Bậc thầy bonsai ở Dubai

GD&TĐ - Khi lần đầu mua cây cảnh vào những năm 1980, ông Robert MacNair (Scotland), không hề biết rằng nó sẽ là khởi đầu đam mê suốt đời mình.

Ông MacNair cắt tỉa cây cảnh tại nhà riêng ở Dubai.
Ông MacNair cắt tỉa cây cảnh tại nhà riêng ở Dubai.

Đó là cây bách xù mỏng manh được ông mua với giá vài trăm bảng Anh từ cửa hàng hoa mà nhân viên còn bối rối về cách chăm sóc nó.

Từ cái cây chết đến doanh nghiệp bonsai

Cái cây ấy đã chết trong vòng 3 tháng. Cây bonsai thứ 2, được gọi là sồi rừng, tưởng như cũng chịu chung số phận cho đến một buổi sáng, ông Robert MacNair phát hiện điều gì đó bất thường đã xảy ra. “Tôi có thể nhìn thấy rất nhiều chấm nhỏ màu xanh lá cây”, ông nói, “Đó là những chiếc lá mới”.

Vài thập kỷ sau, cây đó vẫn phát triển mạnh và ông MacNair, nay đã 67 tuổi, trở thành bậc thầy cây cảnh ở Dubai sau khi chuyển đến Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) hơn 15 năm trước. Ông là một người đam mê tự học, nhà sưu tập, giáo viên và người bán hàng trong thế giới nghệ thuật cổ xưa.

Đó là quá trình tưới nước, cắt tỉa, ghép và uốn cành tinh tế bằng cách sử dụng dây nhôm để tạo ra dáng cây cổ thụ thu nhỏ. Công việc được thực hiện hoàn toàn bằng tay và không dành cho người vội vàng.

Biệt thự của ông đã trở thành một khu vườn với hàng trăm cây cảnh xinh xắn. Đây là thế giới mà bình yên ngự trị, khác hẳn thành phố sầm uất bên ngoài.

“Chúng tôi tuân theo các quy tắc của Nhật Bản”, ông MacNair nói khi đang tỉ mỉ cắt tỉa một cây cảnh, “Nhưng tôi không theo tất cả phong cách Nhật Bản. Tôi thiên về phong cách tạo kiểu tự do hơn”.

Không có điều gì về cây cảnh mà ông MacNair không trả lời được. Ông có thể giải thích chi tiết về hỗn hợp đất tốt nhất, đồng thời kể những giai thoại về cuộc sống đầy màu sắc đã khiến ông rời Scotland năm 19 tuổi và tránh con đường y học để du lịch khắp thế giới. Ông MacNair từng làm việc ở Mỹ trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản vào những năm 1980; ở Pháp những năm 1990 và sau đó là Nga trước khi tới UAE.

Năm 2006, ông chuyển đến Dubai để làm việc trong lĩnh vực bất động sản và thành lập doanh nghiệp Bonsai Middle East của mình năm 2011. Bonsai và Dubai có vẻ là một sự kết hợp bất thường nhưng ông đã nhìn thấy rõ ràng khoảng cách trên thị trường. Khi ra mắt trang web năm 2013, ông cho biết mỗi tháng chỉ có 2 người truy cập nhưng ngày nay con số này đã lên tới 600 nghìn.

Ông đặt sự quan tâm ngày càng tăng đối với việc cây cảnh trở thành biểu tượng địa vị, sự tò mò và đại dịch Covid-19. Năm 2020, khi dịch bệnh bùng phát, ông cho biết: “Đó là một năm bội thu. Mọi người đều muốn thứ gì đó từ thiên nhiên”.

Ông MacNair tưới cây cảnh tại biệt thự của mình.

Ông MacNair tưới cây cảnh tại biệt thự của mình.

Dây được quấn quanh cành để cây bonsai phát triển theo hình dạng cụ thể.

Dây được quấn quanh cành để cây bonsai phát triển theo hình dạng cụ thể.

Một trong nhiều cây bonsai mà ông MacNair trồng và chăm sóc tại nhà riêng ở Dubai.

Một trong nhiều cây bonsai mà ông MacNair trồng và chăm sóc tại nhà riêng ở Dubai.

“Vua sa mạc”

Người ta tin rằng nghệ thuật bonsai có nguồn gốc từ Trung Quốc từ hàng nghìn năm trước và nhiều loại hình nghệ thuật sau đó đã phát triển ở Nhật Bản. Từ bonsai có nghĩa đen là trồng khay. Cây bonsai, có thể cao từ vài centimet đến khoảng một mét, trồng trong các thùng nhỏ và cần được chăm sóc chuyên nghiệp.

Ông MacNair chỉ bán những cây bonsai phù hợp với khí hậu của UAE. Phổ biến nhất là cây carmona, với những bông hoa màu trắng tuyệt đẹp, cùng với cây du Trung Quốc, cây thông, cây premna... Vào mùa Hè, cây cần tưới nước 3 lần/ngày nếu trồng ngoài trời nhưng tưới ít hơn nhiều nếu để trong nhà.

“Mọi người trong thế giới cây cảnh gọi tôi là ‘vua sa mạc’”, ông kể, “Họ rất ngạc nhiên khi tôi có thể làm được điều đó ở đây”. Những cây cảnh khác như phong đỏ hay hoa anh đào cần có mùa Đông để tồn tại. “Bạn không thể để nó trong tủ lạnh”, ông cười và cho biết. Giá cây bonsai khởi điểm là 490 dirham nhưng sau đó có thể lên tới hàng trăm nghìn dirham. Ông cũng nhập cây từ nước ngoài như Indonesia.

“Theo truyền thống, cây bonsai thường được lấy từ tự nhiên theo cách mà người Nhật gọi là “yamadori””, ông MacNair giải thích. Chúng có thể là những cây non, còi cọc hoặc mọc trong điều kiện khô cằn trên núi hoặc đỉnh vách đá và được những người săn cây cảnh chuyên nghiệp thu thập trước khi tạo ra tác phẩm nghệ thuật thu nhỏ.

Rễ của cây bonsai.

Rễ của cây bonsai.

Ông McNair thay chậu cho cây.

Ông McNair thay chậu cho cây.

Rễ cây bonsai lộ ra khi ông MacNair thay chậu.

Rễ cây bonsai lộ ra khi ông MacNair thay chậu.

Ông MacNair lưu ý rằng, cây dại thường có thể là cây tốt nhất vì thiên nhiên đã đảm nhiệm “80% công việc”. Tuy nhiên, ông cảnh báo ở nhiều nơi việc lấy cây mà không có sự cho phép của cá nhân hoặc chính phủ là bất hợp pháp.

Cây cảnh ngày nay cũng được trồng từ hạt hoặc cành giâm trong vườn ươm, nơi ông MacNair nhập về, trong một quá trình phát triển kéo dài hàng thập kỷ. Khi kiểm tra các cây, tưới nước và cắt tỉa, ông MacNair cho biết, có thể phải mất hàng thập kỷ để hạt giống trở thành cây. “Các vườn ươm ở Nhật Bản đã lên kế hoạch trước hàng trăm năm. Chi phí cây chỉ đơn giản là tùy vào lượng thời gian và sự chăm sóc mà chúng cần”, ông nói.

Ông cũng trở thành chuyên gia cứu hộ và phục hồi cây. Biệt thự của ông có nơi giống như một khu bệnh viện cây cảnh. Một chiếc cưa máy thu nhỏ cho phép ông cắt bỏ những cành cây không mong muốn. Một loạt các công cụ bằng thép không gỉ để cắt tỉa cây một cách chuyên nghiệp.

Theo ông MacNair, hiện nay trên toàn thế giới đang thiếu cây cảnh tốt, đặc biệt là khách hàng đến từ Trung Quốc. “Chúng tôi vẫn làm điều đó vì mọi người đã biết tôi khoảng 30 năm rồi”, ông nói, “Đó là một công việc kinh doanh lớn. Chúng tôi bán rất nhiều cây cảnh”.

Ông cũng tiếp đón những khách hàng, chuyên gia và người đam mê từ mọi tầng lớp xã hội và mọi quốc tịch, trong đó có một số khách VIP từ khắp nơi trên thế giới. Ông thậm chí còn tổ chức các lớp học và cung cấp dịch vụ để mọi người có thể gửi cây cảnh khi họ đi du lịch.

Ngồi trong vườn nhà mình, xung quanh là những cây bonsai với tiếng chim hót líu lo trong nắng sớm, ông MacNair suy ngẫm về cuộc đời cống hiến cho cây cảnh. “Đối với tôi, điều đó không có gì huyền bí cả, nhưng khi đã trót đam mê thì cây cảnh sẽ bên mình suốt đời”, ông nói.

Theo National news

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...