Nhờ nó, cô lan tỏa tinh thần ham học, đưa kiến thức đến gần với bà con.
“Người lái đò” bước ra từ trò chơi oẳn tù tì
Cô Lương Thị Tuyết sinh năm 1989, là giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Thắng Mố (Hà Giang). Cô sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, tại vùng quê nghèo, thuộc xã vùng III của huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.
Bố cô là cựu chiến binh. Ông tham gia chiến tranh biên giới trên mặt trận Vị Xuyên năm 1979 - 1991. Mẹ là cựu công dân hỏa tuyến, tham gia mở con đường Hạnh Phúc, Quốc lộ 4C bây giờ.
Cuộc đời ai cũng có những ước mơ. Ước mơ của cô được hình thành và lớn lên trong những lần chơi trò chơi cùng bạn bè từ thuở nhỏ. Ngày ấy, lũ trẻ dăm bảy đứa thường tụ tập với nhau và chơi trò thầy cô giáo. Chơi oẳn tù tì, ai thắng được làm cô giáo, thua làm học trò.
Ngày ấy, cô giáo trong mắt của những đứa trẻ ngây thơ, hồn nhiên là một người rất quan trọng. Đó là người thể hiện sự hiểu biết, có khả năng dẫn dắt, chỉ bảo. Thế nên, ai cũng muốn được làm cô để đứng trước các bạn giảng bài.
“Có duyên chăng khi những lần chơi trò thuở bé, tôi thường được làm cô nhiều hơn là làm học trò. Cứ thế, tuổi thơ của tôi trôi qua trong vai trò của một giáo viên của nhóm bạn cùng xóm. Giấc mơ trở thành người lái đò nhen nhóm trong tâm hồn tự đó.
Giấc mơ đó bay cao cùng cánh diều chúng tôi thường thả trong những buổi chiều chăn trâu nơi cánh đồng lúa quê hương. Giấc mơ ấy nồng nàn trong những câu ca của bài “Ngày đầu tiên đi học” và len lỏi vào trong giấc ngủ hằng đêm” - cô Tuyết hồi tưởng lại.
Tình yêu ấy thực sự thăng hoa, vỡ òa khi cô nhận được giấy báo trúng tuyển của khoa Địa lí Trường Đại học Sư phạm – Đại học Thái Nguyên. Và cho đến bây giờ, khi ước mơ đã thành hiện thực, cô lại càng trân quý những khoảnh khắc được đứng trên bục giảng.
Cô Tuyết nhớ mãi khi lần đầu được nghe học trò gọi mình là “cô ơi!” trong kì thực tập sư phạm. Tự hào, hạnh phúc, xúc động là những dư âm còn mãi về khoảnh khắc ấy.
Tốt nghiệp đại học, cô Tuyết về nhận công tác tại Trường PTDTBT THCS Thắng Mố từ năm 2016. Đây là ngôi trường nhỏ thuộc xã biên giới, cách trung tâm huyện Yên Minh 47 km, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Cô cảm thấy bản thân mình thật may mắn khi được sống và làm việc trong ngôi trường có cô chú, anh chị đồng nghiệp yêu thương, bao bọc. Họ chỉ dẫn cô như một đứa con, đứa em út trong gia đình. Ở đó, cô được hoàn thiện nhân cách nhà giáo, được khẳng định năng lực và tư duy của một giáo viên trẻ.
Ngôi trường vỏn vẹn chỉ có một ngôi nhà 2 tầng với 6 phòng học, 1 phòng hội đồng, 1 phòng dành cho ban giám hiệu và căn nhà cấp 4 nhỏ là nơi ở và sinh hoạt của tất cả giáo viên trong toàn trường. Bởi giáo viên hầu hết đều là những người ở xa đến công tác. Trường còn có ba phòng nhỏ bắn tôn là nơi ở cho các em học sinh bán trú tại trường.
Cũng vì giao thông đi lại quá khó khăn nên các em không kịp trở về nhà sau giờ học. Học sinh của cô Tuyết 100% là người dân tộc thiểu số. Vì thế, nhận thức của các em còn chậm, đồ dùng học tập cũng thiếu thốn nên việc dạy và học gặp nhiều trở ngại. Từ thách thức đó yêu cầu thầy cô phải thật sự thấu hiểu, cảm thông, kiên nhẫn và tâm huyết.
Đưa kiến thức đến gần với cuộc sống
Luôn trăn trở phải làm thế nào để các em chăm chỉ đến trường? Làm thế nào để các em yêu thích việc học? Cô Tuyết đã mày mò tìm kiếm, tham khảo các phương pháp dạy học trên mạng Internet, đọc sách, học hỏi từ các đồng nghiệp và tự đúc rút kinh nghiệm dạy học. Qua mỗi bài giảng E-learning, cô Tuyết lại thêm phần hào hứng khi học sinh yêu thích môn Địa lý hơn, tỉ lệ học sinh khá giỏi tăng lên rõ rệt.
Năm đầu tiên công tác tại trường, cô Tuyết có sáng kiến “Khai thác và sử dụng kênh hình trong dạy học Địa lí” được công nhận sáng kiến kinh nghiệm cấp cơ sở. Cũng trong năm học đó, cô có 2 em học sinh dự thi học sinh giỏi cấp huyện, trong đó có 1 em đạt giải Ba, 1 em dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh.
Năm học 2017 - 2018 là năm thứ 2 tham gia giảng dạy, cô Tuyết đã đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường; giáo viên thiết kế bài giảng điện tử E-learning giỏi cấp huyện. Bên cạnh đó, cô Tuyết còn đạt giải Nhất giáo viên thiết kế bài giảng điện tử E-learning giỏi cấp tỉnh, giáo viên có bài dự thi thiết kế bài giảng điện tử E-learning lọt vòng chung khảo cấp quốc gia. Tiếp đó là danh hiệu “Lao động Tiên tiến”.
Liêp tiếp các năm học sau đó, cô Tuyết nhận được nhiều danh hiệu trong dạy học, đặc biệt là được sở giáo dục và đào tạo khen thưởng “Có thành tích xuất sắc trong cuộc thi giáo viên dạy giỏi THCS cấp tỉnh” năm học 2020 - 2021. Ngoài ra, cô còn hướng dẫn học sinh tham gia cuộc thi “Sáng tạo khoa học kĩ thuật dành cho thanh thiếu niên” đạt giải Khuyến khích cấp huyện; Đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở”;….
Năm 2017, cô đại diện tổ chuyên môn Khoa học xã hội tham dự cuộc thi “Phụ nữ sáng tạo” cấp quốc gia với ý tưởng “Phụ nữ dân tộc thiểu số với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai”. Cuộc thi này đã mang lại giải ý tưởng xuất sắc nhất cấp quốc gia.
Theo cô Lương Thị Tuyết, biến đổi khí hậu và thiên tai, dịch bệnh tác động mạnh mẽ đến đời sống của người dân địa phương. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, xói mòn, sạt lở đất, sương muối, giá rét, tuyết rơi… khiến mất mùa, gia súc chết diễn ra trong thời gian dài.
Điều này làm cho cuộc sống của người dân địa phương vô cùng khó khăn. Nhận thức của người dân còn hạn chế, đặc biệt là kiến thức về biến đổi khí hậu và cách phòng chống thiên tai do đa số người dân không biết chữ.
Trước thực trạng đó, cô Tuyết đã cùng với học sinh của mình biên soạn bộ tài liệu về biến đổi khí hậu bằng chữ viết của người Mông. Đồng thời, nhóm cũng biên soạn và ghi âm những đoạn phát thanh về biến đổi khí hậu và thiên tai phát trong các buổi họp thôn, xóm để tuyên truyền cho người dân.
Ngoài ra, cô còn thành lập câu lạc bộ “Phụ nữ dân tộc thiểu số với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ rủi ro thiên tai” xã Thắng Mố. Ý tưởng này đã thu hút hơn 76 hội viên thuộc các chi hội phụ nữ trên địa bàn xã tham gia, tài trợ 10 nghìn giống cây sa mộc và hỗ trợ phân bón, kỹ thuật cho hơn 20 hộ gia đình trên địa bàn xã trồng rừng phát triển kinh tế.
“Mảnh đất mà tôi đang sống và làm việc còn nghèo khó, trình độ dân trí còn thấp, các em học sinh đến trường không có nhiều áo đẹp để mặc, đôi giày để đi. Nhưng không phải vì các em còn nhiều khó khăn, vì các em không biết mà bỏ mặc.
Tôi luôn mong muốn dạy cho các em cách để nâng niu một đóa hoa, trân trọng một nhành lá, yêu tiếng chim hót mỗi sớm mai, chỉ cho các em giá trị một lời chào, vẻ đẹp của nụ cười, sự ấm áp của đôi bàn tay...” – cô giáo người Tày bộc bạch.
Cô Tuyết cũng mong muốn cùng đồng nghiệp góp công sức nhỏ bé của mình xua tan đi cái giá rét, đem con chữ thắp sáng nơi miền biên cương của Tổ quốc, cùng ươm lên những mầm xanh tươi tốt trên mảnh đất cao nguyên đá này. Cô luôn tự hứa sẽ không để khó khăn gặm nhấm những khát vọng chân chính của cuộc đời mình.