Bài hát còn được các chiến sĩ cộng sản hát vang trong nhà tù Côn Đảo, bất chấp sự đàn áp của kẻ địch… Với nhạc sĩ Văn Ký, giải thưởng cao quý nhất cho người sáng tác chính là tình yêu của khán giả với tác phẩm của mình.
Người nghệ sĩ đa tài
Tác giả của “Bài ca hy vọng”, nhạc sĩ Văn Ký vừa qua đời ở tuổi 92, để lại niềm tiếc thương vô hạn trong lòng người yêu nhạc. Nhạc sĩ Vũ Văn Ký, sinh ngày 1/8/1928 tại xóm Nhì, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, trong một gia đình có truyền thống nho học.
Nhạc sĩ Văn Ký tham gia cách mạng từ năm 1943, khi mới 15 tuổi. Năm 1944, ông bị Pháp bắt, sau đó được phát xít Nhật thả. Năm 1945, Văn Ký tham gia đấu tranh giành chính quyền tại huyện Nông Cống và năm 1946 được kết nạp Đảng. Đây cũng là năm ca khúc đầu tay của nhạc sĩ ra đời, mang tên “Trăng xưa”. Ông được cử đi học lớp âm nhạc Liên khu 4 tại Nghệ An rồi về công tác tại Bình Trị Thiên.
Thời kỳ này, ông cho ra đời hàng loạt ca khúc kháng chiến như: “Bình Trị Thiên quật khởi” (được giải thưởng của Hội Văn nghệ Liên khu 4), “Tình hậu phương”, “Chiến thắng hòa bình”…
Năm 1954, tại Đại hội Văn công toàn quốc, nhạc sĩ Văn Ký giành giải thưởng lớn với 2 nhạc cảnh “Dân công lên đường” và “Lúa thoái tô”. Từ năm 1955 đến 1957, ông tham gia ban nhạc Hội Văn nghệ Việt Nam. Năm 1957, ông trở thành hội viên sáng lập, sau đó là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Ủy viên Thường vụ của Hội từ năm 1963 (khóa 1 và 2).
Hơn 60 năm hoạt động nghề nghiệp, nhạc sĩ Văn Ký đã viết trên 400 ca khúc bao gồm cả ca kịch, nhạc múa, nhạc giao hưởng, nhạc phim… Những tác phẩm âm nhạc trữ tình trong sáng, thiết tha, tràn đầy niềm lạc quan cách mạng của ông đã mang đến cho người nghe rung cảm rất mạnh mẽ.
Với những đóng góp cho sự nghiệp âm nhạc nước nhà, năm 2001, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật với chùm năm bài hát: “Trời Hà Nội xanh”, “Bài ca hy vọng”, “Tây Nguyên bất khuất”, “Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi”, “Nha Trang mùa thu lại về”.
Gieo niềm tin, hy vọng cho đời
Tác phẩm “Bài ca hy vọng” là sáng tác nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Văn Ký, ra đời năm 1958. Bài hát gắn với tên tuổi nhiều giọng ca nổi tiếng, như: Lê Dung, Trung Kiên, Quang Thọ, Lan Anh… và được hàng triệu người yêu thích bởi nó ra đời vào đúng thời điểm mọi người đang vô cùng hy vọng vào hòa bình, thống nhất đất nước.
Nhạc sĩ Văn Ký lúc sinh thời từng nhiều lần kể chuyện về ca khúc “Bài ca hy vọng”. Khi đặt bút viết ca khúc này, trong lòng ông tràn ngập niềm vui và tin tưởng tuyệt đối vào chiến thắng của cách mạng.
“Từng ca từ của “Bài ca hy vọng” được bật ra trong tôi một cách tự nhiên. Tình hình đất nước khi đó nhiều khó khăn. Dù vậy, tôi cũng như nhiều người cùng thời có một niềm tin mãnh liệt, chắc chắn vào ngày mai tốt đẹp, tương lai đón chờ. Thậm chí tôi muốn bay lên cùng đàn chim đi về tương lai, nên tôi viết: “Về tương lai, đàn chim ơi cùng ta cất cánh kìa ánh sáng chân trời mới đang bừng chiếu. Bốn phương, gió mưa buồn thương, mùa đông và mây mù sẽ tan...”.
Năm 1958, thời điểm bài ca ra đời đất nước còn đang trong giai đoạn chiến tranh và bị chia cắt. Phong trào cách mạng miền Nam bị đàn áp và không ai có thể biết được cuộc chiến kéo dài đến bao giờ… Vì vậy, khi nhạc sĩ Văn Ký mang “Bài ca hy vọng” đến Nhà xuất bản Âm nhạc, có ý kiến cho rằng bài hát lạc quan, lãng mạn quá, không phù hợp với giai đoạn cách mạng lúc bấy giờ.
Nhưng với niềm tin đặc biệt vào một chiến thắng, nhạc sĩ Văn Ký đã mang bài hát đến Đài Tiếng nói Việt Nam. Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam khi đó là ông Trần Lâm đã giao cho Trưởng ban Âm nhạc Phạm Tuyên dàn dựng.
Khi những âm điệu của “Bài ca hy vọng” vang lên trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, nó đã nhanh chóng lan tỏa và trở thành “liều thuốc” tinh thần đặc biệt cho hàng triệu người dân Việt Nam lúc bấy giờ. Bài hát còn được các chiến sĩ cộng sản hát vang trong nhà tù Côn Đảo, bất chấp sự đàn áp của kẻ địch…
“Bài ca hy vọng” được giới âm nhạc đánh giá là một tác phẩm lớn của nền âm nhạc Việt Nam. Bài hát xuất hiện giữa lúc đất nước đang rất cần hy vọng, giúp nâng đỡ, cất cánh cho niềm tin của nhân dân vào cuộc tranh đấu thống nhất nước nhà. Với nhạc sĩ Văn Ký, giải thưởng cao quý nhất cho người sáng tác chính là tình yêu của khán giả với tác phẩm của mình.
Nhạc sĩ Văn Ký trong lòng bạn bè, đồng nghiệp là người có tính cách nho nhã, nhẹ nhàng, trẻ trung và đầy lãng mạn. Ông sống chân thành với mọi người. Trong âm nhạc, ông là người có tài và đam mê sáng tác.
Ca khúc “Bay lên Việt Nam” được ông viết khi đã gần 90 tuổi cho thấy sự đam mê và sức sáng tạo đáng nể phục của ông. Nhạc sĩ Doãn Nho cho rằng, ông là một trong những người đặt nền móng cho thể loại ca khúc và lớn hơn nữa là nhạc không lời. Một người rất gắn bó với nhiều bước tiến của đất nước, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn nhất.
“Trong đó, “Bài ca hy vọng” ra đời là đại diện cho tiếng nói của Đảng, của đồng đội, của những người trong quân ngũ, của toàn dân chúng ta thời điểm đó. Ca khúc cũng là điển hình trong những tác phẩm của ca khúc mới, nền âm nhạc cách mạng của nước ta”, nhạc sĩ Doãn Nho nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, NSND Phạm Ngọc Khôi, nhạc sĩ Văn Ký là một trong số ít người thành công trong âm nhạc ở cả 4 giai đoạn: Chống Pháp, chống Mỹ, giai đoạn hòa bình lập lại sau năm 1975 và giai đoạn đất nước bước vào đổi mới, hội nhập, phát triển. Ở mỗi giai đoạn, ông đều có những tác phẩm để lại những dấu ấn lớn và giá trị cho âm nhạc Việt Nam.
“Âm nhạc của Văn Ký đậm phong cách trữ tình, lãng mạn, giai điệu đẹp, ca từ nhẹ nhàng, được chắt chiu, trau chuốt và mang tính tư tưởng cao. Khi nghe nhạc của ông, người nghe luôn cảm thấy có hy vọng, có tương lai và không ngừng phấn đấu vươn lên”, NSND Phạm Ngọc Khôi nhận định.
Người nhạc sĩ tài hoa đã “nhẹ bước hồng trần”, nhưng những ca khúc của ông vẫn luôn còn mãi với thời gian, gieo niềm tin, hy vọng cho đời và sống mãi trong lòng công chúng yêu nhạc Việt.