Bác sĩ Giàng A Chớ trở về từ tâm dịch

GD&TĐ - “Chúng tôi mong một ngày không xa được quay lại thành phố mang tên Bác, nhưng với cương vị là một du khách chứ không phải chiến sĩ áo trắng xung trận” – chia sẻ của BSCKI Giàng A Chớ trở về từ tâm dịch TPHCM.

Ngay ngày đầu tiên, đoàn tiếp nhận điều trị hơn 400 bệnh nhân, trong đó có cả bệnh nhân nặng do chưa có trung tâm hồi sức cấp cứu.
Ngay ngày đầu tiên, đoàn tiếp nhận điều trị hơn 400 bệnh nhân, trong đó có cả bệnh nhân nặng do chưa có trung tâm hồi sức cấp cứu.

Chuyến đi lịch sử

Sau 2 tháng “ra trận”, căng mình cùng TPHCM chống dịch Covid-19, đoàn cán bộ y tế số 1 Điện Biên an toàn trở về đến quê nhà vào giữa đêm 5/10. 14 ngày cách ly tập trung tại Nhà nghỉ Pe Luông (huyện Điện Biên), cũng là khoảng thời gian hiếm hoi giúp đoàn nghỉ ngơi, vơi bớt mệt mỏi sau những ngày dài “chiến đấu” ở tâm dịch.

Song, việc trở về với nhịp sống bình yên, chậm rãi cũng khiến nhiều người cảm thấy “hụt hẫng”. “Nhiều hôm tôi giật mình tỉnh giấc, nhìn một lượt quanh phòng mãi rồi mới nhận ra là mình đã về quê. Dường như, hơn 2 tháng đã quen với nhịp sống hối hả, gấp gáp và áp lực rồi, nên giờ lại lạ lẫm với cả sự bình yên” – bác sĩ Hoàng Xuân Chiến, Trưởng đoàn Công tác số 1 trải lòng.

Là đoàn cán bộ y tế đầu tiên của Điện Biên tham gia chi viện cho TP Hồ Chí Minh, 31 bác sĩ, y tá điều dưỡng, kỹ thuật viên xét nghiệm đều được lựa chọn từ những cán bộ ưu tú của nhiều cơ sở y tế trong tỉnh. Xuất phát ngày 1/8, vượt gần 2.000km từ cực Tây Bắc xa xôi, đặt chân đến thành phố nổi danh hoa lệ, nhiều người không khỏi bất ngờ.

“Với chúng tôi đây là chuyến đi lịch sử. Lịch sử vì thực tế diễn ra, song cũng bởi chưa bao giờ chúng tôi nghĩ, một thành phố lớn nhất nước lại cần đến sự hỗ trợ của tỉnh miền núi, xa xôi như Điện Biên” – bác sĩ Chiến bộc bạch.

Theo bác sĩ Chiến cho biết, đoàn được phân công nhiệm vụ tại Bệnh viện Dã chiến (BVDC) số 2, đặt tại khu chung cư thuộc Quận 12. Tại đây, đoàn phụ trách 4 tầng, mỗi tầng bố trí 120 giường bệnh và luôn trong tình trạng kín bệnh nhân.

Mỗi tầng bố trí 120 giường luôn trong trạng thái kín bệnh nhân nhưng chỉ có 2 bác sĩ, 3 y tá.
Mỗi tầng bố trí 120 giường luôn trong trạng thái kín bệnh nhân nhưng chỉ có 2 bác sĩ, 3 y tá.

Ngày đầu tiên, đoàn tiếp nhận, điều trị hơn 400 bệnh nhân, trong đó có cả bệnh nhân nặng do chưa có trung tâm hồi sức cấp cứu. Trong khi đó chỉ có 2 bác sĩ, 3 y tá. Một ngày làm việc bắt đầu từ 7 giờ, sau 17 giờ sẽ phân thành 2 nhóm tiếp tục luân phiên trực ca đêm.

“Có lần, kíp trực chỉ có 1 bác sĩ, 1 y tá điều dưỡng nhưng tiếp nhận cùng lúc 60 bệnh nhân. Phải nói chưa bao giờ chúng tôi gặp hoàn cảnh tương tự, căng thẳng, nhưng vẫn phải cố gắng bình tĩnh, dồn 100% sức lực để đảm bảo tốt nhất yêu cầu công việc” – bác sĩ Giàng A Chớ, thành viên đoàn chia sẻ.

ThS.BS Phan Hồng Hiệp (Khoa Gây mê, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên), Phó Trưởng đoàn nhận nhiệm vụ tại Khoa Hồi sức cấp cứu BVDC số 2. Đã bao năm quen với không khí cấp tập, khẩn trương của phòng cấp cứu, nhưng với anh, chưa “cuộc chiến” nào cam go như thế.

“Liên tục tiếp nhận bệnh nhân chuyển nặng, chúng tôi chỉ biết tập trung vào cấp cứu. Mọi thứ đều phải hết sức khẩn trương, chính xác. Nhiều lần, khi xong việc, nhìn lại bản thân tôi thấy găng tay, quần áo bảo hộ đều xộc xệch hết cả. Lúc ấy mới giật mình nhớ ra là vừa cấp cứu cho bệnh nhân Covid-19” – bác sĩ Hiệp bộc bạch.

Suốt gần 2 tháng làm nhiệm vụ hồi sức cấp cứu, bác sĩ Hiệp đã chứng kiến không ít chuyện đau lòng. Nhiều trường hợp trong số đó, chính anh là người thông tin cho gia đình bệnh nhân.

Anh bảo: “Bất lực, thất vọng và đau xót vô cùng khi đã áp dụng mọi phương pháp, kỹ thuật rồi mà không thể cứu sống bệnh nhân. Nhưng đau lòng hơn là báo tin buồn cho người thân của họ”.

Nghĩ lại những giây phút cuối đời đau đớn, giày vò, không gia đình bên cạnh của bệnh nhân, khiến người bác sĩ nhiều kinh nghiệm như anh Hiệp cũng không khỏi ám ảnh. “Giữa hoàn cảnh ấy, mình bị cuốn vào công việc chẳng có thời gian để mà lắng đọng, suy nghĩ. Nhưng giờ về rồi, rất khó để không bận lòng” – bác sĩ Hiệp nói.

Cường độ làm việc căng thẳng và những khác biệt về thời tiết, khẩu vị ăn uống nên nhiều cán bộ y tế đổ bệnh.
Cường độ làm việc căng thẳng và những khác biệt về thời tiết, khẩu vị ăn uống nên nhiều cán bộ y tế đổ bệnh.

Vượt khó, khẳng định bản lĩnh thầy thuốc

Phần lớn thành viên trong đoàn đều đã lập gia đình, có con nhỏ. Để lên đường chống dịch, các y, bác sĩ phải gửi lại con, không hẹn ngày về. Y tá điều dưỡng Nguyễn Thị Nghĩa (Trung tâm Y tế huyện Mường Nhé) là một trong 3 cán bộ nữ của đoàn.

Khi quyết định xung phong đi, chị Nghĩa gặp nhiều sự can ngăn do là phụ nữ, lại có con nhỏ. Song chính chồng chị lại là người động viên, tiếp thêm nghị lực để chị yên tâm lên đường.

Chị Nghĩa tâm sự, do chồng làm cùng ngành nên dễ dàng hiểu và chia sẻ với vợ. Điều chị lo nhất là 2 con. Thời điểm mẹ vắng nhà đúng vào đầu năm học mới, ông bà lại ở xa. Chị lo một mình anh xoay xở, nhưng mỗi lần gọi điện về anh đều bảo chị yên tâm, nhà anh lo được.

“Thương nhất là bé thứ hai, cháu mới 4 tuổi, lần đầu phải xa mẹ. Lúc mẹ đi, cháu chưa hiểu còn vẫy tay cười. Vài ngày sau, cháu mới cảm nhận được, lần nào gọi điện cũng khóc, hỏi mẹ sao đi lâu thế?!”.

Mỗi lần vậy, chị Nghĩa lại “nuốt” nước mắt vào trong và nói dối “Con ngoan, mai mẹ về”. Thương con, chạnh lòng, nhưng đã lên đường thì mọi nỗi niềm gửi lại, chị Nghĩa chỉ biết cố gắng hết mình với hy vọng càng nhanh đẩy lùi dịch bệnh thì lại càng sớm được về.

“Nhập cuộc” trong bối cảnh thiếu thốn về lực lượng, trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất không đảm bảo công năng của bệnh viện, do đặt tại chung cư. Các y, bác sĩ gặp không ít khó khăn, trở ngại.

Bác sĩ Chiến chia sẻ: “Khi lên đường, đoàn còn thiếu nhiều thông tin về tình hình dịch tại TP Hồ Chí Minh. Mặc dù, anh em đều xác định từ đầu nhưng không nghĩ dịch bệnh khốc liệt đến thế”.

14 ngày cách ly tập trung tại Nhà nghỉ Pe Luông (huyện Điện Biên), cũng là khoảng thời gian hiếm hoi giúp đoàn nghỉ ngơi, vơi bớt mệt mỏi sau những ngày dài “chiến đấu” ở tâm dịch.
14 ngày cách ly tập trung tại Nhà nghỉ Pe Luông (huyện Điện Biên), cũng là khoảng thời gian hiếm hoi giúp đoàn nghỉ ngơi, vơi bớt mệt mỏi sau những ngày dài “chiến đấu” ở tâm dịch.

Phải làm việc liên tục với cường độ cao, môi trường nóng bức, nhiều rủi ro, cùng với đó là những thay đổi về khí hậu, khẩu vị thức ăn khiến nhiều cán bộ, bác sĩ mệt mỏi, đổ bệnh.

“Thời tiết trong TP Hồ Chí Minh nóng bức, chúng tôi lại phải mặc đồ bảo hộ 24/24 giờ nên ra nhiều mồ hôi. Cuối ngày lại tắm nước lạnh, nhiều người bị cảm, ốm… Cứ mỗi lần thế cả đoàn lại lo lắng, hồi hộp chờ đến khi có kết quả âm tính hết mới thở phào nhẹ nhõm” – bác sĩ Hiệp cho hay.

Còn theo chia sẻ của bác sĩ Chiến, hoàn thành nhiệm vụ là niềm phấn khởi rất lớn với toàn bộ thành viên trong đoàn. Song hạnh phúc hơn nữa là tất cả đều trở về an toàn. Cho đến thời điểm hiện tại, đoàn đã qua 2 lần xét nghiệm, với kết quả âm tính.

“Trước khi khởi hành, thành viên trong đoàn đều được xác định tâm lý là khó tránh khỏi việc bị lây nhiễm. Chính vì thế, anh em luôn giữ tâm thế phòng dịch ở cấp độ cao nhất. Chúng tôi vào đây không chỉ có trọng trách là cùng thành phố chống dịch, mà phải đảm bảo an toàn cho tất cả các thành viên trong đoàn” – bác sĩ Chiến nói.

Xem đây là một lần ra “biển lớn”, an toàn trở về đã là kì tích, song những y, bác sĩ tại Điện Biên còn tự tin mang theo về nhiều kinh nghiệm, để sẵn sàng ứng phó, xông pha trên mọi “mặt trận” dịch bệnh khi cần.

Từ ngày 3/8 – 2/10, đoàn cán bộ y tế số 1 tỉnh Điện Biên đã điều trị cho 2.014 người. Trong đó, 1.702 bệnh nhân đã xuất viện, 38 người chuyển tuyến, 274 người đang điều trị (khi bàn giao). Đoàn được UBND TP Hồ Chí Minh tặng Bằng khen và 1 cá nhân được trao tặng huy hiệu TP Hồ Chí Minh. 100% thành viên trong đoàn đảm bảo sức khỏe an toàn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.