Bài học đắt giá về xử lý tình huống ứng xử sư phạm

Bài học đắt giá về xử lý tình huống ứng xử sư phạm

(GD&TĐ) - Sáng ngày 16/10, tại Trường THPT Trần Kỳ Phong huyện Bình Sơn-Quảng Ngãi đã xảy ra vụ việc gây bàng hoàng trong giáo viên và học sinh và làm xôn xao dư luận: Em Trần Thị Thế Y –HS lớp 11B1 trong giờ học môn Sinh học đã cắt gân tay vì bức xúc với cô giáo bộ môn Nguyễn Thị Em.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT Quảng Ngãi họp báo về vụ việc tại Trường THPT Trần Kỳ Phong ngày 17/10
Lãnh đạo Sở GD-ĐT Quảng Ngãi họp báo về vụ việc tại Trường THPT Trần Kỳ Phong ngày 17/10

Ngày 17/10, Lãnh đạo Sở GD&ĐT cùng Ban giám hiệu Trường THPT Trần Kỳ Phong đã có buổi họp báo với phóng viên báo chí trên địa bàn. Qua tóm tắt các giải trình của cô giáo Nguyễn Thị Em, ý kiến của cán bộ lớp 11B1 và nữ sinh cắt gân tay (hiện đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Bình Sơn), vào tiết thứ 3 sáng 16/10, khi cô Em thông báo kiểm tra bài cũ thì phía dưới lớp em Y. đứng lên xin được phát biểu. Cô quay xuống lớp nói “lớp trưởng đâu?” và nói với lớp trưởng cùng cả lớp là: “Từ nay về sau, nếu các em có chuyện riêng tư cần tư vấn giáo dục thì nên gặp thầy Linh - giáo viên chủ nhiệm”. Sau đó, cô Em mở sổ ghi điểm để kiểm tra bài cũ thì bất ngờ em Y cầm dao lam cứa vào cổ tay mình…

Theo các em HS ở lớp 11B1, nỗi bức xúc của nữ sinh Trần Thị Thế Y có nguồn gốc từ sự mâu thuẫn với cô Em trước đó: Trong một lần kiểm tra bài cũ cách đây khoảng 5 tuần của học sinh lớp 11B1, cô Em đã hỏi nội dung ngoài sách giáo khoa, gồm 5 câu.

Theo đó, nếu học sinh nào trả lời đúng thì sẽ được 10 điểm. Tuy nhiên do câu hỏi quá khó nên dù là lớp chọn trong khối 11 của trường nhưng không có học sinh nào trong lớp trả lời hết và nữ sinh Y cũng không ngoại lệ. Khi cô Em trách cứ: “Kiến thức ở SGK mà sao không biết”, thì nữ sinh Y đã cãi lại cô: “Thưa cô, chúng em không biết thì mới phải đi học…”. Cô Em đã ghi vào sổ đầu bài là “Học sinh quá vô lễ với giáo viên” và yêu cầu em Y phải về nhà mời phụ huynh mới cho vào lớp. Sau đó, do Hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm của lớp 11B1 hiểu hoàn cảnh gia đình và tính cách của Y, biết em không đến mức như ý kiến cô ghi trong sổ đầu bài nên đã đề nghị cô Nguyễn Thị Em cho em vào lớp, đồng thời em Y cũng đã xin lỗi cô giáo.

Tuy nhiên, do nuôi định kiến trong lòng, nên cô Em đã không cho học sinh của lớp 11B1 được học ở lớp học thêm của cô (tại trường).  Trình bày với thầy hiệu trưởng, một cán bộ lớp 11B1 đã thẳng thắn bày tỏ: “Một điều em đã biết từ lâu ở cô Em là không bao giờ cho học sinh mà cô từng có xích mích vào học lớp dạy thêm của cô. Khi có thông tin cô Em mở nhóm dạy thêm nên đã đến đăng kí học, nhưng cô vẫn giữ lập trường của mình là không cho các bạn lớp 11B1 học". Và theo thầy Ngô Quang Vinh-Hiệu trưởng Trường THPT Trần Kỳ Phong thì từ 5 tuần lễ qua, do bị nhiều bạn trong lớp cằn nhằn về việc đã phản ứng với cô giáo để cả lớp không được đi học thêm cô Em, nên em Y quyết định sẽ nói những suy nghĩ của mình với cô giáo bộ môn vào sáng 16/10.

Thầy Ngô Quang Vinh cũng cung cấp thêm cho chúng tôi một số thông tin khác xung quanh vụ việc rất đáng lưu ý: Cô Em là một trong những giáo viên đầu tiên về trường (từ năm 1998), thuộc hàng nòng cốt về chuyên môn của Sở. Tính tình nghiêm khắc, luôn tỏ ra nguyên tắc trong mọi việc làm và kể cả khi phải ứng xử trước tình huống  bất ngờ xảy ra vừa rồi, cô cũng rất “chừng mực” chứ không quýnh quáng lên như giáo viên khác. Còn Y là học sinh giỏi, ham học, tính cách thẳng thắn, mạnh mẽ. Hai tính cách này khi va chạm vào nhau đã nảy sinh xung đột không đáng có, tuy hậu quả để lại không lớn, nhưng lại gây nên tình huống khó có thể lường trước.

Học sinh Trần Thị Thế Y đã được nối gân tay tại Bệnh viện đa khoa Bình Sơn
Học sinh Trần Thị Thế Y đã được nối gân tay tại Bệnh viện đa khoa Bình Sơn

Ý kiến của hiệu trưởng Trường THPT Trần Kỳ Phong rất đáng để các thầy, cô giáo phải suy ngẫm về việc giải quyết các tình huống ứng xử sư phạm trong nhà trường. Thật đáng tiếc thay, cô Em là một giáo viên dạy giỏi nhưng đã không chịu “mở lòng” để hiểu và chấp nhận tính cách của một học sinh đầy cá tính và có hoàn cảnh đáng được mở lòng như em Y. Được biết bố em Y mất từ  năm 1995; mẹ của em phải bán từng quả trứng về ban đêm để chăm lo cho 3 con, cuộc sống kinh tế gia đình rất khó khăn. Ngay cả khi xảy ra sự cố, người mẹ cũng không hề trách cứ nhà trường hay cô giáo mà chỉ một mực bảo con bỏ học để về phụ giúp mẹ. “Điều này làm tôi đã phải ứa nước mắt. Chính vì vậy em Y cũng rất sợ khi cô giáo yêu cầu mời phụ huynh”, Hiệu trưởng Ngô Quang Vinh nói.

Thiết nghĩ, nếu cô Em chịu khó kiềm chế cái “tôi” của bản thân, lắng nghe ý kiến phát biểu của học sinh thì đã không để xảy ra sự việc đau lòng đáng tiếc… Tại Bình Sơn, còn có dư luận cho rằng, việc cô Em hay ra đề kiểm tra khó và yêu cầu cao với học sinh có dấu hiệu để buộc HS phải xin đi học thêm ở cô dạy. Trong khi chờ đợi kết luận từ phía lãnh đạo Sở GD&ĐT Quảng Ngãi, chưa thể cho rằng dư luận nêu trên có cơ sở hay không. Song từ vụ việc HS Trần Thị Thế Y đã bức xúc tới mức tự gây thương tích cho mình để phản ứng cô giáo, đã gióng lên hồi chuông cho mọi GV phải hết sức thận trọng, linh hoạt trong giải quyết các tình huống sư phạm trên lớp. Chúng ta cũng không nên bênh vực hay cổ xúy cho các hành động bột phát, kích động của em Y. Đáng tiếc thay cho cả cô và trò.

Uyên Phương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.