Dùng xe độ chế để vượt qua những con dốc thẳng đứng, chúng tôi tiếp tục lội bộ men theo con suối Đắk Giao. Mất khoảng 30 phút lội bộ trong rừng, đã thấy rừng tự nhiên hiện ra với nhiều “vết thương”.
Những cây lớn có độ tuổi hàng trăm năm, trơ gốc, cạnh đó là cành lá, vỏ bìa vứt ngổn ngang. Càng đi vào sâu, rừng bị tàn phá nhiều, mức độ dày đặc hơn. Có địa điểm nhiều cây lớn đồng loạt bị đốn hạ, nên nhìn từ xa khoảng rừng trở nên trống trải, nhưng đến lại gần thì giữa mặt đất là một bãi ngổn ngang từ thân, cành, lá và mùn cưa còn sót lại.
Tại hiện trường còn có những thân gỗ được xẻ hộp lâm tặc đã lấy đi. Ngoài ra, nhiều cây gỗ đã bị lâm tặc lấy đi phần có giá trị, gốc còn rỉ nhựa tươi, ngọn cành vẫn còn xanh, Do địa hình dốc, nhiều cây gỗ lớn sau khi đã cưa hạ vẫn còn nguyên chưa kịp di chuyển.
Ông Nguyễn Văn Tiến – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum cho biết, rừng tại xã Đắk Long do Ban quản lý rừng phòng hộ Đắk Long và một phần của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ngọc Hồi quản lý. Ở xã Đắk Long cũng bố trí một kiểm lâm địa bàn. Ngoài ra, tại đây cũng có 2 đồn biên phòng đóng chân, phía kiểm lâm cũng đã ký quy chế phối hợp bảo vệ rừng. Thời gian gần đây, không thấy anh em báo phát hiện phá rừng tại xã Đắk Long. Phía Chi cục sẽ cho tiến hành kiểm tra ngay và sẽ thông tin lại cho phóng viên được biết.
Ngỗn ngang như một công trường trong rừng