“Dù chỉ còn một tia hi vọng, tôi cũng sẽ cố gắng tới cùng…”
“Anh bị suy thận giai đoạn cuối, các chỉ số đều quá cao, vượt ngưỡng bình thường. Nếu như không có gì thay đổi, không được lọc máu thì cùng lắm chỉ 1, 2 tuần nữa là tử vong”.
Lời nói của cô bác sĩ như sét đánh ngang tai. Chàng trai 27 tuổi sau đó bị từ chối nhập viện với lý do “không còn sống được bao lâu nữa”.
Mặt đất dưới chân chàng trai như đổ sụp xuống. Không còn gì để bấu víu, không còn gì để hi vọng, anh và người mẹ khắc khổ cứ thế ôm nhau khóc.
24/07/2006, đó là ngày định mệnh mà Nguyễn Ngọc Sơn (quê khu 3, phường Thanh Vinh, thị xã Phú Thọ) không thể nào quên. Sáu năm trời xa nhà, vất vả đèn sách, hai tấm bằng đại học và mơ ước thành công để bố mẹ tự hào, chỉ trong ngày hôm ấy, Sơn thấy tất cả như tiêu tan.
Chân dung anh Nguyễn Ngọc Sơn.
“Tối đó, hai mẹ con nằm quay lưng về phía nhau nhưng vẫn cảm nhận được tấm lưng của người kia run lên bần bật vì khóc. Mình thao thức nhớ về gia đình, về thời thơ ấu, về những khát khao ngày mới nhập học mà nuối tiếc khôn nguôi. Những dòng thơ cứ tự nhiên tuôn trào ra. Nghĩ đến đâu, mình bật dậy ghi lại đến đó", Sơn bồi hồi nhớ lại.
Bài thơ đầu tiên viết về mẹ, khắc khoải tới đau lòng: “…Mẹ ơi! Con muốn mẹ cười/Từ nay mẹ mãi thương người khổ đau/Con người ai cũng như nhau/ Biệt ly - là chuyện trước sau thôi mà…”
Suốt đêm hôm ấy, đã có tới 21 bài thơ như thế được ra đời.
Không đầu hàng trước số phận, sáng hôm sau, hai mẹ con khăn gói xuống bệnh viện Bạch Mai với hi vọng sẽ có cơ hội được nhập viện. Sơn bảo, dù chỉ còn một tia hi vọng, anh cũng sẽ chiến đấu tới giờ phút cuối cùng.
May mắn thay, anh được bệnh viện chấp thuận. Sau 43 ngày cấp cứu ở bệnh viện Bạch Mai, Sơn được giới thiệu về bệnh viện đa khoa tỉnh tiếp tục điều trị. Thoát khỏi “lưỡi hái của tử thần”, anh dần khỏe hơn và có thể tiếp tục sống bằng việc duy trì chạy thận hàng tuần.
Những dòng thơ Sơn viết trong đêm đầu tiên khi biết được bệnh tình của mình, cùng những dòng thơ, dòng nhật kí anh viết sau này khi điều trị ở bệnh viện đã được xuất bản thành sách đầu năm 2008 với tên gọi “Xin đừng khóc nữa mẹ ơi”. Cuốn sách ngay khi ra đời đã gây xúc động mạnh và trở thành nguồn cảm hứng sống cho cho rất nhiều người.
13 năm qua, đều đặn vào các ngày thứ ba, năm, bảy hàng tuần, Sơn lại vượt quãng đường 32km bằng xe máy để tới bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ chạy thận. Không ủ rũ với bệnh tật, ngày ngày, anh vẫn gặp gỡ bạn bè, viết sách, chăm làm kinh tế, đi từ thiện. Anh trở thành tấm gương cho rất nhiều bệnh nhân chạy thận nói riêng và bệnh nhân đang mắc các bệnh hiểm nghèo nói chung.
Cảm hứng sống đến từ chàng trai “không bình thường”
Từ khi cuốn sách đầu tiên ra đời, Sơn trở nên khá nổi tiếng. Các tờ báo, các đoàn làm phim tìm tới anh rất nhiều. Anh cũng nổi tiếng hơn với giới bệnh nhân chạy thận. Các bác sĩ giới thiệu anh như một điển hình cho nghị lực, niềm lạc quan trong cuộc chiến với bệnh tật.
Nhưng lý do tôi biết Sơn lại không phải theo cách thông thường như vậy.
Trong căn phòng nhỏ chưa tới 10m2 tại xóm chạy thận Lê Thanh Nghị (Hà Nội), bà Tuất, một bệnh nhân lâu năm đang nằm nghỉ sau ca chạy thận. Lướt mạng xã hội và tìm kiếm một trang cá nhân nào đó, người phụ nữ trung niên lẩm nhẩm theo những bài đăng, mỉm cười thích thú.
“Người đó là ai vậy ạ?”, Tôi không khỏi tò mò
“Một cậu trai đặc biệt. Tôi chưa từng được gặp cậu này, nhưng nghe nhiều bệnh nhân kể mà biết. Cậu này cũng chạy thận như tôi nhưng giỏi lắm, làm thơ hay, làm kinh tế giỏi lại còn chăm đi từ thiện. Nhìn thấy cậu trai này tự nhiên thấy vui vẻ, lạc quan hẳn", bà Tuất hồ hởi chia sẻ. Hỏi ra mới biết, trong xóm chạy thận này, có rất nhiều bệnh nhân dành cho Sơn những tình cảm đặc biệt như thế.
Đó là lần đầu tiên tôi biết tới Nguyễn Ngọc Sơn. Có gì đặc biệt ở người đàn ông này khiến những người chưa từng gặp hứng thú với các câu chuyện về anh tới như vậy? Thế là tôi tìm gặp Sơn,
Sơn năm nay 40 tuổi, dáng người gầy còm nhưng hết sức nhanh nhẹn. Đúng như Sơn nói, nhìn anh mạnh khỏe, tháo vát như thế này, có lẽ ít ai biết rằng anh là bệnh nhân chạy thận nhân tạo đã 13 năm.
Cho gà ăn là công việc thường ngày của Sơn.
Khi tôi đến, Sơn vẫn đang cặm cụi với công việc chuồng trại. Chuồng gà gần 200 con, là nguồn thu nhập chính hàng ngày của Sơn. Từ cho gà ăn tới dọn dẹp, dội rửa chuồng gà, tất cả đều một tay Sơn làm. Mỗi lần lên bệnh viện tỉnh chạy thận, anh lại mang kèm theo gà, trứng để giao cho khách. Ngoài nuôi gà, anh còn nuôi thêm chim, trồng cây cối, rau màu để kiếm thêm kinh tế.
“Các bác sĩ ở bệnh viện vẫn thường đùa vui với mình: Anh Sơn thì không ai địch lại được rồi. Làm còn khỏe hơn cả người bình thường", anh Sơn vui vẻ kể.
Công việc bận rộn, Sơn vẫn dành phần lớn thời gian trong cuộc sống hàng ngày cho một việc thật đặc biệt: làm từ thiện. Anh lập ra cộng đồng “Thận nhân tạo và những người bạn” trên mạng xã hội để hàng ngày tư vấn, tìm ra hướng đi cho những hoàn cảnh giống mình. Sơn cũng tích cực tới các trung tâm thận nhân tạo trên khắp cả nước để trực tiếp ủng hộ cũng như kêu gọi quyên góp cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn.
“Mình đã có bát cơm ăn thì hi vọng những bệnh nhân chạy thận khác cũng có bát cháo, cũng được cứu giúp”, Sơn tâm sự.
Bất kì chuyến đi thiện nguyện tới các bệnh viện nào, dù ở các tỉnh xa, Sơn đều cố gắng có mặt, thậm chí có những khi anh chỉ đi một mình. Với những chuyến đi dài ngày, Sơn phải bố trí nơi chạy thận, lọc máu dịch vụ ngay tại địa phương mình tới, đồng thời cũng phải chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống bất trắc có thể xảy ra.
Sơn bảo, anh muốn đi, muốn cho những bệnh nhân khác thấy được hình ảnh một Nguyễn Ngọc Sơn dù mắc bệnh hiểm nghèo vẫn có thể đi nhiều nơi, sống vui khỏe, sống có ích. Biết đâu, họ từ đó sẽ có thêm niềm tin, niềm lạc quan với cuộc đời?
Nguyễn Ngọc Sơn được bệnh nhân tại xóm thận bệnh viện đa khoa Phú Thọ ví như người thân.
Nhìn về phía đứa cháu gái hơn 1 tuổi đang chơi ngoài hiên, Sơn thủ thỉ, anh vẫn còn một mơ ước nữa, là lập gia đình và sống một cuộc đời hạnh phúc.
“Nếu một người không bình thường như mình lấy vợ, sinh con và sống hạnh phúc như bao gia đình bình thường khác, điều này có phải sẽ truyền thêm động lực cho rất nhiều người không nhỉ?", Sơn cười, nụ cười vừa hóm hỉnh, vừa có chút ngượng ngùng.