Trong hội thảo giáo dục "Trưng Vương hội nhập và phát triển" diễn ra hôm nay (29/9), vấn đề này đã được Trường THCS Trưng Vương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) - một trong những đơn vị đi đầu tại Hà Nội trong việc đưa STEM vào giảng dạy - cùng các trường đối tác ở trong nước và nước ngoài chia sẻ dưới các góc độ, đặc biệt là những kinh nhiệm quý trong quá trình triển khai thực tiễn.
Khó nhất của STEM là tìm vấn đề
Đây là nhận định của TS Nguyễn Thành Nam - Hiệu trưởng Trường ĐH trực tuyến FUNiX - khi chia sẻ về STEM. Cho rằng, bản chất STEM là giải quyết các vấn đề thực tế, theo TS Nguyễn Thành Nam, hiện nay chúng ta quen đưa ra những vấn đề lớn mà quên các vấn đề nhỏ nhưng lại cần thiết - chẳng hạn việc nên kê bàn ghế trong lớp học như thế nào...
"Không giống các nước phát triển, tiềm năng tìm vấn đề để học sinh Việt Nam giải quyết là rất lớn. Ví dụ, học sinh thành phố có thể thực hiện "bài toán" đếm người đi qua một ngã tư - giải quyết câu hỏi làm thế nào để thực hiện điều này cũng là bài toán STEM rất hay.
Thực tế, nếu bài toán rõ ràng thì càng ít nguồn lực càng sáng tạo" - TS Nguyễn Thành Nam chia sẻ.
Đại diện trường Raffles (Singapore), khi nói đến khó khăn của STEM đã nhắc đến việc khó nắm bắt và thích nghi với các khái niệm mới của học sinh; khó khăn trong chuẩn bị bài học cũng như thực hiện nó trong lớp học do thời gian, không gian và năng lực người học còn hạn chế của giáo viên...
Theo đại diện trường này, một trong những yêu cầu để thực hiện tốt STEM là các giáo viên cần cập nhật các xu hướng công nghệ mới nhất, vượt quá yêu cầu của giáo trình để giới thiệu bài học STEM hiệu quả; đồng thời, cần tháo vát và sử dụng các tài liệu dễ tiếp cận để thực hiện các thách thức STEM...
Trao đổi về STEM dưới góc nhìn của bang Victoria (Úc), bà Michele Heintze (Trường Wodonga) cho biết, giáo dục STEM được thấy xuyên suốt ở chương trình học trong hệ thống giáo dục 12 bậc ở Victoria.
Chương trình học áp dụng giáo dục STEM theo 3 cách: Kiến thức cụ thể từng môn; quy trình (ví dụ: thiết kế quy trình hoặc quy trình đặt câu hỏi nghiên cứu mang tính khoa học); khả năng đưa ra yêu cầu cao (ví dụ: tư duy phản biện, sáng tạo).
"Có thể nói, STEM đóng vai trò quan trọng trong phát triển tương lai của thế hệ trẻ nói riêng và cả cộng đồng nói chung. Chúng tôi lấy thất bại là cơ hội để học làm trung tâm của việc phát triển và tỏa sáng trong giáo dục STEM. Cùng với đó là việc đặt sự hỗ trợ hiệu quả, đúng chỗ và giúp học sinh phát triển kĩ năng tư duy. Đồng thời, cho người học sự hỗ trợ từ việc giải thích rõ ràng các kiến thức cần học" - bà Michele Heintze nêu kinh nghiệm.
Cô Trần Thị Thanh Thảo chia sẻ tại hội thảo "Trưng Vương hội nhập và phát triển" |
Hiệu quả bước đầu từ STEM
Cô Trần Thị Thanh Thảo - Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương - cho biết: Với khát vọng học sinh sẽ ngày càng chủ động hơn trong học tập, có tư duy làm việc một cách khoa học, hiệu quả và tối ưu nhất; có thời gian để phát huy trí tưởng tượng, óc sáng tạo đồng thời phát triển các kỹ năng mềm cần thiết cho chủ nhân tương lai của đất nước, Trường THCS Trưng Vương đã từng bước khuyến khích các thầy cô giáo đưa STEM vào giảng dạy.
Năm 2012, một số giáo viên của trường đã sáng tạo đưa các hoạt động trải nghiệm lồng ghép vào các giờ dạy; thông qua các hoạt động trải nghiệm, những học sinh có sự đam mê nghiên cứu, tìm tòi và sáng tạo được giáo viên hướng dẫn thêm. Do vậy câu lạc bộ STEM được hình thành với khoảng 50 học sinh thời gian đầu.
Kết quả nhận được khi thực hiện giáo dục học sinh thông qua trải nghiệm là số lượng các sản phẩm giáo viên và học sinh làm ngày càng tăng và có tính ứng dụng cao, CLB dần thu hút thêm giáo viên và học sinh tham gia.
Chia sẻ của cô Mạc Thị Thanh Bình – Chủ tịch công đoàn Trường THCS Trưng Vương - có nhiều lợi ích mà giáo viên và học sinh nhận được trong quá trình triển khai thực hiện giáo dục STEM trong nhà trường.
Theo đó, giáo viên có nhiều bộ đồ dùng dạy học phục vụ các môn học; nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực tự nghiên cứu, tự học, tự bồi dưỡng. Các kỳ thi giáo viên dạy giỏi được đánh giá cao bởi các hoạt động trải nghiệm được tổ chức cùng với những bộ đồ dùng dạy học tự làm hiệu quả.
Với học sinh, các em tự tin khi tham gia trải nghiệm, sáng tạo trong các cuộc thi; đồng thời rèn luyện được nhiều kĩ năng cần thiết.
"Năm thứ 3 triển khai STEM, chúng tôi có 600 học sinh tham gia với 950 sản phẩm. Chúng tôi tự hào vì trên 100 học sinh của trường đã được Cục Sở hữu trí tuệ đã phát bằng chứng chỉ" - cô Mạc Thị Thanh Bình cho hay.