Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi
Bạch Ngọc là xã vùng III của huyện Vị Xuyên, xã hiện có 871 hộ với gần hơn 4.000 khẩu, sinh sống ở 9 thôn, bản. Hiện tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo của xã chiếm hơn 50%. Với trên 80% dân số sinh sống bằng nghề nông nên những năm qua, xã tập trung đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trâu, dê, trồng lúa và nghề rừng. Năm 2017, thu nhập bình quân đầu người đạt 16,5 triệu đồng/người/năm, tăng 1,5 triệu đồng so với năm 2016. Kinh tế tuy có phát triển nhưng chưa theo hướng hàng hóa, sản xuất, chăn nuôi vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún; người dân, chưa mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất...
Ông Nguyễn Văn Vinh, Chủ tịch UBND xã Bạch Ngọc cho biết, xác định việc tái cơ cấu nông nghiệp phải phù hợp với định hướng phát triển KT - XH của địa phương, xã tập trung phát triển sản xuất với các loại cây, con thế mạnh. Hiện xã hướng tái cơ cấu nông nghiệp tập trung vào 3 loại cây đó là cây lúa, cây chít, cây keo và 2 loại con là trâu, dê. Với cây lúa, chính quyền xã xác định phát triển theo hướng sử dụng giống năng suất, chất lượng cao, gắn với thực hiện cánh đồng “5 cùng” và đưa cơ giới hóa vào sản xuất.
Đặc biệt tại xã đang có mô hình trồng cây chít làm vùng nguyên liệu cho Làng nghề Chổi chít Việt Lâm (Vị Xuyên) cũng đang từng bước mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi đây. Cây chít ở Bạch Ngọc rất phát triển, trước đây chủ yếu mọc tự nhiên và tập trung nhiều ở các thôn như: Ngọc Sơn, Ngọc Lâm, Khuổi Vài, Khuổi Dò.
Trong những năm gần đây, nhu cầu sử dụng bông chít làm nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm từ chít khá lớn, do đó người dân đã trồng chít trên nương, vườn rừng gia đình. Chính quyền xã đã lựa chọn cây giống để trồng chít tập trung, tạo ra sản phẩm hàng hóa ổn định, mang lại nguồn thu nhập bền vững cho người dân. Hiện, toàn xã có hơn 80 ha chít, sản lượng thu hoạch bình quân là hơn 85.000 bông/ha. Năm 2017, thu nhập bình quân đạt gần 15 triệu đồng/ha.
Với “2 con” trâu và dê, chính quyền xã tập trung chỉ đạo bà con tích cực trồng cỏ gắn với phát triển chăn nuôi đại gia súc, mở rộng diện tích trồng cỏ ở khu vực bãi soi, chân đồi và những diện tích đất canh tác kém hiệu quả.
Hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn vay
Hiện toàn xã Bạch Ngọc có gần 50 hộ dân vay vốn theo Nghị quyết số 209 và 86 của HĐND tỉnh Hà Giang, với tổng số tiền gần 4 tỷ đồng; các hộ dân sử dụng nguồn vốn chủ yếu để phát triển chăn nuôi. Từ nghị quyết, đàn trâu của xã đã tăng lên nhanh chóng. Đến nay, toàn xã có 2.247 con trâu; trong đó, nhiều gia đình có đàn trâu quy mô từ 5 đến 15 con.
Gia đình anh Giàng Mí Dình, thôn Minh Thành, là một trong những hộ được vay vốn đề phát triển chăn nuôi. Trong tâm trạng hồ hởi, anh Dình chia sẻ: “Năm 2017, gia đình mạnh dạn vay 80 triệu đồng từ Nghị quyết số 209 của HĐND tỉnh mua 4 con trâu cái, đến nay, 1 con đã đẻ. “Nhờ có nguồn vốn vay gia đình tôi cơ hội phát triển kinh tế. Giờ phải tập trung trồng cỏ, chăm sóc tốt để đàn trâu phát triển, đẻ nhiều con; hy vọng sau 3 - 4 năm, tôi có thể trả được hết vốn vay, xây được nhà to và mua được xe mới”, anh Dình phấn khởi nói.
Thời gian tới, chính quyền xã Bạch Ngọc tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách về nông nghiệp, nông thôn bằng nhiều hình thức để nhân dân nắm và tiếp cận, tập trung vào việc triển khai thực hiện; tăng cường chỉ đạo đẩy mạnh chuyển đổi khung thời vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa; tuyên truyền, vận động nhân dân tận dụng triệt để diện tích đất trống để trồng trọt; thúc đẩy phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa…
Có thể thấy, bằng việc vận dụng linh hoạt các chính sách của tỉnh và hỗ trợ xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế điển hình, xã Bạch Ngọc đang từng bước cụ thể hóa việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh với mục tiêu cốt lõi là nâng cao giá trị cây trồng, giá trị gia tăng của sản phẩm và thu nhập cho người dân.