Bài 3: Giáo dục - chìa khóa phát triển nguồn nhân lực

GD&TĐ - Nhằm phát triển nguồn nhân lực Việt Nam đáp ứng yêu cầu và bối cảnh mới, nhóm nghiên cứu Trường ĐH Ngoại thương đã đưa ra 6 đề xuất với những nhấn mạnh đặc biệt đến vai trò của GD - ĐT cùng những chính sách liên quan đến lĩnh vực GD. Có thể thấy, GD chính là chìa khóa để phát triển nguồn nhân lực Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.

Cơ cấu nguồn nhân lực qua đào tạo đã được định hình trong các trường ĐH
Cơ cấu nguồn nhân lực qua đào tạo đã được định hình trong các trường ĐH

Nhận thức về GD 4.0 nhằm phát triển nguồn nhân lực

Theo nhóm nghiên cứu, Chính phủ Việt Nam xác định rõ chủ trương chuẩn bị nghiêm túc, toàn diện, có trọng điểm về mọi mặt để bắt kịp cuộc CMCN 4.0 và bối cảnh mới của thế giới, trong đó bao gồm việc giảm bớt các xáo trộn, chuyển dịch lao động ở quy mô lớn khi các mô hình kinh doanh mới ra đời, xu hướng tự động hóa phát triển, kiến tạo môi trường phát triển toàn diện, đặc biệt nguồn nhân lực phải được đào tạo để có khả năng thích ứng và năng lực đổi mới, sáng tạo phù hợp với cuộc CMCN 4.0.

Như vậy, việc thay đổi hệ thống GD từ truyền thống sang mô hình mới là điều bắt buộc để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mới, tạm gọi là GD 4.0 tương ứng với cuộc CMCN 4.0. Những việc mà GD 4.0 cần chuẩn bị để tiến tới thực hiện CMCN 4.0 bao gồm thực hiện GD STEM (cần thêm khả năng ngoại ngữ và công nghệ thông tin), phát triển các năng lực khởi nghiệp sáng tạo sớm cải cách chương trình GD, môi trường và phương tiện GD, thực hiện GD trải nghiệm và không ngừng nâng cao năng lực dạy học của GV.

Khung pháp lý và chính sách của Nhà nước

Nhóm nghiên cứu kiến nghị cần nâng cao vai trò của Nhà nước trong mối quan hệ tương tác với thị trường, tạo động lực phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính phủ cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý tạo môi trường thuận lợi phát triển nguồn nhân lực, khuyến khích phát triển thị trường nguồn nhân lực chất lượng cao, thị trường sản phẩm khoa học công nghệ phải phản ánh đầy đủ quan hệ cung - cầu và qua đó làm căn cứ hoạch định chiến lược và chính sách. Cần sử dụng cơ chế thị trường để đánh giá, tuyển chọn, sử dụng và đãi ngộ thỏa đáng và có chính sách đặc biệt đối với những nhà khoa học đầu ngành.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ hình thành và phát triển các vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các trường ĐH đào tạo về công nghệ, trước mắt ưu tiên đối với các lĩnh vực nước ta có thế mạnh như công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa, công nghệ sinh học. Sự kết nối giữa các trường ĐH và doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ ở Việt Nam cần được gia tăng. Việt Nam cần nghiên cứu ban hành các thể chế chính sách tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho liên kết, mở rộng quyền tự chủ cho một số lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng, phối hợp đào tạo, thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Đào tạo nguồn nhân lực đang có dịch chuyển rõ nét trong thời đại 4.0
  • Đào tạo nguồn nhân lực đang có dịch chuyển rõ nét trong thời đại 4.0

Chuyển đổi mô hình và ngành nghề đào tạo

Các cơ sở GD cần phải xây dựng một chiến lược GD thực chất mang tính hệ thống, gắn với yêu cầu thực tế chứ không phải mang tính lý thuyết. Nội dung đào tạo nguồn nhân lực cần được triển khai theo hướng tích hợp kiến thức, rèn luyện tay nghề, phát triển kỹ năng, nhất là những kỹ năng cần thiết của người lao động để đáp ứng yêu cầu mới. Cùng đó, các trường ĐH trọng điểm cần kịp thời nghiên cứu triển khai các ngành đào tạo mới theo xu hướng phát triển công nghệ cao của thế giới.

Việt Nam cần chú trọng đúng mức tới đào tạo kỹ năng nghề nghiệp, cần loại bỏ tâm lý chú trọng việc luyện thi để lấy thành tích thi cử cao hơn là đào tạo HS có kỹ năng, nghề nghiệp giỏi. Có như vậy mới có thể gia tăng tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ nghề, tăng cường khả năng sử dụng ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin làm công cụ làm việc hiệu quả.

Về mặt quản lý, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các cơ sở GD trong tổ chức và hoạt động, chủ động tìm kiếm các nguồn lực đầu tư bên ngoài, mở rộng các hoạt động đầu tư liên danh, liên kết trong và ngoài nước về đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Đổi mới phương thức dạy, học và nghiên cứu; tăng cường định hướng nghề nghiệp

Phương thức GD - ĐT cần đổi mới mạnh mẽ với sự đầu tư thích đáng, kết hợp với việc ứng dụng các mô hình GD mới như phòng học ảo, thầy giáo ảo, thiết bị ảo, phòng thí nghiệm, thư viện ảo… dưới sự hỗ trợ của các thiết bị thông minh. Các trường ĐH tạo điều kiện và yêu cầu SV từ năm thứ hai, thứ ba phải tham gia các nhóm nghiên cứu, thực hiện các đề tài gắn liền với giải quyết những vấn đề cụ thể trong chuyên môn, hoặc trong đời sống kinh tế, xã hội... Việc đào tạo nhằm hướng đến sản phẩm đầu ra là những con người có năng lực tư duy và sáng tạo đổi mới, có khả năng làm việc độc lập và ra quyết định dựa trên cơ sở phân tích các chứng cứ và dữ liệu, có kỹ năng công nghệ, kỹ năng làm việc nhóm, có khả năng thích nghi với các thách thức và yêu cầu công việc thay đổi liên tục để tránh nguy cơ bị đào thải…

Có thể hiểu một cách khái quát về GD 4.0 là một mô hình GD thông minh, liên kết chủ yếu giữa các yếu tố nhà trường - nhà quản lý - nhà doanh nghiệp, tạo điều kiện cho việc đổi mới, sáng tạo và năng suất lao động trong xã hội tri thức. Trên cơ sở đó, mô hình GD này có khả năng thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của giảng viên, SV; tạo điều kiện cho hợp tác giữa GD ĐH và sản xuất công nghiệp; gắn kết cùng các nỗ lực phát triển kinh tế khu vực và địa phương. 

Việt Nam nên xem xét thử nghiệm và triển khai mô hình ĐH thông minh 4.0 trong những dự án thí điểm. Mỗi trường ĐH có thể có một trung tâm hay một ban dự án về GD 4.0 nhằm chuẩn bị chủ động đối phó với thách thức và nắm bắt kịp thời cơ hội mà CMCN 4.0 đưa đến, đặc biệt là cơ hội khởi nghiệp cho SV liên ngành của nhiều trường ĐH khác nhau.

Để giải quyết vấn đề thất nghiệp, các cơ quan quản lý chức năng cần sớm có tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể để phân luồng HS phù hợp. Đồng thời, GD nên song hành hướng nghiệp cho HS ngay từ trường phổ thông. Việc tuyên truyền để thay đổi nhận thức của phụ huynh HS cũng rất quan trọng, giúp phụ huynh và HS hiểu đúng thế nào là học nghề và lập nghiệp.

Phát triển đội ngũ giảng viên và đầu tư cơ sở vật chất

cho GD - ĐT Các cơ sở GD - ĐT cần phát triển số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ GV, bồi dưỡng cả về chuyên môn nghiệp vụ lẫn đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ GV, cán bộ quản lý và đầu tư thoả đáng cho GD - ĐT. Bên cạnh đó, cần phát hiện, bồi dưỡng, nâng đỡ và sử dụng hợp lý tài năng để tạo ra đội ngũ chuyên gia giỏi, công nhân lành nghề, nhân tài trong các lĩnh vực…; tăng cường hợp tác quốc tế từ việc xây dựng quy hoạch, đào tạo, nghiên cứu, cho đến việc việc kiểm tra, đánh giá, xếp hạng HS, SV, phù hợp với điều kiện của Việt Nam và xu hướng hội nhập với trình độ trong khu vực và quốc tế; tập trung đảm bảo nguồn lực tài chính cho sự phát triển nguồn nhân lực và cơ sở vật chất…

Liên kết chặt chẽ với thị trường lao động và doanh nghiệp trong đào tạo

Trước thách thức của CMCN 4.0 và bối cảnh mới, các cơ sở GD ĐH cần định hướng rõ những ngành đào tạo, những lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu để đón trước, bám sát yêu cầu của thị trường không chỉ trong nước mà cả thị trường thế giới. Cần có sự cam kết giữa các tổ chức doanh nghiệp với nhà trường trong việc kết hợp đào tạo với thực hành nghề cho lực lượng lao động. Việc liên kết đào tạo có thể thông qua các hiệp hội nghề nghiệp thẩm định chương trình và đánh giá về chất lượng đào tạo. Doanh nghiệp có thể trực tiếp dạy nghề theo hệ thống đào tạo lý thuyết và thực hành đồng hành cùng các cơ sở dạy nghề, hoặc có các hình thức liên kết đào tạo chặt chẽ khác với cơ sở dạy nghề. Các doanh nghiệp không tổ chức dạy nghề nhưng cần được cung cấp nguồn nhân lực từ các cơ sở dạy nghề sẽ có nghĩa vụ đóng góp kinh phí cho các cơ sở dạy nghề đó.

Các cơ sở GD ĐH cũng nên tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, tổ chức nghề nghiệp, các trường ĐH quốc tế để xây dựng các phòng thí nghiệm, các trung tâm thực hành… theo hình thức hợp tác công - tư...

Theo (Trích “Nghiên cứu đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam trong cơ chế thị trường” - Nhiệm vụ KHCN thuộc Chương trình KHGD quốc gia do Trường ĐH Ngoại thương chủ trì)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ