Bài học từ nghị lực tuyệt vời và trái tim nhân hậu

GD&TĐ - Người dân hai phường Phú Hiệp, Phú Cát - TP Huế không ai là không biết cô giáo La Thị Xuân Lộc ở tại số nhà 12/376 đường Bạch Đằng, phường Phú Hiệp, TP Huế.

Bài học từ nghị lực tuyệt vời và trái tim nhân hậu

Cô từng công tác nhiều năm ở Trường THCS Nguyễn Du, sau này chia tách, cô chuyển về Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm. Một cô giáo dạy Ngữ văn có dáng người cân đối, nước da trắng hồng, chất giọng ngọt ngào truyền cảm.

Với năng lực chuyên môn vững vàng và sự đam mê, tâm huyết, tận tụy trong công tác, trong gần ba mươi năm đi dạy, cô luôn được học sinh và đồng nghiệp quý mến. Trong các tiết lên lớp, cô luôn có sự đổi mới phương pháp nhằm nâng cao hiệu quả giờ dạy, tạo hứng thú học tập cho học sinh. Dù trước năm 2000, công nghệ thông tin chưa được đưa vào khai thác, phát triển ứng dụng rộng rãi trong dạy học nhưng mọi tiết dạy của cô đều có sự sáng tạo, học sinh rất yêu thích. Từ bảng phụ, phiếu bài tập viết bằng tay đến các tranh ảnh minh họa được cô sưu tầm, photo từ các trang báo, trang sách để giúp học sinh có cái nhìn trực quan sinh động. Bằng nỗ lực của mình, năm học 1999 - 2000, cô đã đạt giải Nhất Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp thành phố do Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Huế tổ chức. Trong nhiều năm liền, cô được trao tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Cô chia sẻ “Bất kì nhiệm vụ gì được phân công, dù khó khăn đến đâu cô cũng luôn cố gắng hết mình để hoàn thành tốt”.

Thế nhưng, cuộc sống không phải lúc nào cũng tươi đẹp, bằng phẳng, suôn sẻ để cứ thế chúng ta an nhiên, tự tại, vui sống, làm việc. Nó luôn hàm chứa những điều không bao giờ chúng ta ngờ tới được. Khi tuổi đời, tuổi nghề đang ở độ chín viên mãn, trong một lần đi kiểm tra sức khỏe, cô được bác sĩ báo đã mắc đến hai bệnh ung thư giai đoạn cuối: Ung thư buồng trứng và ung thư tử cung. Trong giây phút nghe tin sét đánh ấy, cả bản thân cô và gia đình đều sụp đổ, gần như tuyệt vọng.

Nhưng vài ngày sau, cô đã tĩnh tâm lại, vui vẻ, lạc quan đối diện với sự thật. Lúc này, chính cô lại động viên, làm công tác tư tưởng cho cả đại gia đình nội ngoại hai bên và cả bạn bè, học sinh. Cô tâm niệm: “Tươi héo nhờ trời, sống chết có số; nay trong người đã không may mắc căn bệnh hiểm nghèo, ở hay đi chỉ là chuyện thời gian ngắn hay dài. Thôi thì cứ sống vui, sống có ích, để những năm tháng còn lại của cuộc đời thêm ý nghĩa. Sống chết an lành, mọi sự tùy duyên, chẳng có gì phải đau buồn, suy sụp hay lo sợ”.

Cô mạnh mẽ, dũng cảm đương đầu với bệnh tật. Cuối năm 2011 cô phải cắt bỏ tử cung và buồng trứng. Một năm sau, khối u di căn vào xương tứ chi và cột sống. Cô lại tiếp tục chống chọi. Nhưng có lẽ điều làm cô buồn hơn cả vào thời gian này là giây phút chia tay trường lớp cùng đồng nghiệp và học trò thân thương.

Cô tâm sự “Nếu mình tiếp tục đứng lớp mà lỡ lên cơn đau lại truyền đạt không đến nơi đến chốn nội dung bài học cho học sinh lại càng mang tội”. Giã từ bục giảng, cô chuyên tâm vào điều trị, nào tia laze, nào truyền hóa chất để diệt những khối u ở xương. Tưởng chừng sức khỏe tạm ổn. Thế nhưng phủ phàng thay, lần tái khám tiếp theo bác sĩ lại xót xa, ái ngại báo tin cô đã bị di căn lên vú. Cô lại thêm một lần gồng mình lên chống chọi. Sau bao đợt hóa trị nhưng cuối cùng buộc phải thêm cuộc đại phẫu cắt bỏ đi cả hai vú. Còn gì đau đớn bằng?

Ngót nghét đã sáu năm trôi qua, cô vẫn sống chung với căn bệnh hiểm nghèo, ngày ngày điềm nhiên với những nỗi đau nhức hành hạ thân xác. Hai lần đại phẫu, mười đợt vào hóa chất, năm mươi lần tia laze. Lần nào người cô cũng xanh xao, tiều tụy, gầy yếu, tóc rụng. Cô phải uống thuốc liều mạnh mà không hề ăn uống gì được, bởi ăn vào lại nôn ra… Cô nói: “Đau đớn kinh khủng như địa ngục trần gian, có lúc muốn buông tay bỏ cuộc. Nhưng nghĩ đến chồng con, mọi người luôn bên cạnh yêu thương, săn sóc nên cô cố gắng”. Điều đáng nói, dù đau yếu như vậy nhưng ánh mắt cô lúc nào cũng trong xanh, rạng ngời, mạnh mẽ; nụ cười luôn tươi thắm khiến đội ngũ y bác sĩ, gia đình, đồng nghiệp, học trò… đến chăm sóc, thăm hỏi vừa xót thương vừa khâm phục ý chí cứng cỏi và nghị lực phi thường của cô.

Từ khi sống chung với bệnh tật, điều an ủi lớn nhất với cô là tìm thấy an vui khi việc thiện. Cô sống nhẹ nhàng, vui vẻ, an lạc, yêu thương tất cả, còn mọi sự cứ tùy duyên. Cô kêu gọi mọi người cùng chung sức làm công tác thiện nguyện. Dân nghèo, các em có hoàn cảnh khó khăn học giỏi, những người cùng cảnh ngộ ở khoa Ung bướu BVT.Ư Huế, người lâm hoạn nạn… là những đối tượng cô quan tâm, giúp đỡ về cả vật chất lẫn tinh thần. Phần quà khi bằng tiền mặt, khi mười kilogam gạo, khi vài chai dầu ăn, đường, bột ngọt…

Những người nhận quà của cô trao vừa biết ơn vừa xúc động chảy nước mắt. Bởi cô không chỉ trao cho họ món quà vật chất mà cô còn trao cả món quà về niềm tin, nghị lực sống cho họ. Cô quên đi những nỗi đau dày vò thân xác mình mà lo cho người khác. Suốt sáu năm cô chống chọi với bệnh tật không biết bao hoàn cảnh đã được cô chia sẻ, tiếp sức. Có khi đang nằm điều trị, cô cũng phụ giúp kinh phí thuốc thang, ăn uống cho các bệnh nhân nghèo cùng phòng bệnh, vì vậy cả đội ngũ khoa Ung bướu BVT.Ư Huế từ trưởng khoa đến y bác sĩ ai cũng quý mến cô. Có khi buổi sáng cô vào truyền hóa chất, buổi chiều cô đi làm từ thiện. Khi khỏe hơn cô ra tận Hải Lăng, Quảng Trị cùng ăn chay, niệm phật với đạo tràng hội người mù ở đây và cô đã trao tặng ba máy làm hương cho hội có phương tiện làm ăn sinh sống. Cô nói: “Cho đi là nhận lại, cho đi là còn mãi, nhìn nụ cười của những người kém may mắn, cô rất hạnh phúc, cuộc sống cứ thế ngày càng thêm ý nghĩa”.

Đặc biệt, xuất phát từ tâm nguyện, cuối năm 2015, cô đã kêu gọi gia đình, xóm giềng, bạn bè, đồng nghiệp, học sinh cũ giúp đỡ để tu sửa, xây dựng lại chùa làng Thế Long ở 370 đường Bạch Đằng, ngôi chùa đã bốn mươi năm nay bỏ hoang để làm niệm phật đường cho các phật tử của làng có nơi tu niệm. Việc làm của cô được nhiều người thân quen trên mọi miền Tổ quốc biết đến, họ rất cảm kích và ủng hộ nhiệt tình - đó là nguồn động viên rất lớn tiếp thêm sức mạnh cho cô làm việc thiện nghĩa. Và ở tại ngôi chùa này, những bữa chay thanh đạm, những đợt phát quà cho người nghèo diễn ra thường xuyên trong tiếng cười vui của bao người khi được cho và nhận.

Hôm nay, trở về thăm cô, thấy cô vẫn khỏe mạnh, vẫn luôn vui cười, vẫn làm việc thiện tôi không khỏi xúc động, cảm phục. Dù cô không còn đứng trên bục giảng, nhưng nghị lực phi thường, ý chí mạnh mẽ, tinh thần thép để chiến thắng bệnh tật và trái tim nhân hậu của cô mãi mãi là tấm gương tỏa sáng, mãi mãi là bài học làm người vô giá cho các thế hệ học sinh, cho mọi người noi theo. Nghĩ về cô, trong tôi lúc nào cũng nghe du dương câu hát của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mà cô hay ngân nga mỗi ngày: “Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng…”.

Kim Long, 24/9/2017

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ