(GD&TĐ) - Nơi đây có phòng tuyến của quân dân Đại Việt chống quân Tống xâm lược thế kỷ XI với bài thơ bất hủ Nam quốc sơn hà của danh tướng Lý triều Lý Thường Kiệt. Đôi bờ Như Nguyệt có câu ca quan họ đặc sắc của những liền anh, liền chị ngọt ngào như mía lùi trong bếp rơm nếp mùa gặt... Điều đáng buồn khi giờ đây những giá trị lịch sử chống ngoại xâm ở vùng đất này hầu như không còn vết tích; những giá trị văn hóa ngày càng mai một…
Cổng làng Vân Xuyên (huyện Hiệp Hoà, Bắc Giang) nơi có đình cổ nổi tiếng đã được xếp hạng di tích quốc gia |
Lặng im một vùng huyền tích
Sông Cầu, đoạn vắt qua Bắc Giang, Bắc Ninh còn có tên là Như Nguyệt. Hào khí Nam quốc sơn hà năm xưa còn truyền mãi đến ngày nay.
Nơi đây còn những địa danh như Làng Đỏ (làng Vân Xuyên, Hoàng Vân), đình Xuân Cẩm, làng Xuân Biều, Hoà Sơn… là nơi các đồng chí lão thành cách mạng như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Thanh Nghị, Hoàng Văn Thái, Hà Thị Quế…. hoạt động; là nơi khởi phát phong trào cách mạng có sự chỉ đạo của Đảng đầu tiên trong tỉnh Bắc Giang; là nơi toạ lạc của ngôi đình cổ kính mang tên ông tổ nghề mộc Việt Nam: Lỗ Hạnh, được mệnh danh “Đệ nhất Kinh Bắc đình”… Dòng sông Cầu gần như ôm trọn phía tây và phía nam huyện như chở che và góp phần hình thành nên tính cách người Hiệp Hoà kiên định, khí phách nhưng cũng rất khôn khéo; dữ dội nhưng cũng đầy nhân văn; nhẹ nhàng nhưng cũng thật nồng nàn…
Xuôi dòng Như Nguyệt qua hết địa phận Hiệp Hoà là huyện Việt Yên. Nơi đây có địa danh Thổ Hà nổi tiếng về nghề nấu rượu, về kiến trúc đình, đền, chùa cổ kính gắn liền với nghề gốm có từ lâu đời. Làng Thổ Hà nay thuộc xã Vân Hà, nằm trên một roi đất vươn ra dòng Như Nguyệt như mảnh trăng lưỡi liềm sắc nhọn. Hội làng Thổ Hà là nét văn hoá đặc sắc được công nhận di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, những công trình kiến trúc ở đây xứng đáng là những tác phẩm nghệ thuật. Rượu làng Vân đã là một thương hiệu “mỹ tửu” say lòng biết bao tao nhân mặc khách tìm về.
Ngoài ra, đây là nơi còn lưu giữ những làn điệu quan họ với 19 làng quan họ cổ được UNESCO công nhận Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Văn hoá quan họ ở Việt Yên có sự giao thoa rõ nét nhất với vùng quan họ Bắc Ninh bên bờ nam sông.
Các em HS Trường TH Vân Hà số 2 (xã Vân Hà, huyện Việt Yên) hồn nhiên bên di tích cổ |
Khi truyền thống chưa trở thành động lực
Ông Nguyễn Thế Chính, Giám đốc Sở VH, TT&DL Bắc Giang cho rằng chính những yếu tố văn hoá và lịch sử đậm nét vùng bờ bắc Như Nguyệt là điểm tựa cho sự phát triển của không gian rộng lớn giữa hai con sông huyền tích vùng Kinh Bắc (sông Cầu và sông Thương). Lưu vực bắc sông không chỉ là cái nôi cách mạng mà còn là cái nôi của dân ca quan họ với 41 làng quan họ cổ đã được UNESCO công nhận Di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.
Mặc dù vậy, nếu nhìn trên giá trị thành quả mà văn hóa, lịch sử của vùng đất này mang lại cho cộng đồng cư dân rõ ràng chưa có sự tương xứng. Quan họ mới chỉ được phát huy ở tầm địa phương, chưa sánh được với Bắc Ninh đã mang tầm quốc gia. Cho dù vùng bắc Như Nguyệt cũng là cái nôi của quan họ cổ. Cái vốn cổ ở làng Thổ Hà cũng đang trở thành hoài niệm với sự mai một của nghề gốm, của hát xẩm, của một vài chế tài đối với nghề nấu rượu. Đối với 16 xã thuộc huyện Hiệp Hòa, nơi vừa được công nhận ATK vào giữa năm 2012, hầu như chưa có sự đầu tư nào đáng kể.
Theo ông Ngô Văn Trụ, nguyên Phó Giám đốc Sở VH, TT&DL Bắc Giang, thì yếu tố con người và sự đầu tư chưa tương xứng với những giá trị vùng đất này đang sở hữu. Ông dẫn chứng rằng người “biết” quan họ ở các làng quan họ cổ không nhiều; sự đầu tư phục hồi, bảo tồn các giá trị văn hóa, lịch sử… đa phần đều nửa vời và chưa được phát huy.
Còn nhớ trong một cuộc hội thảo do ngành văn hóa tổ chức cách đây ít lâu, một số ý kiến cho rằng: Muốn phát huy giá trị văn hóa, lịch sử ở nơi nào, người dân nơi đó nhất thiết phải biết, phải hiểu rõ hiện trạng, nội dung, giá trị “tài sản” ở đó. Ví dụ như ở vùng quan họ phải phải biết hát quan họ, ở vùng ATK phải hiểu tại sao lại được công nhận ATK…
Hiện số nghệ nhân hát được lời cổ ở Bắc Giang chỉ còn hơn chục người, lại toàn là các cụ ở tuổi ngấp nghé “cổ lai hy”. Phải chăng quan họ cổ đang chờ đợi một viễn cảnh không phải màu hồng từ đội ngũ kế cận nghệ nhân?
Bắc Giang, trong đó có khu vực bờ bắc Như Nguyệt, với những giá trị lịch sử văn hóa xứng đáng được đầu tư, gìn giữ.
Nhưng, vấn đề phát huy động lực đó thế nào còn đang cần một lời giải thỏa đáng…
Khánh Sơn - Việt Dũng