Bài 1: Giật mình với tục “trộm vợ” thời hiện đại

GD&TĐ - “Trộm vợ” là phong tục truyền thống của người Thái ở miền Tây xứ Nghệ. Nhưng qua thời gian, từ trộm vợ, nhiều trường hợp bị biến tướng thành cướp vợ khi không được sự đồng tình của cô gái.

Bài 1: Giật mình với tục “trộm vợ” thời hiện đại

Một mỹ tục nhằm giải phóng tình yêu, đem đến tự do hôn nhân lại bị lợi dụng với nhiều hành động biến tướng để cướp đi tự do của con người, trở thành một hủ tục thời hiện đại, để lại nhiều câu chuyện buồn day dứt mà không phải ai cũng dám lên tiếng đấu tranh chống lại, nhất là đối với các cô gái trẻ.

“Trộm vợ” là phong tục truyền thống của người Thái ở miền Tây xứ Nghệ. Nhưng qua thời gian, từ trộm vợ, nhiều trường hợp bị biến tướng thành cướp vợ khi không được sự đồng tình của cô gái. Một mỹ tục nhằm giải phóng tình yêu, đem đến tự do hôn nhân lại bị lợi dụng với nhiều hành động biến tướng để cướp đi tự do của con người, trở thành một hủ tục thời hiện đại, để lại nhiều câu chuyện buồn day dứt mà không phải ai cũng dám lên tiếng đấu tranh chống lại, nhất là đối với các cô gái trẻ.

Nữ sinh 2 lần chống lại tục trộm vợ

Một tháng sau sự việc 2 lần liên tiếp chống lại tục trộm vợ, gặp Hà Thị Hồng T. (HS Trường THPT Quỳ Hợp 3, Nghệ An) em đã ổn định tâm lý và trở lại học tập bình thường. Nhắc lại câu chuyện, em vẫn còn chút căng thẳng.

Người con trai 2 lần trộm Hà Thị Hồng T. về làm vợ là người ở bản bên cạnh. Trước đó, 2 người có gặp và biết nhau, nhưng người con trai sau đó đi làm ăn trong miền Nam, còn T. thì đi học ở Trường THPT Quỳ Hợp 3, không có liên lạc gì.

“Tết năm nay, anh ấy đi làm ăn xa về, tối mùng 1 có vào nhà em chơi. Thấy bố bảo em đi mua rượu, thì anh nói để anh chở đi. Nhưng dọc đường lại bắt em về làm vợ. Sợ quá nên em liều nhảy xuống, nhìn thấy một nhà dân đang sáng đèn thì chạy vào nhờ gọi điện thoại cho anh trai đến đón”, T. kể lại.

Nhưng đến hôm mùng 4 Tết, T. lại bị chàng trai này bắt lần thứ 2. Lần này, bắt về đến nơi, nhà trai đã chuẩn bị sẵn xôi, 2 quả trứng gà luộc, một chum rượu chéo cần để chuẩn bị cho lễ “cúng ma nhà”. Nữ sinh nhớ lại: “Bắt em vào nhà, họ nói em ngồi trước mâm lễ vật để cúng. Em nhớ có người nói nếu ăn xôi, uống rượu chéo cần rồi, thì sẽ trở thành người nhà họ nên em nhất quyết không chịu ăn uống gì, và đạp đổ mâm lễ. Sau đó em còn bứt sợi dây buộc 2 cần rượu cho đứt đi. Thấy em phản ứng quyết liệt thì người nhà họ cũng phải chịu, nhưng vẫn giữ em trong nhà không cho đi đâu”. Suốt cả đêm không thấy em gái về nên anh trai T. lại phóng xe đi tìm. Lúc đó, ngồi trên bậc cầu thang nhà sàn, thấy bóng anh trai đi qua, T. vội vàng gọi rồi nhanh chân nhảy xuống chạy theo xe anh thoát về nhà.

Hỏi T. em có sợ không, tại sao em lại có dũng khí để chống lại cả gia đình người con trai đó, nữ sinh tâm sự: “Em chưa nghĩ đến việc lấy chồng, và cũng không có tình cảm với anh ấy. Em đang muốn đi học để có một việc làm tốt sau này. Cũng may là bố mẹ ủng hộ em nên giúp em vượt qua được định kiến mà nhiều người vẫn nói bị trộm về rồi thì phải làm người nhà đó”.

Hà Thị Hồng T. cũng chia sẻ, một trong những lý do nữa mà em không lấy chồng sớm là vì câu chuyện của một người bạn thân ở cùng phòng trọ đi học. Nhưng cuối năm lớp 10, bạn bị trộm vợ rồi lấy chồng. Giờ đây, bạn đã có một đứa con, cuộc sống vất vả lắm, bạn cũng không liên lạc gì với ai trong lớp nữa…

Năm nay, T. đang học lớp 12, nhiều năm liền em là học sinh giỏi toàn diện, năm lớp 11 em cũng lọt vào đội tuyển dự thi HSG tỉnh môn Địa lý. Nữ sinh chia sẻ: “Em đang cố gắng học tập và dự định sau khi tốt nghiệp THPT sẽ đi du học ở Đài Loan. Sau này, em sẽ có được nghề nghiệp, và có thể tìm cho mình một công việc tốt, có thu nhập về giúp đỡ bố mẹ. Em đang còn cả một tương lai phía trước, nên chưa thể lấy chồng vào lúc này.

Vẫn còn những lời ru buồn

Tuy nhiên, trường hợp dám chống lại tục trộm vợ như em T. không nhiều. Theo trải lòng của cô giáo Võ Thị Đông, người nhiều năm giảng dạy tại Trường THPT Quỳ Hợp 3, cô đã không ít lần chứng kiến việc học trò nghỉ học để lấy chồng, lấy vợ. Có nhiều em đến giờ nhớ lại cô vẫn không giấu được vẻ nuối tiếc như em Hồng V. (xã Châu Tiến), là học sinh cũ của cô cách đây 2 năm. Thời điểm đó, V. đang học lớp 12, sau khi nghỉ Tết, thầy cô không thấy V. đến lớp, hỏi ra mới biết em đã được một thanh niên trong xã trộm về làm vợ, và đã làm đám cưới. Sau đó được gia đình chồng và thầy cô động viên, V. quay lại đi học. Cô gái có tố chất, là học sinh giỏi Văn của trường. Nhưng không ít lần, em tỏ ra mệt mỏi và ngủ gật trên lớp vì nhiều lý do: Con ốm, làm việc nhà, đi rẫy… Ít lâu sau, em nghỉ học hẳn, không theo học hết lớp 12. Vậy là những ước mơ thuở đi học của một nữ sinh giỏi Văn khép lại…

Theo cô Đông, có nhiều nguyên nhân mà tình trạng tảo hôn, trộm vợ vẫn xảy ra. Phần vì theo tập tục lâu đời của người Thái nơi đây, thanh niên 15, 16 tuổi là đã đến tuổi lập gia đình. Các em yêu sớm, nhận thức pháp luật còn hạn chế nên cưới sớm. Phần nữa là do nhiều em nữ bị trộm về làm vợ, với quan niệm của người Thái, như thế là đã thành ma của nhà trai, các em không dám vượt qua định kiến này, đành chấp nhận sự đã rồi.

Bà Vi Thị Hoa – Phó Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Quỳ Hợp - cho biết: “Hầu hết các vụ trộm vợ xảy ra khi cô gái chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình. Chính quyền địa phương sẽ không cho đăng kí kết hôn và xử phạt hành chính về hành vi tảo hôn. Tuy nhiên nhiều cặp đôi vẫn làm lễ cưới, sinh con đẻ cái, đợi đến khi đủ tuổi mới đi đăng kí”.

Bà Hoa cũng nói thêm: Việc xử lý các trường hợp như thế này rất khó bởi vì liên quan đến phong tục của đồng bào Thái. Một lý do nữa là các em gái sợ định kiến, cam chịu khi bị trộm làm vợ. Mặt khác, các vụ trộm vợ thường vào dịp Tết, ở vùng sâu vùng xa, khi cơ quan chức năng nắm được thông tin thì 2 bên gia đình đã tổ chức đám cưới.

Bài 2: Giúp học sinh tự tin vượt qua hủ tục

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Yêu chay” không có nghĩa là mối quan hệ thiếu tình yêu. (Ảnh: ITN)

Vì sao 'yêu chay' ngày càng phổ biến?

GD&TĐ - Có tới 40 triệu người Mỹ đang trong các mối quan hệ lãng mạn không quan hệ tình dục. Đáng nói,phần lớn những người này hoàn toàn hài lòng với điều đó.