Kế hoạch nhằm kiểm soát tình hình TNTT cho trẻ em, học sinh. Đặc biệt là tai nạn đuối nước và tai nạn giao thông (TNGT) nhằm đảm bảo tính mạng và sức khỏe của trẻ em và học sinh.
Bắc Giang đặt mục tiêu đến năm 2030, 100% trẻ em, học sinh biết các quy định về an toàn giao thông, kỹ năng an toàn trong môi trường nước; sử dụng áo phao, cặp phao, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân khi tham gia giao thông trên phương tiện thủy nội địa. Bên cạnh đó, 100% nhân viên y tế trường học biết các kỹ thuật sơ cứu, cấp cứu ban đầu cho trẻ em, học sinh bị TNTT ở trường.
Đồng thời, 100% các cơ sở giáo dục triển khai hướng dẫn, tư vấn, giáo dục kỹ năng phòng, chống TNTT, bơi lặn an toàn và an toàn trong môi trường nước cho trẻ em, học sinh và 100% trường học đạt tiêu chuẩn “Trường học an toàn".
Để triển khai kế hoạch, ngành giáo dục Bắc Giang tổ chức các hoạt động truyền thông, giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống TNTT, TNGT và đuối nước cho trẻ em, học sinh thông qua các hình thức phù hợp trong điều kiện diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19; xây dựng, phổ biến, cấp phát tài liệu về phòng, chống TNTT, TNGT đường bộ, đuối nước cho giáo viên và trẻ, học sinh.
Tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên, nhân viên y tế trường học cách sơ cứu, cấp cứu ban đầu cho trẻ em, học sinh bị TNTT ở trường; kỹ thuật bơi, cứu đuối, kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em, học sinh.
Lồng ghép các nội dung kiến thức, kỹ năng về phòng, chống TNTT, TNGT, đuối nước cho trẻ em, học sinh vào các môn học phù hợp trong hoạt động giáo dục ở nhà trường.
Về phòng, chống đuối nước: Giáo dục kiến thức, kỹ năng về an toàn trong môi trường nước cho trẻ em, học sinh; giáo viên, cha mẹ, người trông trẻ thực hiện giám sát, trông giữ trẻ an toàn; tổ chức dạy bơi, lặn, cứu đuối bảo đảm an toàn trong môi trường nước.
Đối với phòng, chống TNGT đường bộ, đường thủy: Cung cấp kiến thức, kỹ năng, các quy định an toàn giao thông đường bộ, đường thủy cho cha mẹ, trẻ em, học sinh; vận động, trang bị các điều kiện an toàn cho trẻ em, học sinh khi tham gia giao thông đường bộ, đường thủy như: đội mũ bảo hiểm, dây đai an toàn, ghế ngồi an toàn, sử dụng áo phao, cặp phao, dụng cụ nổi cứu sinh cá nhân…; nhân rộng các mô hình cổng trường an toàn giao thông tại các khu vực cổng trường học.
Về phòng, chống rơi, ngã: Thực hiện các quy định, tiêu chuẩn, tiêu chí về an toàn phòng, chống rơi, ngã cho trẻ em, học sinh tại gia đình, trường học. Đặc biệt, là trẻ em, học sinh sống gần nơi các công trình đang xây dựng, khu chung cư, nhà cao tầng...
Sở GD&ĐT giao cho phòng Giáo dục Mầm non chủ trì, phối hợp với các phòng chuyên môn, Thanh tra Sở hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai, tổ chức thực hiện Kế hoạch này của phòng GD&ĐT các huyện, thành phố và các cơ sở giáo dục; tổng hợp kết quả, báo cáo lãnh đạo Sở GD&ĐT, UBND tỉnh và Bộ GD&ĐT theo quy định.
Các Phòng GD&ĐT và đơn vị trực thuộc Sở GD&ĐT căn cứ Kế hoạch của Sở GD&ĐT và thực tiễn địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
Đồng thời, định kỳ hàng năm, báo cáo kết quả xây dựng trường học an toàn, phòng, chống, tai nạn, thương tích về phòng Giáo dục Mầm non, Giáo dục Tiểu học vào hai thời điểm: trước ngày 1/12 và trước ngày 15/4; báo cáo đột xuất (khi có trẻ em, học sinh tử vong do TNTT trong trường học, TNGT, đuối nước) về Sở GD&ĐT, qua phòng Giáo dục Tiểu học, email: phongth@bacgiang.edu.vn.
Nói về phòng, chống đuối nước cho học sinh ở cơ sở, ông Vũ Thanh Hải - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Lục Nam cho biết, ngành giáo dục Lục Nam phấn đấu học sinh hoàn thành chương trình tiểu học cũng hoàn thành phổ cập bơi.
"Dưới sự hướng dẫn của Sở GD&ĐT về công tác phòng chống đuối nước, tại các điểm trường tiểu học trên địa bàn đều có bể bơi di động. Phấn đấu 70% học sinh lớp 3 và lớp 4 là biết bơi và 100% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học là biết bơi...", ông Hải thông tin.
Ông Hải cũng cho biết, các nhà trường học đều xây dựng mô hình cổng trường học an toàn giao thông. "Khu vực cổng trường học có biển báo về an toàn giao thông, tổ cờ đỏ, giáo viên phân luồng giải tỏa ùn tắc giao thông...", ông Hải nhấn mạnh.