Bác sĩ chỉ cách phòng bệnh răng miệng

GD&TĐ - Theo PGS Trịnh Đình Hải, đa số người Việt Nam chỉ tìm đến bác sĩ răng hàm mặt (trừ mục đích thẩm mỹ) khi thấy răng có vấn đề, cụ thể là sưng tấy, đau nhức do sâu răng, viêm nướu, lợi nặng…

Nguyên nhân nào gây sâu răng. (Ảnh minh họa).
Nguyên nhân nào gây sâu răng. (Ảnh minh họa).

Ý thức chăm sóc sức khỏe răng miệng định kỳ ở người dân còn thấp, dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh răng miệng cao, đặc biệt là sâu răng.

Trên 80% người bị sâu răng

Theo điều tra của Bộ Y tế và Viện Nghiên cứu, Thống kê Sức khỏe răng miệng Australia tại Việt Nam, có 44% người khám răng do đau, gần 10% đi kiểm tra, 55% dân số không bao giờ đi khám, 85% bị sâu răng ở độ tuổi từ 6-8 và trong đó có 94% không được điều trị...

Ở người cao tuổi và người trưởng thành, có trên 80% người có sâu răng vĩnh viễn; trên 60% trẻ em và trên 80% người lớn có viêm lợi, viêm quanh lợi, viêm quanh răng, trên 30% người trưởng thành trở lên có túi mủ bệnh lý quanh chân răng, làm cho răng lung lay và đây cũng là ổ nhiễm khuẩn lớn.

Ngoài ra, còn tỷ lệ rất cao (trên 80%) thanh thiếu niên bị lệch lạc răng cần nắn chỉnh. Đáng chú ý, hiện vẫn còn có một tỷ lệ khá cao người dân không quan tâm đến răng miệng, một tỷ lệ đáng kể người không chải răng, không đến bệnh viện hay cơ sở y tế nào để khám răng.

Theo PGS Trịnh Đình Hải - Giám đốc Bệnh viện (BV) Răng hàm mặt trung ương, tại Việt Nam, hiện nay có trên 90% người dân có vấn đề về răng miệng, chủ yếu là mắc bệnh sâu răng. Đây là một thực trạng đáng báo động.

Do chế độ ăn uống, cách thức vệ sinh răng miệng là 2 nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe răng miệng. Ngoài ra, stress cũng là nguyên nhân ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe răng miệng. Hầu hết các bệnh về răng miệng ở những giai đoạn đầu thường tiến triển âm thầm và không đau nên rất khó phát hiện.

Đến khi sâu, viêm nặng, vết sâu sẽ lan đến tủy răng, nơi có chứa nhiều dây thần kinh và mạch máu, nó có thể sẽ gây ra những cơn đau nhức liên miên.

Đến giai đoạn này, các phương án chọn lựa cho điều trị sẽ bị hạn chế, phức tạp, tốn kém cả về tiền bạc lẫn thời gian và không có khả năng hồi phục như ban đầu.

Các biện pháp phòng chống bệnh về răng, lợi

Người lớn mắc các bệnh về răng miệng nhiều hơn các nhóm đối tượng khác, chính là do thói quen ăn uống hàng ngày. Việc để cao răng tích tụ lâu ngày sẽ gây viêm tủy ngược dòng.

răng được sinh ra sau khi ăn uống và thường được làm sạch bằng chỉ nha khoa hay bàn chải đánh răng, nếu không vệ sinh kịp thời sẽ tích tụ ngày càng nhiều và gây nên các bệnh về răng miệng như: Viêm lợi (chảy máu khi đánh răng, hơi thở có mùi…), viêm nha chu (ê buốt răng, lung lay, rụng răng…).

Đánh răng đề phòng bệnh sâu răng (Nguồn: Internet).
Đánh răng đề phòng bệnh sâu răng (Nguồn: Internet). 

PGS Trịnh Đình Hải cho biết, điều đáng lo ngại hơn là nhiều người vẫn chưa biết dự phòng bệnh sâu răng. Hiện nay, việc sử dụng kem đánh răng có chứa fluor để phòng bệnh răng miệng là cách đơn giản và hiệu quả.

Fluor là chất có tác dụng làm cứng men răng, ngừa sâu răng hữu hiệu. Việc phối hợp sử dụng muối fluor trong cộng đồng và biện pháp đánh răng có fluor tạo nên hiệu quả trong phòng chống sâu răng, đặc biệt là ở những vùng sâu, vùng xa nơi không có các cơ sở chăm sóc về răng hàm mặt.

PGS Trịnh Đình Hải khuyến cáo, biện pháp tốt nhất đề phòng ngừa các bệnh về răng miệng là đánh răng 3 lần/ngày, mỗi lần 2-3 phút. Sau khi đánh răng, không nên súc miệng, ăn uống sau đó 2 tiếng đồng hồ.

Đối với trẻ em, cha mẹ nên bắt đầu thực hiện việc chải răng cho trẻ em ngay từ khi có chiếc răng sữa đầu tiên.

Để có hàm răng chắc khỏe, nên chú ý từ những thói quen nhỏ nhất như đánh răng, phải chải tất cả các bề mặt của răng, không được bỏ qua chải lưỡi, sử dụng bàn chải mềm và loại kem đánh răng phù hợp, làm khô bàn chải ngay khi dùng xong, thay bàn chải sau 3 tháng, sử dụng chỉ nha khoa và nước súc miệng để vệ sinh răng miệng.

Đặc biệt, các bệnh răng miệng cần được quan tâm bởi nó có thể gây ra nhiều biến chứng. Các biến chứng thường gặp đó là các ổ tiềm tàng do viêm quanh răng, sâu răng trong khoang miệng có thể gây biến chứng toàn thân nghiêm trọng như viêm nội tâm mạc, viêm cầu thận, khớp, rối loạn tiêu hóa, hô hấp, ảnh hưởng đến sức khỏe, thể chất… Do vậy, cần phải quan tâm chữa trị và dự phòng các bệnh về răng miệng.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ