Chủ nhật vừa qua tôi gặp một kiến trúc sư rất trẻ, cũng đi rửa xe, tôi đến thì xe của bạn đó đã rửa xong, nhưng vẫn muốn ngồi lại trò chuyện với mọi người, hỏi ra mới biết người thanh niên này có thói quen như tôi. Người thanh niên này gọi tôi bằng chú, vì tuổi cháu khoảng 30, còn ít hơn cả tuổi của con gái tôi.
Hỏi ra mới biết cháu quê Nghệ An (bởi nghe cháu nói thì không biết cháu là người Nghệ Tĩnh). Cháu nói: "Ở Hà Nội cháu nói vậy, về quê cháu nói đúng giọng Nghệ An đấy chú ạ, không thì các cụ ở quê sẽ mắng ngay".
Cháu sống ở Vinh, bố cháu làm nghề xây dựng, mẹ cháu là giáo viên, cháu tốt nghiệp Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, ra trường được 6 năm và đang giữ một chức Phó trưởng phòng tại Vinaconex.
Trong cuộc trò chuyện tôi hỏi cháu rất nhiều câu và cháu trả lời rất thành thật, thông minh: Tại sao kiến trúc đô thị Việt Nam lại kém như vậy? Tại sao các công trình của Pháp xây dựng tại Việt Nam đến nay còn nguyên giá trị, như Nhà hát lớn TP Hà Nội, Phủ Chủ tịch…? Theo lớp trẻ các cháu thì cải cách giáo dục bắt đầu từ đâu?... Điều tâm đắc nhất với tôi là cháu trả lời về vai trò của gia đình trong vấn đề giáo dục, bài học cuộc đời.
Cháu nói: "Về giáo dục gia đình cháu có ba bài học từ bố cháu, không bao giờ cháu quên và cháu sẽ áp dụng để dạy các con của cháu:
Bài học thứ nhất, khi cháu sinh nhật tuổi 16, sau 2 ngày bố nói với cháu từ nay bố coi con là bạn, con có thể tham gia thảo luận, góp ý vào tất cả các công việc trong gia đình. Từ đó cháu thấy mình lớn hẳn, cháu tự làm mọi việc, rồi tham gia dạy các em học, giúp các em làm các công việc trong gia đình…;
Bài học thứ hai, khi cháu vào lớp 12, một buổi tối thứ Bảy, bố cháu nói: Con có ước mơ và nguyện vọng của con về nghề nghiệp của con sau này, bố cũng có ước mơ và nguyện vọng của bố về con.
Bây giờ bố và con đều tự viết điều đó vào tờ giấy, sau đó hai bố con cùng xem, nếu có sự giống nhau thì tốt vô cùng, nếu có sự khác biệt thì cùng nhau thảo luận, trao đổi.
Sau khi viết xong thì điều giống nhau là ước mơ của cháu và của bố cháu về cháu là cháu mong ước trở thành Kiến trúc sư, hoặc Nhà Xây dựng. Bố cháu nói thế là bố con ta, không phải thảo luận nữa rồi, bây giờ con phải học để biến ước mơ đó thành sự thật;
Bài học thứ ba, khi nhà trường chuẩn bị thông báo làm hồ sơ thi Đại học, bố nói với cháu, trong ngày nghỉ này bố cho con 500.000 đồng con tự đi và tìm hiểu hai trường ngoài Hà Nội: Trường Đại học Xây dựng và Trường Đại học Kiến trúc.
Thế là cháu phải tự mua bản đồ để nghiên cứu, xem thông tin trên mạng, ra cả ga Vinh xem giá vé tàu, vé ô tô và cháu đã tự ra Hà Nội, chuyến đi đấy cháu đã tự đi thành công và khi tính trừ vé tàu về, cháu còn dư tiền mua giấy về để vẽ. Sau này cháu mới biết chuyến đi đó, bố cháu có nhờ người bạn bí mật đi cùng và quan sát giúp đỡ khi cần thiết".
Tôi hỏi thêm, đấy là ba bài học mà bố để lại, còn về mẹ thì sao? Mẹ cháu là Nhà giáo dục cơ mà? "Với mẹ thì không, mặc dù cháu rất biết ơn công lao của mẹ trong nuôi dạy cháu". Theo cháu thì tại sao bố cháu lại có cách giáo dục như vậy? "Có lẽ bố cháu có ảnh hưởng và học được cách giáo dục của Nhật Bản, vì bố cháu có mấy năm học tập tại Nhật Bản".
Tôi hỏi thêm, sau khi ra trường tại sao cháu không về quê? Cháu nói: "Bố cháu cũng muốn cháu về nối nghiệp bố, vì bố cháu về hưu cũng xin cho cháu vào nghề xây dựng của bố cháu được, nhưng cháu học kiến trúc cháu muốn có sân thể hiện rộng lớn tại Thủ đô, hơn nữa Vinaconex đến dự bảo vệ luận văn của cháu và đã đồng ý nhận cháu về làm; bố cháu đồng ý cho cháu thử sức 2 năm tại Hà Nội.
Sau hai năm, cháu khẳng định với bố cháu là cháu sẽ đứng vững ở Hà Nội được và bố mẹ đã cho tiền cháu mua nhà nhỏ tại Hà Nội, còn xe ôtô này là vợ chồng cháu tự tiết kiệm mua đấy"
Tôi hy vọng những nhà giáo dục, các bậc làm cha mẹ sẽ có suy nghĩ của riêng mình, qua bài học cuộc đời của người thanh niên trẻ.