Bắc Giang sẽ “đặt hàng” giáo viên sư phạm

GD&TĐ - Bắc Giang sẽ có cơ chế “đặt hàng” giáo viên sư phạm. Đồng thời, có chính sách đãi ngộ, thu hút tốt hơn người tài cho ngành GD-ĐT để đi học sư phạm là lựa chọn hàng đầu của học sinh.

Đường phố trang hoàng cờ hoa, chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang.
Đường phố trang hoàng cờ hoa, chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang.

Chiều 8/10, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương đã chia sẻ với Báo GD&TĐ về phương hướng, mục tiêu đột phá của Đảng bộ tỉnh Bắc Giang đối với công tác GD-ĐT trong nhiệm kỳ 2020 - 2025.  

Chú trọng xây dựng trường học thông minh

Ông Lê Ánh Dương cho biết, đến nay Bắc Giang đã hoàn tất công tác chuẩn bị, sẵn sàng cho Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX (nhiệm kỳ 2020 - 2025), diễn ra từ ngày 13 - 15/10/2020 tại Trung tâm hội nghị tỉnh Bắc Giang.

Nói về công tác GD-ĐT, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh, thời gian tới, Bắc Giang sẽ tập trung đột phá vào công tác cán bộ, chính sách về GD-ĐT.

Bắc Giang sẽ tập chung vào việc bảo đảm số lượng hệ thống cũng như quy mô trường lớp. Nâng cao chất lượng giáo dục như: Trường, lớp học, nhà vệ sinh, sân chơi, các khu bán trú, nội trú cũng phải bảo đảm những điều kiện về nhà ăn, ký túc, nhà công vụ…

Tiếp tục chú trọng vấn đề ứng dụng CNTT trong trường học, xây dựng mô hình trường học thông minh. Tập trung nguồn lực cho địa bàn khu công nghiệp - nơi tập trung số lượng học sinh lớn.

“Hiện nay, cơ sở vật chất về giáo dục của Bắc Giang ở mức tương đối tốt. Tỷ lệ kiên cố hoá trường, lớp học đạt 92,4% (tăng 8,4% so với đầu nhiệm kỳ). Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt trên 93,2%. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa bằng lòng với những kết quả đã đạt được. Dù tỷ lệ kiên cố hoá cao, nhưng chất lượng cho từng phòng học, hạng mục công trình chưa đồng đều vì xây dựng từ lâu. So với tiêu chuẩn hiện tại thì những phòng học còn chật hẹp…”, ông Lê Ánh Dương bày tỏ.

Theo ông Lê Ánh Dương, cơ sở vật chất của giáo dục trước đây mới chỉ chú trọng đến các lớp học mà chưa quan tâm nhiều đến chất lượng các công trình phụ trợ. “Để bảo đảm được yêu cầu xây dựng “trường học thân thiện”, an toàn, xanh - sạch - đẹp như hiện nay, Bắc Giang phải quan tâm hơn đến các hạng mục công trình phụ trợ, sân chơi, bãi tập, cây xanh, nhà đa năng… cho học sinh…”, ông Dương nhấn mạnh.

Theo ông Dương, 5 năm vừa qua ngành Giáo dục Bắc Giang luôn duy trì ở nhóm tốp đầu về chất lượng giáo dục của cả nước. Trong đó, bao gồm cả giáo dục chất lượng toàn diện và giáo dục mũi nhọn. “Điều này thể hiện ở việc kết quả thi tốt nghiệp THPT Bắc Giang luôn ở nhóm đầu của cả nước về chất lượng. Năm 2020, tỷ lệ tốt nghiệp THPT của Bắc Giang đạt 99,34%, cao hơn bình quân của cả nước. Đối với giáo dục mũi nhọn, các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế thì Bắc Giang luôn có thí sinh đạt giải cao. Nhiệm kỳ vừa qua, Bắc Giang 2 năm liên tiếp có học sinh đạt giải quốc tế…”, ông Dương chia sẻ.

Để đạt được kết quả trên, theo ông Dương những năm qua Bắc Giang có sự chuyển hướng từ đào tạo chuyên môn văn hóa sang đổi mới, nâng cao kỹ năng sống, giáo dục đạo đức, truyền thống cho học sinh. Mặt khác, tăng thêm các hoạt động trải nghiệm góp phần hình thành kỹ năng, nhân cách cho học sinh trong quá trình học tập.

Thêm vào đó, Bắc Giang tăng cường, ưu tiên giảng dạy tin học, ngoại ngữ. Với mong muốn tạo ra bước chuyển biến tích cực về giáo dục ngoại ngữ, ứng dụng CNTT vào dạy và học. Nhờ đó, trong đợt phòng dịch Covid-19 vừa qua, Bắc Giang đã chủ động chuyển hướng sang giáo dục trực tuyến không để gián đoạn công tác dạy và học.

Nhiệm kỳ tới, Bắc Giang sẽ tập trung ba vấn đề cốt lõi của giáo dục. “Thay đổi cơ chế chính sách theo hướng tích cực, tiên tiến là yếu tố tiên quyết, có vai trò như “bệ phóng” giúp giáo dục phát triển toàn diện. Điều chỉnh, bổ sung những chính sách, cơ chế, giải pháp… phù hợp với thực tế. Nếu cơ chế chính sách lạc hậu thì không thể đòi hỏi giáo dục phát triển…”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang nhấn mạnh. 

Ông Lê Ánh Dương.
Ông Lê Ánh Dương.

Để sư phạm là lựa chọn số 1

Theo ông Lê Ánh Dương, muốn có chất lượng giáo dục toàn diện cũng cần phải đào tạo thêm nhiều giáo viên, học sinh giỏi. Có cơ chế thu hút nguồn lực khác đầu tư cho ngành Giáo dục, tránh dựa vào ngân sách. Chú trọng tới vấn đề đầu tư con người.

“Muốn có trò giỏi thì phải có đội ngũ giáo viên giỏi. Bắc Giang sẽ có cơ chế “đặt hàng” giáo viên sư phạm. Chúng tôi cũng sẽ có những chính sách đãi ngộ, thu hút tốt hơn người tài cho ngành Giáo dục. Đi học sư phạm phải là lựa chọn hàng đầu của học sinh…”, ông Dương bày tỏ.

Ông Dương cho biết thêm, Bắc Giang đang cho rà soát quy mô đào tạo ngành sư phạm trong 10 năm tiếp theo. Và dự kiến số lượng học sinh, quy mô trường lớp và số lượng giáo viên biến động (do nghỉ hưu, chuyển công tác), số giáo viên đã qua đào tạo nhưng chưa được tuyển dụng… qua đó xác định rõ nhu cầu về giáo viên trong tương lai.

“Từ những dữ liệu về giáo viên sư phạm, Bắc Giang sẽ xây dựng kế hoạch đặt hàng các trường đại học để đào tạo nguồn giáo viên chất lượng cao…”, ông Dương nói.

Đặc biệt, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, Bắc Giang sẽ có chính sách hỗ trợ cho học sinh khá giỏi ở các huyện về học ở trường chuyên (Trường THPT chuyên Bắc Giang). Theo ông Dương: “Điều này sẽ góp phần giúp các cháu học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn nhưng học giỏi vẫn có thể theo học ở trường chuyên. Tránh việc trường chuyên chỉ dành cho học sinh thành phố và con em thuộc gia đình có điều kiện…”. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.