Theo các chuyên gia, đích đến của các trường ĐH phải là chất lượng đào tạo. Vì vậy, kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) nhằm giúp các cơ sở hướng tới đạt được những chuẩn mực chất lượng, đồng thời nhằm giải trình với xã hội về chất lượng đào tạo của trường mình.
Tác động mạnh mẽ đến toàn hệ thống
Theo báo cáo của Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), đại đa số các cơ sở GDĐH đã hình thành bộ phận tổ chức bảo đảm chất lượng bên trong. Có 251/268 cơ sở GDĐH hoàn thành báo cáo tự đánh giá. Có 222 cơ sở GDĐH hoàn thành báo cáo tự đánh giá, được đánh giá ngoài và được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng. Tính đến ngày 31/8/2019, có 123 cơ sở GDĐH được công nhận bởi tổ chức kiểm định trong nước; 7 cơ sở GDĐH được công nhận bởi tổ chức đánh giá, kiểm định quốc tế. Ngoài ra, có 5 trường cao đẳng sư phạm được công nhận bởi tổ chức kiểm định trong nước và 76 Chương trình đào tạo đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá, được kiểm định theo tiêu chuẩn trong nước.
Theo ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), thực tế những cơ sở nào chăm lo tạo điều kiện hoạt động cho hệ thống bảo đảm chất lượng, chất lượng đào tạo sẽ tốt. Trong thời gian tới, một trong những nội dung cần tập trung thực hiện là, kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo. Khoản 5 Điều 33 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH quy định: Trước khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, chương trình đào tạo phải được đánh giá chất lượng; ngay sau khi khóa đầu tiên tốt nghiệp, chương trình đào tạo phải được kiểm định theo quy định của luật này.
Trường hợp không thực hiện đánh giá kiểm định hoặc kết quả đánh giá, kiểm định không đạt yêu cầu, cơ sở GDĐH phải có trách nhiệm cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, bảo đảm quyền lợi cho người học và không được tiếp tục tuyển sinh ngành đào tạo đó cho đến khi đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng.
PGS.TS Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng GD (Hiệp hội các trường ĐH CĐ Việt Nam) cho rằng, KĐCLGD tác động mạnh mẽ đến toàn bộ hệ thống hoạt động trong các cơ sở GD, đặc biệt đến công tác quản trị cơ sở GD.
Theo đó, công tác quản lý cơ sở GD là lĩnh vực chịu tác động đầu tiên. Cụ thể, các cấp quản lý đã thực sự quan tâm đến tính chuyên nghiệp và chuẩn hóa trong công tác quản lý điều hành nhà trường. Lãnh đạo các cơ sở GDĐH chủ động khuyến khích sự tham gia nhiều hơn của các bên liên quan như: Các tổ chức xã hội nghề nghiệp, nhà tuyển dụng, cựu sinh viên, giảng viên, sinh viên... vào công tác quản trị nhà trường, đóng góp ý kiến cho các văn bản cốt lõi của trường và xây dựng chương trình đào tạo.
Ngoài ra, các trường cũng chú trọng hệ thống hóa và chuẩn hóa tài liệu lưu trữ liên quan đến công tác quản lý chương trình. Mặt khác, KĐCLGD còn tác động đến chương trình đào tạo và hoạt động đào tạo; tác động đến đội ngũ cán bộ, giảng viên, đến người học và tác động đến cơ sở GD.
Nên tham gia KĐCL quốc tế
Các cơ sở GDĐH cần sẵn sàng tham gia KĐCL. Ảnh: T.G |
Khẳng định KĐCLGD là cần thiết, PGS.TS Trần Thị Mỹ Diệu - Hiệu trưởng Trường ĐH Văn Lang cho rằng, đây là dịp để mỗi cơ sở GD có cái nhìn tổng quát về mọi hoạt động của trường mình. Từ đó nhận diện những điểm yếu trong công tác tổ chức, làm cơ sở để có giải pháp khắc phục hợp lý và kịp thời. Quá trình thực hiện tự đánh giá và đánh giá ngoài còn giúp cán bộ, giảng viên, nhân viên ý thức rõ rằng, mỗi việc làm cần triển khai theo các bước: Xây dựng kế hoạch - Triển khai thực hiện - Kiểm tra đánh giá - Cải tiến và áp dụng cho những lần sau. Điều này giúp mỗi đơn vị chủ động tìm kiếm giải pháp khả thi để cải tiến nâng cao chất lượng hoạt động của đơn vị mình.
Ở góc nhìn khác, GS.TSKH Đặng Ứng Vận - Ủy viên Hội đồng quản trị (Trường ĐH Hòa Bình) bày tỏ, kiểm định chương trình đào tạo là tất yếu. Cách tiếp cận áp đặt từ trên xuống trong KĐCL cơ sở GD đã phát huy tác dụng tốt ở giai đoạn đầu triển khai KĐCL và có hiệu quả rộng hơn so với KĐCL chương trình đào tạo.
Sau khi khởi động thành công, thông qua KĐCL cơ sở GD, tới đây cách tiếp cận cần được linh hoạt, chuyển sang tác động từ dưới cơ sở lên mức cao hơn. Tức là, cần có hệ thống các biện pháp, chính sách khuyến khích KĐCL, tạo động lực thúc đẩy sự chủ động tham gia bảo đảm chất lượng của các giảng viên và cán bộ quản lý ở cấp khoa. Và KĐCL chương trình đào tạo sẽ thực hiện trách nhiệm đó. Ngoài ra, cần hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên trách công tác bảo đảm chất lượng ở các khoa thông qua tập huấn, đào tạo, hướng dẫn, xây dựng mạng lưới diễn đàn chung để trao đổi ý kiến và học tập lẫn nhau.