Bắc Kạn: Sẽ xử nghiêm cán bộ liên quan đến phá rừng

GD&TĐ - Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Du, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn về việc xử lý các vụ phá rừng, khai thác lâm sản trái phép tại Bắc Kạn có chiều hướng gia tăng thời gian qua.

Hiện trường một vụ phá rừng tại huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn. Ảnh: TH
Hiện trường một vụ phá rừng tại huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn. Ảnh: TH

Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn, tính đến ngày 18/8/2017, tình trạng phát, phá rừng trái phép đã xảy ra ở một địa phương như: Chợ Đồn, Chợ Mới, Bạch Thông, Ba Bể, Na Rì, Ngân Sơn, thành Phố Bắc Kạn. 

Qua công tác tuần tra, lực lượng Kiểm lâm đã phát hiện 366 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, trong đó có 87 vụ vi phạm phát, phá rừng trái phép, diện tích thiệt hại là hơn 86 ha (13,7ha rừng phòng hộ; hơn 72,2 ha thuộc rừng sản xuất) tăng so với cùng kỳ năm 2016 là 74 vụ và 70,638ha.

Tiến hành xử lý hành chính 242 vụ, xử lý hình sự 23 vụ, tịch thu 928,8 m3 gỗ các loại, thu nộp ngân sách hơn 3 tỷ đồng.

Nguyên nhân được cho là do phong trào trồng rừng trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho các hộ gia đình, tạo thêm công ăn, việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, góp phần tích cực trong xóa đói giảm nghèo nên nhiều người dân đã tự ý phát phá rừng tự nhiên để lấy đất trồng rừng.

Việc mang lại hiệu quả kinh tế cao, dẫn tới việc một số tổ chức, cá nhân mua đất rừng tự nhiên của người dân địa phương để phát phá, trồng rừng, gây khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, mất sự ổn định về an ninh trật tự tại địa phương, về lâu dài người dân mất tư liệu quan trọng để phát triển kinh tế dẫn đến đói, nghèo.

Bên cạnh đó, còn có một số quan điểm, nhận thức chưa đầy đủ, thiếu thống nhất, vì lợi ích trước mắt và chưa coi trọng phát triển bền vững đối với rừng tự nhiên từ các nhà quản lý đến nhà đầu tư phát triển trồng rừng và người dân địa phương. Nhiều người cho rằng, sở hữu rừng sản xuất là rừng tự nhiên là được quyền phát phá rừng để trồng rừng và thực hiện các mục đích sản xuất, kinh doanh khác, dẫn tới việc quản lý thiếu chặt chẽ, các hành vi vi phạm gia tăng.

Công tác quản lý, tuần tra, kiểm tra, thăm nắm địa bàn của kiểm lâm địa bàn, chính quyền cấp xã và thôn, bản chưa được thường xuyên, dẫn đến việc phát hiện và ngăn chặn tình trạng phát phá rừng chưa kịp thời...

Trao đổi với phóng viên Báo Thanh tra, ông Nguyễn Văn Du, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Kạn cho biết: Trước tình trạng trên địa bàn xảy ra một số vụ cải tạo rừng trái phép, có chiều hướng gia tăng, Tỉnh ủy đã rất quan tâm. Để tìm hiểu nguyên nhân, Thường vụ Tỉnh ủy đã cử một đồng chí Phó Bí thư xuống kiểm tra thực địa. Kết quả cho thấy, bên cạnh những nguyên nhân khác, có sự buông lỏng quản lý, thiếu sự kiểm tra giám sát của cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền cơ sở, lực lượng kiểm lâm. "Quan điểm của tôi là để xảy ra tình trạng người dân tự ý cải tạo rừng mà không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, trước hết trách nhiệm thuộc về các cơ quan chức năng. Tới đây, tỉnh sẽ chỉ đạo xử lý nghiêm trách nhiệm cán bộ có liên quan ở nơi để xảy ra sai phạm", ông Du nhấn mạnh.

Theo Thanhtra.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.