Bác Hồ và chuyện 58 năm về trước ở “nơi đầy sóng”

Bác Hồ và chuyện 58 năm về trước  ở “nơi đầy sóng”

Từ một bãi bồi hoang hóa, sau 58 năm ròng kể từ khi Bác Hồ về thăm động viên nhân dân khai hoang, quai đê lấn biển, giờ đây, “nơi đầy sóng” năm xưa đã đổi mới trở thành xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Tiền Hải.

Chuyện 58 năm trước

Bác Hồ và chuyện 58 năm về trước  ở “nơi đầy sóng” ảnh 1
Cụ Ngô Đăng Ký, người có công đầu tiên trong việc “quai đê lấn biển” Nam Cường.

Ông Hoàng Ngọc Sang, Bí thư Đảng ủy xã Nam Cường cho biết, 58 năm trước, vùng đất mới Nam Cường vinh dự được Bác Hồ về thăm. “Theo lời kể của các cao niên thì trước đó, đồng chí Ngô Duy Ðông, Bí thư Tỉnh ủy báo cho lãnh đạo địa phương chuẩn bị đón khách về thăm. Địa phương nghĩ chắc có đoàn cán bộ trên Trung ương, nên tất cả mọi người sau đó đều bất ngờ khi biết Bác Hồ về thăm”.

Năm 2015, trong một lần về Nam Cường, chúng tôi gặp được “thành hoàng làng” còn sống của vùng đất bãi bồi này, đó là cụ Ngô Đăng Ký lúc đó đã 91 tuổi. Ông Hoàng Ngọc Sang khi đó đang là Chủ tịch UBND xã Nam Cường cũng khẳng định cụ Ký chính là “thành hoàng làng” bởi những công lao trong việc quai đê lấn biển.

Trong tư liệu mà chúng tôi ghi lại theo lời kể của cụ Ký có đoạn: Năm 1960, tỉnh Thái Bình lên kế hoạch quai đê lấn biển với phương châm “đẩy sóng lùi xa, kéo chân trời gần lại”. Lúc đó, cụ Ký đang là cán bộ của Ty Nông nghiệp Thái Bình, được giao làm đội trưởng tiểu đội khai hoang gồm 3 người.

Nam Cường lúc đó là khu đất Tiền Châu lấn biển từ thời Nguyễn Công Trứ, bãi bồi sông Ngân, bãi bồi Hoàng Môn, đầm lầy toàn sú vẹt. Hộ dân nào có diện tích canh tác dưới 3 sào thì được tỉnh vận động đi khai hoang. Phần ruộng đất để lại, người nào sử dụng phải có trách nhiệm đóng góp quỹ cho những người đi khai hoang, gọi là phong trào “xẻ người, xẻ của”.

Vậy là gần 200 người từ 23 xã của Thái Bình đã đăng ký, tuyên thệ thành lập tiểu đoàn khai hoang và cụ Ngô Đăng Ký làm tiểu đoàn trưởng. Đó thực sự là một cuộc chiến với thiên nhiên. Đoàn người thay nhau ngày đêm đổ đất đá xuống các đầm lầy để lấn biển. Một con đê dài hơn 2 cây số kéo dài từ Hoàng Môn xuống Nam Thịnh bảo vệ vùng đất mới.

Công việc quai đê lấn biển hoàn toàn bằng sức người và gia súc kéo, không có bất kỳ một loại máy móc nào. Vậy mà, ròng rã suốt một năm, cho đến tháng 4/1961, vùng đất mới dài 13km, rộng 2km đã hình thành.

Sau ngày đất nước giải phóng, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập xã Nam Cường. Cho đến nay, câu chuyện về thủ lĩnh quai đê lấn biển năm ấy như một huyền thoại. Cụ Ký trở thành “thành hoàng làng” từ đó, và đó cũng là câu chuyện lịch sử của vùng đất ven biển này.

Trong trí nhớ của cụ Ký, khoảng hơn 8 giờ sáng 26/3/1962, nhân dân thấy máy bay trực thăng lượn vòng rồi đáp xuống. Bác Hồ từ trong máy bay bước ra. Tất cả chạy ra đón Bác.

Bác đi rất nhanh, mọi người phải sải bước mới theo kịp. Người ghé qua thăm gia đình anh Lưu, có vợ mới sinh con. Thấy anh Lưu bị đau mắt, Bác dặn cụ Ký: Xã còn có người bị đau mắt hột, cần phải làm mọi cách để bảo vệ đôi mắt cho bà con.

Địa phương lúc đó chuẩn bị một bộ bàn ghế, có micrô để Bác nói chuyện với đồng bào, nhưng Bác bảo ra ngoài để nói chuyện. Bác giơ tay vẫy, cả biển người ùa đến. Bác khen ngợi cán bộ và nhân dân Nam Cường có tinh thần khắc phục khó khăn, quyết tâm lấn biển, mở rộng diện tích canh tác.

Khi trao huy hiệu chiến sĩ thi đua cho mấy người vừa được bình bầu, đến ông Thốn, Bác đùa bảo: Ði khai hoang mà cứ mãi thiếu thốn là không tốt rồi. Tôi xin phép bỏ dấu sắc đi để thành Thôn, đồng bào có đồng ý không? Tất cả đồng thanh: Có ạ!

Bác dặn đồng bào thi đua lập nhiều thành tích tốt, Bác sẽ thưởng huy hiệu, rồi Người vẫy tay ra hiệu, thay cho lời tạm biệt.

Ngôi nhà của cụ Ngô Đăng Ký – “thành hoàng làng” Nam Cường.
Ngôi nhà của cụ Ngô Đăng Ký – “thành hoàng làng” Nam Cường.
Năm 2013, Nam Cường trở thành xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Tiền Hải.
Năm 2013, Nam Cường trở thành xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Tiền Hải.

“Vựa tôm” đất lúa

“Đồng bào đi khai hoang gian khổ không kém gì các chiến sỹ ngoài mặt trận, mọi người phải biết đoàn kết như dây chão se bằng nhiều sợi nhỏ thành dây lớn không thể đứt được”, lời Bác Hồ nói với nhân dân Nam Cường năm 1962.

Ông Hoàng Ngọc Sang, Bí thư Đảng ủy xã Nam Cường cho biết, “đẩy sóng lùi xa, kéo chân trời gần lại” là chuyện của thời lập làng lập xã. Nhưng bây giờ, “đẩy sóng lùi xa” là đẩy cái khó cái nghèo ra khỏi cuộc sống để thiết lập một đời sống mới không chỉ no ấm mà còn giàu mạnh.

“Ở vùng đất ven biển này, thật làm giàu không dễ chút nào. Tiếng là đất lúa nhưng ở Nam Cường thì lúa không phải thế mạnh. Chúng tôi xác định, chỉ có thủy hải sản, mà đứng đầu là con tôm mới là mũi nhọn để phát triển kinh tế”, ông Sang cho hay.

Vậy là từ năm 2001, Nam Cường chuyển đổi 105 ha đất lúa năng suất thấp sang nuôi trồng thuỷ sản. Đây được coi là một cuộc cách mạng lớn trong kinh tế nông nghiệp của Nam Cường.

Chỉ sau hơn chục năm, tỉnh Thái Bình đánh giá Nam Cường là lá cờ đầu trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Không chỉ trở thành “vựa tôm” của cả tỉnh, Nam Cường còn nổi tiếng với mô hình nuôi cá vược, cá song và ngao. Những vuông tôm ở Nam Cường tuy không lớn, nhưng hiệu quả mang lại thì lại rất cao. Nhiều nông dân nhờ mô hình nuôi tôm mà trở thành tỉ phú.

“Không chỉ có vậy, nhiều hộ còn xây dựng được những trại tôm – cá – ngao giống. Nhiều tỉnh thành trong cả nước đến đây để học hỏi kinh nghiệm và mô hình. Nhưng chúng tôi cũng phải thành thật, cha ông đã chiến thắng thiên nhiên, nhưng chúng tôi cũng phải chiến đấu với dịch bệnh. Chỉ cần lơ là chút ít là vài chục triệu con tôm đi đứt”, ông Sang quả quyết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp căn cơ

GD&TĐ - Giải pháp căn cơ vẫn là ưu tiên quỹ đất cho trường học, xây thêm trường...