Bài học từ phiên tòa giả định về bạo hành trẻ em

GD&TĐ - Nhằm tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho giáo viên mầm non (GVMN) trên địa bàn quận, mới đây Phòng GD&ĐT quận Tân Phú, TPHCM cùng Tòa án Nhân dân (TAND) quận phối hợp cùng Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM đã tổ chức phiên tòa giả định về vụ án hành hạ trẻ em tại một nhóm trẻ tư thục. Theo các GV, đây là phiên tòa rất bổ ích, mang tính thời sự và có ý nghĩa rất lớn để tuyên truyền, giáo dục pháp luật.

Bài học từ phiên tòa giả định về bạo hành trẻ em

Khi lần đầu tiên được dự một phiên tòa

Phiên tòa xét xử nội dung vụ án xoay quanh câu chuyện của hai bảo mẫu ở một trường mầm non tự phát trên địa bàn quận Tân Phú có hành động bạo hành trẻ. Do trong lớp có một số bé biếng ăn, thay vì dỗ dành trẻ, hai bảo mẫu đã liên tục dùng bạo lực để ép trẻ ăn. Hai người này liên tục đánh đập, tát vào người, nhấn đầu các bé nhỏ vào thùng nước dọa nạt, bóp cổ. Những hành động tàn bạo của hai bảo mẫu đã được người hàng xóm phát hiện, quay video lại để tố giác với cơ quan chức năng. Đây là nội dung dựa trên một phiên tòa đã từng diễn ra tại TPHCM được Chi hội Luật sư bảo vệ quyền trẻ em TP HCM biên tập lại.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát (VKS) đề nghị xử phạt bị cáo ba năm tù giam về tội hành hạ người khác đồng thời buộc bị cáo bồi thường cho gia đình bị hại, mỗi hộ 20.000.000 đồng.

Luật sư bào chữa cho bị cáo cho biết mức án VKS đưa ra là mức án cao nhất của khung hình phạt. Trong khi các bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ tội như thành khẩn khai báo, phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng nên đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) giảm nhẹ. Còn về phần dân sự, yêu cầu bồi thường về tinh thần, thu nhập quá cao, đề nghị HĐXX giảm nhẹ.

HĐXX nhận định hành vi của các bị cáo gây nguy hiểm cho xã hội, xâm hại đến quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em. Mặc dù, các bị cáo có những tình tiết giảm nhẹ như ăn năn hối cải nhưng xét về hậu quả mà các bị cáo gây ra ảnh hưởng đến tinh thần, thể chất của các cháu. Vì thế, HĐXX quyết định xử phạt hai bị cáo ba năm tù giam, buộc hai bị cáo phải bồi thường cho bị hại mỗi người 20.000.000 đồng.

Tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở mầm non

Tham dự phiên tòa giả định, cô Nguyễn Thị Hà, nhóm lớp Mẫu giáo Thúy Quỳnh cho hay, từ trước tới nay trên địa bàn quận luôn tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên cho GVMN về chuyên môn và có nhiều buổi tuyên truyền về pháp luật cũng như đạo đức nghề nghiệp cho các GV và phiên tòa giả định này cũng là cách làm rất mới, sinh động và hiệu quả.

Ở một góc độ khác, cô Nguyễn Thị Ngọc Thanh, Trường Mầm non Phượng Hồng, cho hay từ sự việc bạo hành tại cơ sở Mầm Xanh, nhiều GVMN làm nghề chân chính đã bị ảnh hưởng, cho nên rất cần một cơ chế để bảo vệ GVMN chứ không thể vì một sự việc như vậy mà xã hội lại có các nhìn tiêu cực đến công việc của GVMN.

Chia sẻ tại phiên tòa, bà Trương Hồng Phượng, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Phú, cho biết, sau sự việc ở Mầm Xanh, trên địa bàn quận đã diễn ra đợt tổng kiểm tra tất cả các trường từ công lập, ngoài công lập đến các nhóm trẻ gia đình. Đặc biệt, Phòng đã phối hợp với tòa án quận tổ chức phiên tòa giả định với mục đích tuyên truyền pháp luật đến GVMN trong quận. Pháp luật sẽ xử lý nghiêm minh, đúng người đúng tội những hành vi bạo hành trẻ em. Phiên tòa cũng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả những người đang làm nghề, sẽ làm nghề này. “Tại quận Tân Phú, tất cả các cơ sở đều được cấp phép, bên cạnh đó Phòng còn phối hợp với UBND phường, tổ chức đoàn thể để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những đơn vị không có phép hoạt động trên địa bàn. Cấp phép nghiêm túc, kiểm tra thường xuyên sẽ hạn chế được tình trạng bạo lực”.

Tham dự phiên tòa, hơn 300 GVMN rất bất ngờ với việc nhập vai của các luật sư cũng như đầy thú vị vì lần đầu tiên được dự một phiên tòa. Bên cạnh đó, nhiều giáo viên cũng đã có những trao đổi, những băn khoăn gửi đến các luật sư để được giải đáp rõ hơn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.