Bài học lớn về “cái tôi“

GD&TĐ - Trong 20 em học sinh nam của lớp 9A tôi chủ nhiệm, tự dưng tôi không mấy thiện cảm với T. Trong khi cả lớp, em nào cũng có mặt trước giờ vào học, ăn mặc chỉnh tề, sách vở đầy đủ thì T hôm muộn 5 phút, hôm muộn 15 phút. Áo quần ít khi nào thẳng thớm nếu không nói là luộm thuộm…

Thầy trò Trường TH-THCS Phước Thành - Quảng Nam
Thầy trò Trường TH-THCS Phước Thành - Quảng Nam

Tổ trực ghi nhận, phê bình T trong giờ sinh hoạt. Tôi cũng gọi em nhắc nhở không ít lần nhưng em chỉ gật đầu ư à cho qua chuyện.

Mấy tuần sau ngày khai giảng trôi qua, tên của T xuất hiện thường trong sổ ghi chép học sinh đi muộn. Bên cạnh đó, T cũng vướng vào khuyết điểm là đồng phục, tác phong chưa đúng. Lớp vì thế bị trừ điểm thi đua hàng tuần, thứ bậc bị ảnh hưởng. Mỗi lần dự chào cờ đầu tuần, tôi rất bực khi lớp bị nhắc nhở vì có học sinh vi phạm thường xuyên mà lỗi ấy đâu có gì khó khắc phục. Thế là tôi bắt đầu việc trừng trị em để làm gương cho cả lớp và cũng để cho ban giám hiệu nhà trường thấy năng lực trong công tác chủ nhiệm của tôi không hề sút giảm.

Tôi xem lại lý lịch cá nhân T thì thấy không có gì lạ. Vẫn đủ cha mẹ và sống cùng một nhà. Tiết sinh hoạt chủ nhiệm cuối tuần, tôi gọi T lên phê bình trước lớp vì lỗi đi muộn và nhắc cần ăn mặc cho chỉnh tề. T đứng yên không phản ứng gì. Tôi thấy khoan khoái trong lòng. Tôi rồi cũng sẽ khuất phục được T.

Mấy tuần sau, T vẫn có tên trong sổ ghi chép học sinh vi phạm. Tình hình còn xấu hơn khi giáo viên bộ môn không hài lòng về việc học của em. Khi thì không thuộc bài, khi thì không làm bài tập về nhà. Ngay cả môn tôi dạy em chỉ đạt mức trung bình. Tôi thông báo sẽ phạt nếu T tiếp tục vi phạm những lỗi đã được nhắc từ đầu năm. Rồi mức độ phạt của tôi tăng dần. Thoạt đầu là phê bình, tiếp theo là đứng suốt tiết sinh hoạt, mức phạt tăng lên là đứng úp mặt vào tường, đứng học ngoài cửa lớp, không được ngồi chung cùng các bạn cho đến hết tiết, phải đi nhặt rác trong sân trường, phê bình trước toàn trường… Nhưng chỉ được vài hôm T lại lặp lại khuyết điểm. Tôi bực bội vô cùng.

Thời khóa biểu có thay đổi, tiết tôi dạy lớp T được xếp đầu tiên trong ngày. Hôm đó, tôi đến lớp sớm hơn thường lệ, lòng suy nghĩ phải xử tới nơi, tới chốn không chấp nhận một học sinh như T được nữa. Quả nhiên giờ tập trung vào lớp, T không có mặt. Khi trống điểm lên ba tiếng báo hiệu giờ học mới thấy T chạy ào vào lớp. Tôi thấy khuôn mặt em đỏ bừng, hơi thở đứt quãng chắc lại phải vội vàng lắm đây. Sự bực tức trong tôi lên cao khi thấy áo của T đứt mất một cúc trên lại nhăn nhúm, nhìn vào rất khó chịu cứ như T học đòi làm giang hồ vậy. Không cho T có một lời giải thích, tôi quát lớn:

- Giờ giấc như vậy, ăn mặc như vậy mà học hành gì. Em đi về đi! Đừng tới lớp nữa!

T thảng thốt nhìn tôi như không tin bị thầy đuổi khỏi lớp. T cúi đầu rồi ngước mắt nhìn tôi. Thật lòng tôi mong một lời xin lỗi, một cử chỉ van lơn của T. Nhưng không có gì cả. Tôi giận sôi lên. T lùi dần ra cửa rồi chạy xuống lầu. Tiếng chân em nhỏ dần.

Những ngày sau đó, T không đến lớp nữa. Tôi ban đầu hả hê vì đã trừng phạt được T, nhưng càng về sau càng thấy khó chịu trong lòng. Chẳng lẽ tôi làm sai?

Hết một tuần, lớp trưởng vẫn báo cáo T không đi học. Tôi tự xét lại quyết định của mình và tìm đến nhà T. Thấy cửa nhà khóa chặt, tôi qua nhà kề bên hỏi chuyện. Biết tôi là thầy của T, hàng xóm cho biết cuộc sống gia đình em có nhiều khó khăn. Cha làm thuê có khi mấy ngày mới về. Mẹ T phát bệnh tâm thần mấy năm gần đây, chạy chữa mãi mà không thuyên giảm. Gia đình không có đủ tiền để đóng nếu gởi mẹ em vào bệnh viện tâm thần điều trị dài ngày. Tệ hơn nữa là mấy tháng gần đây, mẹ T hay bỏ nhà đi lang thang không biết đường về, nói chi là ăn uống. T là đứa bé đáng khen, vừa chăm mẹ, vừa chăm em mà vẫn đến trường, quyết không bỏ học.

Tôi thấy xót xa trong lòng. Những hình phạt tôi dành cho em không có căn cứ nào. Tất cả chỉ để thỏa mãn tự ái của người thầy mà thôi.

Chợt T đạp xe về. Nhìn thấy tôi, T tần ngần giây phút mà không nói gì. Tôi bảo:

- Thầy tới thăm em. Thôi vào nhà nhé!

T hỏi:

- Thầy đuổi học em rồi, thầy tới làm chi?

Tôi nghe giọng em có gì tủi thân. Chưa kịp trả lời, tôi nhìn thấy hình thù một con người đang nằm trong góc giường cạnh bức vách đang nhúc nhích. Rồi con người đó giở tấm chăn, ngồi lên, nhìn tôi cười ngây ngô. Tôi giật mình.

- Mẹ em đó. Thầy đừng sợ. Mẹ hiền lắm không làm gì đâu.

Tôi nhìn kỹ thấy một sợi dây xích khóa chặt cổ chân mẹ T vào chân giường. T giải thích:

- Biết là làm đau mẹ. Nhưng không xích lại, mẹ đi lang thang. Xung quanh toàn sông nước, lỡ có gì…, nên cha bảo làm vậy để em còn đi học.

Tôi thấy nao nao trong lòng. Tôi hỏi:

- Cảnh nhà như vậy, em tính toán sao?

- Ít ngày cha đưa tiền một lần, em tự lo cơm nước, chăm mẹ, chăm em rồi mới đi học.

- Vậy đây là lý do em hay đi muộn phải không?

- Em cũng đâu muốn thầy ơi! Sáng lo vệ sinh, ăn uống cho mẹ, cho em mất cả giờ đồng hồ. Ngày nào có cha thì khá hơn một chút.

Tôi hiểu ra vì sao T đi muộn, vì sao áo quần không thể tươm tất như các bạn, vì sao vào lớp học mà em lo ra, vì sao không thể hoàn thành bài tập ở nhà để thầy cô hài lòng. Và còn nhiều lý do nữa.

Vỗ nhẹ bàn tay lên vai T, tôi nói:

- Thầy xin lỗi vì đã phạt nhiều lần và đuổi em ra khỏi lớp. Thầy thật chưa hiểu hoàn cảnh gia đình em. Ngày mai em đi học lại nhé. Các bạn luôn đón chờ em.

T băn khoăn:

- Em cũng muốn đi học lắm nhưng…

- Đừng lo. Thầy sẽ báo với nhà trường liên hệ địa phương giúp mẹ em điều trị. Những khó khăn khác đoàn thể nhà trường sẽ giúp em.

Ngày T trở lại trường, tôi vui lắm. Dẫu rằng không dễ xóa mờ lỗi lầm của một người thầy nhưng tự an ủi: dù muộn có hơn không.

Cô Tổng phụ trách đơm lại từng chiếc cúc áo cho T. Các thầy cô khác hướng dẫn T lấy lại căn bản các môn học. T thay đổi thấy rõ. Ánh mắt T không còn u uất như trước. Em cho biết nhờ địa phương giúp đỡ, mẹ em có điều kiện chữa trị, bệnh đã giảm nhiều. Bác sĩ nói có nhiều cơ hội hồi phục. Cha cũng đã tháo xích cho mẹ rồi. Em đi học yên tâm hơn.

Nếu tôi thỏa mãn với sự trừng phạt T, không tìm đến nhà T có lẽ cuộc đời T đã rẻ sang một hướng khác, do tôi - một người thầy - đã quên mất rằng trừng phạt một học sinh bằng cách đuổi em ra khỏi lớp không thể là một cách giáo dục tốt. Hình phạt vẫn tồn tại trong nhà trường nhưng phạt như thế nào để học sinh có điều kiện sửa chữa, tiến bộ, có sự quan tâm của thầy cô chứ không phải phạt là trút hết giận ghét lên học sinh của mình.

Sai lầm này tôi mãi không quên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Loài khỉ Jigokudani ngâm mình trong nước nóng vào mùa Đông.

Động vật tránh rét như thế nào?

GD&TĐ - Đào hang, tắm suối nước nóng, 'sống chậm' là những cách giúp các loài động vật chống chọi với cái rét khắc nghiệt trong tự nhiên.

Công ty TNHH DIGI TEXX Việt Nam ký kết Biên bản ghi nhớ với các Trung tâm GDNN - GDTX trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Ảnh: CTV

Trung tâm GDTX - GDNN: Vực dậy cách nào?

GD&TĐ - Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo… là những giải pháp căn cơ để các trung tâm GD nghề nghiệp - GD thường xuyên tồn tại và phát triển bền vững.

Rashford công khai đòi rời Man Utd

Rashford công khai đòi rời Man Utd

GD&TĐ - Marcus Rashford tuyên bố "sẵn sàng cho thử thách mới" sau khi bị gạch tên khỏi trận Man Utd thắng Man City 2-1 ở vòng 16 Ngoại hạng Anh.