Bài giảng sinh động, học sinh thoả sức sáng tạo nhờ ứng dụng CNTT

GD&TĐ - Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào dạy học được đánh giá mang lại sự mới mẻ, hứng thú và hiệu quả cho cả giáo viên và học sinh.

Học sinh thích thú khi ứng dụng CNTT vào dạy học.
Học sinh thích thú khi ứng dụng CNTT vào dạy học.

Bài giảng sinh động

Đổi mới phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số dần trở thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hàng ngày đối với mỗi nhà giáo, mỗi người học.

Hiện nay trên địa bàn Thanh Hoá, nhiều trường học từ cấp Tiểu học đến THPT đã có những lớp học sử dụng các công cụ hỗ trợ giảng dạy như màn hình tương tác, máy vi tính, hệ thống âm thanh…

Nếu như trước đây, giáo viên phải rất vất vả để có thể tìm kiếm những hình ảnh, biểu tượng, đồ dùng phục vụ bài giảng, thì khi được ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, có thể sử dụng internet để chủ động khai thác tài nguyên giáo dục phong phú cho bài giảng điện tử.

Chỉ cần vài cái “click chuột” là hình ảnh những con vật ngộ nghĩnh, những bông hoa đủ màu sắc, những hàng chữ biết đi và những con số biết nhảy theo nhạc hiện ra, thu hút sự chú ý và kích thích hứng thú học tập của học sinh…

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên Trường THCS Điện Biên (TP Thanh Hoá) chia sẻ: “Khi lớp học được trang bị các thiết bị công nghệ thông tin để giảng dạy không chỉ khiến học sinh thích thú, khơi nguồn sáng tạo cho học sinh mà bản thân giáo viên dạy cũng rất hứng khởi.

Ứng dụng CNTT trong dạy học còn giúp giáo viên ngoài sử dụng giáo án mình soạn sẵn còn có thể sử dụng giáo án lấy từ lớp học thông minh, nguồn tài liệu này giúp giáo viên tiếp cận được nhiều phương pháp hay, để nâng cao chất lượng giáo án”.

Cô giáo Đỗ Thị Minh Phương, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Điện Biên cho biết, Trường THCS Điện Biên là một trong 4 trường được tỉnh Thanh Hoá triển khai thí điểm dạy học với các thiết bị của lớp học thông minh. Nhà trường được trang bị 7 phòng học thông minh, trong đó có 1 phòng cấp độ 1 và 6 phòng cấp độ 2.

“Khi sử dụng các thiết bị này để dạy học, bài giảng của giáo viên trở nên phong phú, đa dạng và hấp dẫn hơn còn học sinh thì thoả sức sáng tạo, giờ học không còn nhàm chán nữa. Ngoài ra, bài giảng được soạn thảo gói gọn vào các thiết bị, tránh đi sự cồng kềnh khi phải mang giáo án theo, hoặc khó chỉnh sửa thêm thắt các kiến thức.

Bên cạnh đó, các thầy cô còn được tìm hiểu thêm về những chuyên ngành khác như tin học, và học hỏi kỹ năng sử dụng hình ảnh, âm thanh trong thiết kế bài giảng”, cô Phương đánh giá.

Bài giảng của giáo viên trở nên phong phú hơn khi sử dụng các công cụ dạy học thông minh.

Bài giảng của giáo viên trở nên phong phú hơn khi sử dụng các công cụ dạy học thông minh.

Thầy giáo Thiều Ánh Dương, Hiệu trưởng Trường THPT Hàm Rồng (TP Thanh Hoá) cũng đánh giá cao việc ứng dụng CNTT vào dạy học. Theo thầy Dương, được sử dụng các thiết bị thông minh dạy học mang lại hiệu quả rất lớn, như màn hình tương tác rất thân thiện, kết nối internet giúp giáo viên khai thác được kho tư liệu; bài giảng cũng được kết nối trực tiếp, trình chiếu cho học sinh.

“Phòng học thông minh thực sự có sự “phù phép” cho mỗi giờ học trở nên sinh động hấp dẫn, giáo viên không chỉ tiếp cận, ứng dụng CNTT hiện đại mà còn khuyến khích học sinh hứng thú học tập, tiếp thu bài giảng nhanh với những hình ảnh minh hoạ sinh động, thiết thực. Học sinh phát huy được khả năng tự học, tự nghiên cứu và khả năng thuyết trình”, thầy Dương nhận xét.

Hiệu trưởng Trường THPT Hàm Rồng cũng cho rằng, mô hình rất hiệu quả, tuy nhiên nguồn kinh phí quá lớn nên mới chỉ có học sinh của 10 lớp được sử dụng phòng học này từ nguồn tài trợ của tỉnh. Hiện nay, với 10 phòng học thông minh chưa thể đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập ở tất cả các lớp trong trường. Vì vậy, nhà trường rất mong mô hình này sẽ được nhân rộng và đầu tư thêm.

Giáo dục thông minh sẽ tạo ra môi trường cho tự học, học liên tục, học suốt đời

Được biết, đến nay, 100% các trường THPT, Phòng giáo dục và đào tạo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã xử lý hồ sơ, công việc trên môi trường điện tử; hơn 80% trường học sử dụng phần mềm trong quản lý; trên 1.400 trường học sử dụng phần mềm hỗ trợ dạy và thi trực tuyến.

Ngành GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa đặt mục tiêu đến năm 2025, có 20% trường học trên địa bàn tỉnh áp dụng mô hình trường học thông minh, lớp học thông minh; 100% trường học, giáo viên, học sinh, sinh viên được trang bị đầy đủ về hạ tầng, nền tảng, máy tính và các phương tiện phục vụ dạy và học trực tuyến.

Theo ông Tạ Hồng Lựu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hoá, trước đây, việc giảng dạy tập trung vào sự truyền đạt kiến thức của người thầy đã tích lũy được cho học sinh; chất lượng đào tạo phụ thuộc nhiều vào chất lượng tài liệu như sách giáo khoa, giáo trình… nhất là khả năng sư phạm của giáo viên.

Ngày nay, Giáo dục thông minh mà các tư liệu như: sách giáo khoa, giáo trình, bài giảng của giáo viên giỏi, giáo án hay… đều có thể trở thành tài liệu dùng chung cho giáo viên không những ở một quốc gia mà trên toàn thế giới.

“Sở GD&ĐT cũng đã chỉ đạo trong toàn ngành xây dựng video bài giảng gửi về để Sở thẩm định. Bài nào hay, chất lượng sẽ được đưa vào kho tư liệu để toàn thể giáo viên có thể dùng chung tham khảo. Các bài giảng sẽ chủ yếu tập trung vào các khối lớp học chương trình mới. Hiện nay, đã có hàng nghìn bài giảng được gửi về Sở và Sở đang cho thiết kế mudule để khai thác một cách hiệu quả. Giáo viên muốn xem bài giảng nào của chương trình lớp mấy thì có thể click vào đó”, ông Lựu cho biết.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cũng đánh giá, nhờ các thiết bị công nghệ thông tin như máy chiếu, màn hình điện tử thông minh, các phần mềm hỗ trợ giáo dục minh họa các mô hình, thí nghiệm ảo vật lý, hóa học, sinh học, vật liệu học, ngoại ngữ, mạng internet… thực sự mang lại sự mới mẻ, hứng thú và hiệu quả cho người học.

“Giáo dục thông minh làm môi trường học tập của người học không còn giới hạn trong một lớp học cụ thể mà mở ra rất rộng cả không gian và thời gian. Tài liệu học tập không còn chỉ là sách vở mà rất đa dạng, phong phú. Phương thức học tập cũng thay đổi: học trực tiếp trên lớp, học từ xa, học qua mạng, học với thư viện điện tử,… Giáo dục thông minh sẽ tạo ra môi trường hết sự thuận lợi cho tự học, học liên tục, học suốt đời”, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hoá nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.