Theo cô Đào Thị Hương, trao và nhận lì xì ngày Tết không chỉ là một truyền thống, mà còn là bài học sâu sắc về lòng biết ơn và kỹ năng quản lý tài chính.
Lì xì không chỉ là một khoản tiền, một món quà may mắn đầu năm, kèm theo những lời chúc tốt đẹp, hạnh phúc trong năm mới, mà còn là sự chia sẻ, niềm vui và tình cảm từ người gửi.
Khi con trẻ nhận lì xì, nên được hướng dẫn cách biểu lộ lòng biết ơn và sự trân trọng đối với món quà đó.
Chia sẻ kinh nghiệm giúp trẻ có được bài học từ phong tục lì xì ngày Tết, cô Đào Thị Hương cho rằng, cùng với việc giải thích về lòng biết ơn, thầy cô có những tiết học chuyên đề, lồng ghép, để thảo luận với học sinh về giá trị của đồng tiền và cách sử dụng tiền một cách có trách nhiệm.
Thông qua các giờ học về kỹ năng, các tiết báo cáo đọc sách, thầy cô cùng học sinh tổ chức các hoạt động thực tế, như việc tạo lịch sử chi tiêu cho một khoản tiền giả định.
Qua đó, học sinh sẽ học được cách lập kế hoạch chi tiêu, ưu tiên những mục đích quan trọng, và hình thành tư duy tài chính cá nhân cơ bản, biết sử dụng tiền lì xì vào việc có ý nghĩa trong cuộc sống.
Đồng thời, thầy cô cũng định hướng và giáo dục học sinh về tinh thần trách nhiệm xã hội, đóng góp một phần nhỏ bé vào hoạt động cộng đồng như: nuôi lợn đất, quyên góp mua sách tặng dự án thư viện vùng cao, vở mới đến trường….
Những trải nghiệm này có thể góp phần vào việc xây dựng tính cách, đạo đức của học sinh, học được giá trị của việc chia sẻ, giúp đỡ người khác và làm điều tích cực cho xã hội.
“Tóm lại, việc sử dụng ý nghĩa tiền lì xì Tết không chỉ mang lại giá trị về mặt tài chính mà còn giúp học sinh phát triển những kỹ năng sống và giá trị xã hội quan trọng trong cuộc sống”, cô Đào Thị Hương cho hay.