(GD&TĐ) - Người xưa bảo, con người sinh ra tính vốn thiện. Tuy nhiên, với những phụ nữ mà tôi đã gặp trong chuyến công tác ở trại phục hồi nhân phẩm (Trường Giáo dục, Lao động Thanh Xuân, Hải Phòng) ấy thì bến thiện mãi mãi mù xa và dường như số phận đã an bài, sắp đặt khiến bước đời họ đi không có khe cửa cho một nẻo về…
Mộng vàng tan nát
Trong số những học viên đang học cách làm lại cuộc đời ở ngôi trường này thì Nguyễn Thị Tân là người lớn tuổi nhất. Câu chuyện về cuộc đời của người đàn bà này đã khiến nhiều người rơi nước mắt xót thương. Gái bán dâm, có lẽ đó là nghề duy nhất có thể giúp người đàn bà này nuôi con khôn lớn…
Đây là lần thứ hai Tân vào trường phục hồi nhân phẩm. Bởi là… “người quen” của trường, lại thêm cảnh ngộ bi thương nên Tân được các thầy cô giáo ưu ái, xếp vào tổ bếp, phục vụ cơm nước cho học viên đang gột rửa quá khứ lỗi lầm tại đây.
Tân không muốn kể về cuộc đời nhiều nước mắt của mình với chúng tôi nên cứ cúi đầu im lặng. Thế nhưng, khi được các thầy cô giáo động viên, khích lệ thì nước mắt lại thành hàng, lã chã rơi trên khuôn mặt già nua. Tân kể, quê cô ở một huyện nghèo khó của mảnh đất trung du Phú Thọ. Ngày trước, như bao cô thôn nữ khác, Tân cũng hừng hực khát vọng về tổ ấm tương lai.
Tân bảo, ngày ấy, chuyện tình của cô đẹp nhất thế gian, lãng mạn hơn cả trong tiểu thuyết. Thế nhưng, khi những đứa con liên tiếp chào đời thì mộng vàng sụp đổ. Khó khăn, đói khổ như được kẻ đưa lối dẫn đường cứ lũ lượt, ùn ùn mò đến.
Bế tắc trong làm ăn, chồng Tân đâm nát rượu. Hắn say triền miên. Mà đã say thì phải tìm chỗ để xả, để trút nỗi phẫn uất đang cháy ngùn ngụt trong người. Đương nhiên, vợ con hắn sẽ là hình nhân thế mạng. Tân kể, đến bây giờ, cô vẫn hãi hùng khi nhớ tới những cơn say của chồng. Khi đó, hễ nhác thấy cái bóng liêu xiêu của đức lang quân ngoài sân thì cô chỉ còn biết tay bồng tay bế hai đứa con và ù té chạy. Chạy đi đâu thì đi, càng xa càng tốt.
Nếu chậm, bị gã say ấy túm được thì cứ gọi là nhừ đòn. Có lần, trong một lần chậm chân, bị “người yêu lý tưởng” vồ được, Tân cảm tưởng, trong mắt chồng, Tân không phải là con người. Cứ vớ được thứ gì là hắn thẳng tay phang. Phang thật lực, phang như thể người vợ đầu gối tay ấp là kẻ thù không đội trời chung.
Sau một lần bị chồng đánh phải nhập viện, không thể chịu đựng được cảnh sống địa ngục ấy, Tân quyết dứt tình, đường ai nấy đi.
Như chim xổ lồng, chồng Tân dông một hơi mất dạng, vứt lại hai đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn. Kể từ độ ấy, mấy mẹ con bồng bế nuôi nhau.
Thế nhưng, ở vùng đất chó ăn đá gà ăn sỏi ấy, dù tối mắt tối mũi với ruộng với nương nhưng cái ăn vẫn là nỗi lo thường trực. Tân học hết lớp bảy trường làng, trình độ ấy bây giờ thì chẳng khác nào mù chữ. Bởi thế, cô muốn cho con ăn học tới nơi tới chốn để sau này có điều kiện ly hương, thoát khỏi cảnh sống cùng cực, bần hàn. Biết mong muốn của mẹ, các con Tân đều học rất giỏi.
Tuy nhiên, càng học lên cao thì càng phải đóng rất nhiều khoản tiền. Để lo được khoản tiền mỗi lúc một tăng ấy, ba mẹ con không những phải bữa no bữa đói chắt bóp dành dụm mà còn phải vay mượn khắp nơi.Nhiều đêm, trong mùng, nhìn hai đứa con chong đèn đọc sách, đứa nào đứa ấy tong teo, xanh rớt mồng tơi, Tân thấy lòng mình se sắt.
Cũng khi đang cơn bĩ cực ấy, Tân được người quen giới thiệu xuống Hà Nội rửa bát thuê với khoản thu nhập tương đối ổn định. Nhẩm tính, thấy khoản lương người ta trả hơn hẳn thu nhập từ ruộng vườn nên dù biết xa con là nhớ, là thương, Tân cũng quyết dứt áo ra đi. “Không đi thì em cũng chẳng biết trông vào đâu nữa. Nếu cứ ở nhà chắc chắn con đường học hành của các con em sẽ đứt đoạn”. Tân sụt sùi kể. Nghĩ thế nên thu xếp mọi thứ cho hai đứa con ở lại quê nhà, Tân chân thấp chân cao ra bến xe tìm về Hà Nội.
Các trại viên tổ chức Tết trồng cây tại Trung tâm GD&LĐXH số 2, Hà Nội. Ảnh: Đ.D.H |
Đường cùng ngõ tận
Về Thủ đô, theo sự giới thiệu của người quen, Tân rửa bát thuê ở một con phố có nhiều hàng ăn uống. Sáng rửa hàng phở, trưa và tối thì làm ở hàng cơm bụi. Làm luôn tay chẳng có một phút nghỉ ngơi. Cuối tháng, thu được bao nhiêu tiền, Tân gửi hết về nhà cho cô em gái lo tiền ăn, học cho các con.
Làm ở Hà Nội được chừng vài tháng, thấy cô vất vả mà thu nhập chẳng đáng là bao, một người quen đã rủ cô xuống Hải Phòng làm tạp vụ cho một nhà nghỉ ở ngay trung tâm thành phố. Đằng nào cũng đã xa nhà, thôi thì đi đâu cũng được miễn là kiếm được tiền nuôi con, cô vui vẻ nhận lời. Xuống đất Cảng, công việc mới nhàn hơn nên chỉ một thời gian ngắn vẻ lam lũ ở cô cũng đã lụi bay. Và, cũng tại nơi làm việc mới ấy, ngay ngày đầu tiên cô đã biết, nơi mình làm việc là một ổ chứa. Việc ai người ấy làm, nghĩ vậy nên cô cũng chẳng bận tâm.
Tuy nhiên, việc một người đàn bà mặn mòi, chân chất xuất hiện giữa đám tinh tinh mắt xanh mỏ đỏ đã khiến đám khách làng chơi tò mò. Và, khi đã no nê với những em trẻ trung, xinh đẹp thì những kẻ hám của lạ đã nghĩ tới người phụ nữ dọn phòng lầm lũi ấy. Do thế, mấy lần Tân được chủ nhà nghỉ gợi ý làm cái việc mạt hạng mà trước đây, dù có nằm mơ cô cũng không bao giờ nghĩ đến. Từ chối thẳng thừng nhưng chủ nhà nghỉ vẫn cứ thơn thớt thuyết phục bằng những lời đường mật khiến nhiều lúc Tân cũng nghĩ suy.
Đang lúc phân vân thì lại nhận được tin nhà, Tân đã bần thần ra ngẩn vào ngơ. Đứa con cả của Tân gọi điện sụt sùi: “Mẹ ơi, con thương mẹ vất vả, con chẳng đi học nữa đâu. Con nghỉ học để đi làm với mẹ nhé!”. Sau lời nỉ non ấy là dằng dặc những khoản tiền con chị liệt kê phải đóng góp trong thời gian tới. Không biết khuyên nhủ con thế nào, Tân chỉ nói: “Được rồi! Để mẹ lo! Việc của con là phải học, phải bảo ban em học cho thật tốt!”.
Nói rồi, cô cúp máy. Đêm ấy, tiếng khóc sụt sùi của con cứ vảng vất trong đầu khiến Tân chẳng thể nào chợp mắt. Và cũng đêm ấy, những lời dụ dỗ đường mật của bà chủ nhà nghỉ lại chởn vởn hiện về. Thôi thì đời mình đã vậy, chẳng có gì cho con thì cố mà cho cái chữ. Làm gì cũng được miễn là kiếm được tiền. Nghĩ thế nên từ sau đêm đó, Tân nhắm mắt đưa chân.
Một mình giữa đám lau nhau đứa nào cũng phấn son loè loẹt, Tân bỗng dưng thành thứ hàng độc. Cô bỗng dưng có giá ở khu phố ăn chơi ấy. Tân kể, ngày ấy, mỗi ngày đi hơn chục khách cô kiếm được cả triệu bạc. Số tiền ấy, trước đây, nằm mơ cô cũng chưa thấy bao giờ.
Lệ thư gửi lại cho con
Đang “ăn nên làm ra” thì ổ nhện ấy bị công an “tập kích”. Bị bắt tại trận khi đang hành nghề, Tân được chuyển vào trại phục hồi nhân phẩm. Thời gian đó là vào cuối năm 2006.
Vào nơi cảm hoá, dậy dỗ những cô gái lầm đường lạc bước ấy, Tân khiến mọi người ngạc nhiên bởi chẳng ai nghĩ, ngoài xã hội lại có gái làng chơi lớn tuổi đến vậy. Nhục nhã ê chề, Tân giấu biệt hai con và người thân.
Ở quê, lâu không thấy mẹ viết thư hay gọi điện về, các con cô sốt ruột lắm, nháo nhào hỏi thăm khắp nơi. Thế nhưng chúng cũng chẳng biết mẹ chúng ở đâu mà tìm. Vào trường đúng một năm thì Tân “tốt nghiệp”. Đương nhiên, khi ấy, cô lên xe về thẳng quê nhà. Cô nói tháo rằng, có người rủ sang Trung Quốc làm ăn nên không thể biên thư hay gọi điện về cho các con được. Các con cô tin lời ấy lắm.
Về nhà, cô lại lao vào việc nhà nông. Cuộc sống lại quay về thảm cảnh ngày xưa và món nợ ngày nào vẫn chưa thể trả. Lại những đêm mất ngủ bởi những mối toan lo cứ mồn một trong đầu. Và rồi, giữa sự nghèo túng không lối thoát và việc kiếm được nhiều tiền từ cái nghề… tay trái kia lại khiến cô đắn đo, suy nghĩ. Sau cùng, bóng ma đen tối đã chiến thắng, nẻo thiện chẳng thể níu chân Tân. Cô bảo, khi ấy, cô có nhiều lý do chính đáng để biện minh cho lựa chọn sai trái của mình. Như lần trước, cô lại tạm biệt các con và lặng lẽ lên đường. Lần này, chẳng cần ai mách lối, cô tìm thẳng về Hải Phòng, tìm về khu phố ăn chơi thủơ trước, nơi mà cô đã từng kiếm được những đồng tiền nhơ nhuốc nhưng quá đỗi dễ dàng.
Cũng như lần trước, đúng như những gì Tân đã dự trù, ngày vui ngắn chẳng tày gang, tổ quỷ nơi cô đầu quân lại bị công an đánh sập. Tân lại được đưa vào trường phục hồi nhân phẩm, nơi hơn năm trước, cô đã một lần đến. Tân kể, hôm vào trường, cô ngượng đến tái cả người. Cảnh cũ người xưa tái hợp không xấu hổ thì chẳng phải là người nữa.
Lần vào trường này, Tân chẳng thể giấu hai đứa con của mình. Đã học đến cấp 3 nên những lời nói dối chẳng khiến chúng tin. Tuy nhiên, cái nghề của mình thì tuyệt nhiên Tân giấu. Không biết dò hỏi ai, giáp Tết nguyên đán vừa rồi, đứa con lớn đã xuống thăm cô. Mẹ con gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Khi ấy, cô đã nói với con cô rằng sở dĩ cô phải vào trường này là bởi tội ghi đề thuê. “Không biết con em có tin lời em nói hay không nhưng chẳng thấy nó vặn vẹo gì!”. Tuy nhiên, Tân kể, trong buổi gặp mặt ngắn ngủi ấy, không biết do tự kỷ ám thị hay tại cô quá nhạy cảm mà Tân thấy sự khác thường trong ánh mắt của con mình. Cô lo sợ sự khác thường ấy.
Hỏi chuyện tương lai, Tân cúi đầu yên lặng. Lau nước mắt, cô lí nhí: “Em không biết được. Thời gian nữa, các con em sẽ phải học đại học. Khi ấy càng tốn kém hơn. Có lẽ nghề này em chưa thể nào bỏ được!”.
Từ sau buổi gặp con, không biết học từ ai, cứ khi đêm xuống, cô lại hí hoáy viết thư cho chính những đứa con mình. Cô muốn kể cho các con nghe những việc cô đã trải qua và nỗi lòng của cô khi phải dấn thân vào cái nghề đốn mạt này. Tuy nhiên, những lá thư ấy viết xong nhưng cô không gửi. Bây giờ, nhẩm đếm, những lá thư ấy đã dày đến chừng trăm trang giấy. Tân bảo, khi cần, cô sẽ chuyển những lá thư đẫm nước mắt ấy cho các con mình và hi vọng, khi ấy, các con cô sẽ hiểu và thông cảm cho việc làm của cô.
Đào Tuệ Linh (Còn nữa)