Bác sĩ nơm nớp lo bị bạo hành

Gần đây, báo chí liên tiếp nhắc đến những vụ bạo hành trong bệnh viện, bác sĩ bị người nhà, bệnh nhân tấn công, uy hiếp. 

Ảnh cắt từ video của Bệnh viện Việt - Tiệp (Hải Phòng), bệnh nhân lao từ cáng cấp cứu xuống và lao vào đánh bác sĩ trực khoa Cấp cứu.
Ảnh cắt từ video của Bệnh viện Việt - Tiệp (Hải Phòng), bệnh nhân lao từ cáng cấp cứu xuống và lao vào đánh bác sĩ trực khoa Cấp cứu.

Mới đây nhất, đêm 27/10/2015, một nhóm côn đồ xông thẳng vào khoa Cấp cứu Bệnh viện tỉnh Quảng Ngãi khiến bác sĩ phải tháo chạy. 

Nhiều người trong ngành y cho rằng, sự việc được đưa lên mặt báo như thế chỉ là “bề nổi của tảng băng trôi”, bởi thực tế, có rất nhiều sự việc tương tự đã không được công khai.

Những vụ bạo hành nhanh chóng bị “chìm xuồng”

Nghiêm trọng nhất trong “vệt đen” thông tin liên quan đến bác sĩ, nhân viên y tế bị bạo hành có lẽ là cái chết thương tâm của bác sĩ Phạm Đức Giàu (Bệnh viện huyện Vũ Thư, Thái Bình) bị người nhà bệnh nhân đâm chết vào ngày 16/8/2011. 

Ngoài việc xét xử người gây án theo quy định của pháp luật, cơ quan chức năng đã không làm gì thêm để ngăn chặn sự việc. Một thời gian sau, hiện tượng bạo hành y tế càng nổi cộm và tần suất càng dày đặc, song những sự việc này cũng nhanh chóng rơi vào quên lãng.

Điển hình, bác sĩ Phạm Văn Kiên ở Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Thành (Hải Dương) cho biết, ông bị chém đứt 3 ngón tay vào ngày 22/5/2015. Bác sĩ Kiên ngay sau đó gửi đơn tố cáo lên Công an huyện Kim Thành, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. 

Sau đó, sự việc mẹ của bệnh nhi ra tay đánh nữ bác sĩ tại Bệnh viện quận Tân Phú (TPHCM) vào ngày 18/8/2015. Lãnh đạo bệnh viện cũng trình báo công an địa phương, vị phụ huynh cũng thừa nhận “bác sĩ không có lỗi gì nhưng tôi vẫn đánh”. 

Thế mà đến nay, bác sĩ vẫn chưa nhận được một lời xin lỗi nào từ người nhà. Sự việc nhanh chóng bị “chìm xuồng”. Mới đây, ngày 7/10, tại khoa Cấp cứu Bệnh viện Việt - Tiệp (Hải Phòng), một bệnh nhân phi thẳng từ cáng xuống để đánh các bác sĩ trực cấp cứu vì cho rằng bác sĩ “hành” cha con mình phải làm quá nhiều thủ tục xét nghiệm. Nhưng vì bệnh nhân đánh không trúng bác sĩ nên... sự việc không được ai biết đến.

TS.BS Võ Xuân Sơn - Giám đốc Phòng khám Quốc tế Exson, người lập ra trang web “Chống bạo hành y tế” - cho biết trên web: Các bác sĩ, nhân viên y tế đến từ các bệnh viện đã chia sẻ những sự việc tương tự. 

Tuy nhiên, đó chỉ là những sự việc mà người trong cuộc biết với nhau. Tâm lý bác sĩ, nhân viên y tế chẳng mấy ai muốn “la làng” khi chịu một cái tát tai, một cú đẩy, một lời đe dọa… 

Bởi ngay cả những sự việc lớn hơn cũng không được xử lý rốt ráo. BS Sơn cũng cho rằng, phân tích sâu, trong những vụ bạo hành y tế, người chịu thiệt thòi nhất không phải là bác sĩ, nhân viên y tế mà lại chính là bệnh nhân: 

“Làm việc khi sự an toàn về tính mạng không được bảo đảm, nhân phẩm và danh dự có thể bị xúc phạm bất cứ lúc nào, bác sĩ, nhân viên y tế không thể toàn tâm toàn ý phục vụ người bệnh. 

Nguy hiểm hơn, trong tâm trạng vừa phải đề phòng, vừa bị ức chế như vậy, rất dễ xảy ra các sai sót y khoa và người bệnh sẽ hứng chịu”.

Cải thiện “lỗi hệ thống”

Bàn về vấn đề này, bác sĩ Trịnh Tất Thắng - Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TPHCM - cho rằng, để xảy ra những vụ bạo hành như thời gian gần đây không thể chỉ đổ lỗi cho bệnh viện. 

Nên xem bạo hành y tế là hiện tượng chung. Bên cạnh đó, ngành y đang chịu một nỗi áp lực khủng khiếp do sự quá tải. Vào bệnh viện, với tâm trạng mệt mỏi, lo lắng, bệnh nhân tỏ ra quá khích là chuyện dễ hiểu. 

Bác sĩ, nhân viên y tế làm việc giữa một “rừng” bệnh nhân cũng khó lòng giữ được sự mềm mỏng, nhẹ nhàng. Điều này khiến mối quan hệ giữa bệnh nhân, thầy thuốc dần trở nên xấu đi. 

Do đó, bác sĩ Thắng cho rằng, những biện pháp mà Bộ Y tế đưa ra trong thời gian gần đây là rất quan trọng để cải thiện “lỗi hệ thống”. Đó là các quy tắc ứng xử của ngành y; những đầu tư cho ngành y tế để cải tiến dịch vụ tốt hơn, mở rộng khám chữa bệnh tuyến tỉnh, giảm tải cho các bệnh viện chuyên khoa, bệnh viện tuyến cuối.

Theo bác sĩ Võ Xuân Sơn, chống bạo hành y tế là việc phải thực hiện trong thời gian dài, không thể giải quyết trong ngày một ngày hai. Nhất là cần có những thay đổi về mặt pháp lý. 

“Về mặt pháp lý, chúng ta có luật xử lý chống người thi hành công vụ, chống hiện tượng sử dụng bạo lực để làm thương tổn cho người khác. 

Tuy nhiên, việc ứng dụng những luật này để xử lý các đối tượng bạo hành bác sĩ, nhân viên y tế còn khó khăn. Hiện nay, luật chỉ xử những đối tượng xảy ra thương tích nghiêm trọng cho bác sĩ, nhân viên y tế. 

Tuy nhiên, những tổn thương tinh thần đã không được xử lý. Do vậy, chống bạo hành y tế cần có những quy định cụ thể hơn về mặt pháp lý. 

Bên cạnh hình thức xử phạt đối với đối tượng bạo hành, cần quy định rõ trách nhiệm của đơn vị liên quan như cơ quan an ninh trật tự, người làm lãnh đạo bệnh viện” - bác sĩ Sơn phân tích.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM) - cho rằng, lãnh đạo các bệnh viện cần phải công khai những vụ bạo hành y tế và các cơ quan chức năng phải khởi tố người bạo hành. 

Bên cạnh đó, giải pháp tạm thời, các bệnh viện nên trang bị camera ở các khoa để ghi lại những sự việc, để giám sát và kịp thời nhờ công an khu vực can thiệp những tình huống xảy ra va chạm.

Theo laodong.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ