ! Đừng để hơi ấm duy nhất họ có được là từ những đốm lửa leo lét trên vỉa hè! Hai câu thơ cuối như một lời nhắc nhở đầy nhân văn: Hãy mở rộng lòng mình, hãy để đô thị không chỉ ấm lên bởi ánh đèn rực rỡ, mà còn bởi hơi ấm của tình người.
Nét đặc sắc về nghệ thuật
Bài thơ Chợ người đốt lửa hơ tay của Nguyễn Thị Mai không chỉ lay động trái tim người đọc bằng nội dung đầy xót xa mà còn ghi dấu ấn sâu sắc nhờ những đặc sắc nghệ thuật tinh tế. Cấu tứ bài thơ chặt chẽ, dẫn dắt từ hiện thực đến cảm xúc, từ cái lạnh giá của thời tiết đến cái lạnh của lòng người, từ sự mong mỏi đến nỗi xót xa và cuối cùng khép lại bằng chút hơi ấm mong manh.
Đặc biệt, thể thơ lục bát được sử dụng nhuần nhị, phù hợp để diễn tả những nỗi niềm thầm lặng của người lao động nghèo. Nhịp thơ linh hoạt: Khi chậm rãi, trĩu nặng như sự chờ đợi mỏi mòn (Mặt chờ từ sớm tinh mơ), khi lại gấp gáp, hối hả như nỗi lo toan cơm áo (Lao ra run cả bóng hình co ro). Nghệ thuật đối lập được khai thác đầy ấn tượng: Giữa cái rét cắt da và sự thờ ơ của lòng người, giữa nhịp sống phố thị hối hả và những kiếp người lạc lõng, bấp bênh.
Giọng thơ trầm buồn, xót xa nhưng không bi lụy, mà thấm đượm sự ấm áp của cái nhìn nhân văn. Những yếu tố nghệ thuật ấy hòa quyện, làm nên một bài thơ giản dị mà sâu lắng, khiến người đọc không khỏi chạnh lòng, xót xa và suy ngẫm về những phận đời lẻ loi giữa chốn phồn hoa.
Có thể nói, Chợ người đốt lửa hơ tay là một bài thơ thấm đượm tính nhân văn, vừa phản ánh chân thực hiện thực cuộc sống, vừa chạm đến tận cùng cảm xúc của người đọc. Những hình ảnh giàu sức gợi không chỉ khắc họa nỗi cơ cực của những phận đời nghèo khổ mà còn đánh thức trong ta lòng trắc ẩn, sự đồng cảm trước những mảnh đời lầm lũi mưu sinh. Đọc bài thơ, ta không chỉ xót xa trước cảnh người lao động co ro giữa phố thị lạnh lùng, mà còn lắng lại trong những suy tư về tình thương, về sự sẻ chia trong một thế giới đôi khi còn đó sự thờ ơ vô tình.
Nhà thơ Nguyễn Thị Mai, sinh năm 1955, tại Gia Lâm, Hà Nội. Bà là thạc sĩ văn học với hơn 30 năm giảng dạy ở bậc cao đẳng và đại học. Bà hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội, đồng thời là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Được biết đến như một trong những nhà thơ nữ tiêu biểu của nền thơ ca Việt Nam, Nguyễn Thị Mai đã xuất bản 16 tập thơ, 5 tập truyện và phê bình văn học. Bà cũng vinh dự nhận 15 giải thưởng thơ từ các tổ chức văn nghệ uy tín như Báo Văn nghệ, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Tạp chí Văn nghệ Quân đội…