Giảm trường để phù hợp thực tiễn
Với tiêu chí đảm bảo phù hợp thực tiễn và mục tiêu nâng cao hiệu quả giáo dục, Bắc Kạn đã thực hiện dồn ghép hợp lý các điểm trường xa trường chính, các trường học có ít học sinh trong một xã và giữa các xã giáp ranh; sáp nhập một số trường theo đơn vị hành chính cấp xã mới; sáp nhập trường tiểu học với trường THCS có số lượng học sinh ít để tạo điều kiện cho các em trong việc học tập và tham gia các hoạt động giáo dục chung.
Cùng với đó là việc triển khai sáp nhập Trung tâm GDTX với Trung tâm dạy nghề cấp huyện thành Trung tâm GDNN - GDTX; sáp nhập Trung tâm GDTX tỉnh với Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp thành Trung tâm GDTX - GDHN tỉnh.
Năm học 2020 - 2021, tổng số trường mầm non và phổ thông trên toàn tỉnh Bắc Kạn là 303 trường, trong đó Mầm non có 114 trường (1 trường MN tư thục), Tiểu học có 78 trường, TH&THCS có 38 trường, THCS có 59 trường (bao gồm cả 06 trường PT Dân tộc nội trú huyện), THPT có 14 trường. Cùng với đó là 09 trung tâm (gồm: 01 trung tâm GDTX - GDHN tỉnh, 01 trung tâm GD trẻ em khuyết tật tỉnh, 07 trung tâm GDNN - GDTX cấp huyện). Sau 5 năm, so với năm học 2014 - 2015, toàn tỉnh đã giảm 48 trường do thực hiện rà soát, sắp xếp hệ thống trường lớp.
“Việc sắp xếp tinh gọn hệ thống trường lớp xuất phát từ thực tiễn, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho việc dạy và học ở mỗi địa phương được thuận lợi. Đây là tiền đề giúp cho công tác các quản lý cũng như việc duy trì, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục ở mỗi nhà trường được thực hiện tốt hơn. Vì vậy, kết quả từ việc sắp xếp tinh gọn hệ thống trường lớp là một điểm sáng của ngành giáo dục Bắc Kạn những năm gần đây” - ông Ma Thế Quyên, Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Kạn khẳng định.
Chất lượng các bậc học nâng cao
Hệ thống trường lớp được ổn định và đảm bảo phù hợp cho dạy học, đội ngũ giáo viên được quan tâm bồi dưỡng đào tạo để nâng cao trình độ, các nguồn lực xã hội dành cho giáo dục được tăng thêm, cho nên chất lượng giáo dục của Bắc Kạn những năm gần đây được nâng cao ở tất cả các bậc học.
Đối với Giáo dục mầm non, 100% số trường và số trẻ mầm non được học 2 buổi/ngày theo Chương trình GDMN, với phương thức ăn bán trú. Ở cấp Tiểu học, kết quả hằng năm, 100% học sinh hoàn thành chương trình. Đối với THCS và THPT, tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp đều tăng qua mỗi năm, đạt trên 90%.
Đáng chú ý, công tác bồi đưỡng đào tạo mũi nhọn đạt kết quả tích cực. Trong giai đoạn 2015 - 2020, Bắc Kạn đã có 16 học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT, trong đó bên cạnh các môn Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, tỉnh Bắc Kạn như trước đây thì đến nay đã thêm có học sinh đoạt giải ở môn Toán, môn Tiếng Anh.
Công tác định hướng nghề nghiệp và phân luồng học sinh sau trung học cơ sở được đẩy mạnh. Sở GD&ĐT Bắc Kạn đã chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025”; Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp; duy trì và triển khai mô hình giáo dục trường học gắn với thực tiễn. Năm học 2019 - 2020, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS tham gia học lớp 10 THPT là trên 67% (còn lại tham gia học GDTX, GDTX kết hợp với học nghề...), cơ bản đáp ứng lộ trình phân luồng học sinh sau THCS vào học THPT.
Theo kế hoạch, trong thời gian tiếp theo, ngành giáo dục Bắc Kạn sẽ tiếp tục tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm. Cụ thể: Thực hiện tốt quy hoạch mạng lưới trường, lớp gắn với quy hoạch tổng thể của tỉnh và đề án sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã đảm bảo tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với điều kiện từng địa phương. Bố trí đủ nguồn ngân sách để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp, nhà công vụ cho giáo viên theo hướng kiên cố hóa và xây dựng trường chuẩn quốc gia theo lộ trình.
Trang bị đồ dùng, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục; xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo quy định. Đẩy mạnh thực hiện đổi mới cơ chế tài chính, công tác xã hội hóa giáo dục và đào tạo. Tăng cường tự chủ cho cơ sở giáo dục, ưu tiên ngân sách đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị theo hướng chuẩn hóa và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.